(GLO)- Trong khi nhiều địa phương khác ở Gia Lai đang mưa “thối đất, thối cát” thì ở huyện Krông Pa, chính quyền và người dân vẫn đang phải gồng mình chống hạn cho cây trồng.
Quay quắt trong nắng hạn
Nhiều diện tích bắp ở huyện Krông Pa bị chết khô. Ảnh: L.V.N |
Krông Pa những ngày tháng 8 này, cái nắng “đặc sản” vẫn đổ xuống chói lóa. Trên cánh đồng rộng hàng trăm ha của buôn Mok (xã Chư Ngọc), bà Kpă HChăm đang miệt mài làm cỏ lúa. Gọi là lúa nhưng nó cũng không khác cỏ là mấy khi lá đã xoăn lại, ngả màu vàng cháy. Đưa tay quệt những giọt mồ hôi lăn trên gò má gầy gò, bà HChăm buồn bã: “Vụ trước cũng bị hạn, lúa chết hết không có gì ăn, nhà mình phải nhờ nhà nước hỗ trợ gạo cứu đói. Vụ này, được nhà nước hỗ trợ giống lúa, thấy có mưa xuống thì gieo sạ liền nhưng chỉ mưa được một hai cơn rồi đứt hẳn. Vùng này chỉ nhờ nước trời mà trời không cho nước nên lúa gần 2 tháng vẫn không cao quá một gang tay. Hy vọng sắp tới mưa xuống cứu được phần nào chứ không thì lại mất trắng”.
Không chỉ tại xã Chư Ngọc, nhiều nơi khác tại “chảo lửa” Krông Pa cũng rơi vào tình trạng “cánh đồng chết” bởi nắng hạn cục bộ. Hàng ngàn diện tích cây trồng bị ảnh hưởng dẫn đến chậm phát triển, năng suất có khả năng sụt giảm mạnh, thậm chí nhiều diện tích đã bị mất trắng. Anh Ksor Tin (buôn Bát, xã Chư Gu) chia sẻ: “Nhiều nhà thấy có cơn mưa đầu mùa hồi tháng 5 thì rủ nhau tỉa bắp, trồng mì hàng loạt. Nhưng từ đó đến nay không thấy mưa đâu, có thì cũng không đủ thấm đất nên mì bị héo, chậm lớn lắm. Còn nhà nào trồng bắp thì bỏ hết vì bắp chết khô, cây nào còn sống ra bắp cũng không có hạt đành phải chặt bỏ cho bò ăn”.
Ông Nay Hem-Chủ tịch UBND xã Chư Drăng cho hay, người dân trong xã lo ngại sẽ xảy ra nắng hạn nên đã tập trung trồng cây mì. Vụ mùa năm nay, toàn xã gieo trồng 850 ha mì. “Cây mì chịu hạn tốt vậy mà còn không lớn nổi vì chưa bao giờ hạn như năm nay. Gần như tất cả diện tích mì của xã đều bị ảnh hưởng rất nặng nề bởi đợt hạn hán này”-ông Hem nói.
Ao hồ trơ đáy
Qua ghi nhận của P.V, hầu hết các ao hồ, suối trên địa bàn huyện Krông Pa đều trơ đáy một cách bất thường. Một số hồ nước sâu vốn quanh năm đầy ắp nay cũng chi chít những vết nứt nẻ. Các giếng nước dùng trong sinh hoạt cũng rơi vào cảnh cạn kiệt, gây khó khăn cho đời sống của người dân. Bà Nguyễn Thị Chanh (thôn Mê Linh, xã Chư Drăng) cho biết: “Nhà tôi ở đây đã 20 năm nhưng chưa năm nào thấy cái ao trong nhà cạn nước. Những năm trước, cứ vào mùa này mưa nhiều, nước ở các con suối đổ về đầy ắp hồ khiến chúng tôi ngay ngáy lo vỡ bờ, nhưng năm nay thì đáy hồ nứt nẻ hết. Hồi trước, 10 hộ dân vay tiền khoan một cái giếng dùng để sinh hoạt và lấy nước cho gia súc uống, giờ cái giếng đấy cũng thiếu nước rồi. Nhà nào cũng phải dậy từ tinh mơ để trực lấy nước không thì phải đi mua nước bình về dùng”.
Nắng nóng kéo dài khiến các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Krông Pa cũng rơi vào tình trạng báo động. Tiêu biểu như hồ Ia Dreh với diện tích hơn 26 km2, thiết kế tưới cho 600 ha trong đó có 350 ha lúa và 250 ha màu của xã Ia Rmok. Theo kế hoạch, hồ sẽ xả nước cho bà con nông dân bắt đầu làm đất để gieo trồng vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7. Tuy nhiên phải đến 15-8 vừa qua, hồ mới đủ lượng nước để xả phục vụ tưới nên bà con phải chấp nhận chậm thời vụ, đồng nghĩa với việc khả năng lớn sẽ gặp mưa vào mùa thu hoạch. Ông Bùi Văn Xóa-Trưởng ban quản lý khai thác các công trình thủy lợi huyện Krông Pa cho biết: “Trời không có mưa nên các nguồn nước tự nhiên từ các con suối đổ về hồ cạn kiệt. Đến thời điểm này, dung tích hồ chỉ đạt 1,5 triệu m3, thấp hơn so với cùng kỳ là 450 ngàn m3. Chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện làm đường dẫn nước từ suối Ia Trai về hồ để mở rộng diện tích hồ thêm 8 km2”. Bên cạnh đó, đập tràn Uar cung cấp nước tưới cho hơn 60 ha lúa ở xã Chư Drăng và xã Uar cũng đã cạn kiệt không có khả năng xả nước.
Theo ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa, Phòng đã nắm thông tin về tình trạng hạn hán cục bộ diễn ra trên địa bàn và đang yêu cầu các xã khẩn trương báo cáo chính xác diện tích, mức độ cây trồng bị hạn để từ đó có phương án hỗ trợ người dân.
Lê Văn Ngọc