Phóng sự - Ký sự

Hành trình mở nguồn nước Dầu Tiếng - Kỳ 4: Ăn bo bo và đối mặt với bom mìn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chỉ ăn bo bo và lo đụng phải bom mìn còn sót lại. Tây Ninh cách TP.HCM chưa đầy 100km nhưng mấy tháng mới về một lần. Những người đi xây hồ Dầu Tiếng ngày ấy còn nhớ mãi địa danh "cầu Xa Cách" ở thị trấn Dương Minh Châu trước khi vào đó.

Tổng bí thư Lê Duẩn thị sát công trình hồ Dầu Tiếng được Bộ Chính trị đặc biệt quan tâm - Ảnh tư liệu
Tổng bí thư Lê Duẩn thị sát công trình hồ Dầu Tiếng được Bộ Chính trị đặc biệt quan tâm - Ảnh tư liệu
"Tên cầu Xa Cách được gọi với ý qua khỏi cây cầu này là đến vùng hoang vu, ít người dân sinh sống. Qua cầu là xa cách nhau rồi" - ông Phạm Phúc Trinh (66 tuổi, nguyên cán bộ Ban kiến thiết Dầu Tiếng) nhớ lại.
Ăn bo bo, làm công trình thế kỷ
Bắt đầu từ năm 1977, các kỹ sư, công nhân của Bộ Thủy lợi được điều động từ miền Bắc vào Dầu Tiếng. Năm 1977, "Đoàn khảo sát thiết kế thủy lợi Đông Nam Bộ" và "Ban kiến thiết Dầu Tiếng" được thành lập.
Ông Nguyễn Xuân Hùng (85 tuổi) là một trong những kỹ sư vào Dầu Tiếng từ cách đây hơn 40 năm. Lúc đó, ông là lãnh đạo Phòng khảo sát địa hình - địa chất, Viện Khảo sát thiết kế (Bộ Thủy lợi) được điều vào làm "chủ nhiệm thiết kế" hồ Dầu Tiếng. Trước khi vào Nam, kỹ sư Hùng từng thiết kế nhiều công trình thủy lợi ở miền Bắc.
"Năm ấy, từ bộ trưởng Nguyễn Thanh Bình, hai thứ trưởng Vũ Khắc Mẫn, Nguyễn Ngân Bắc đến anh công nhân khảo sát đều vào đây" - ông Hùng kể. Riêng viện của ông Hùng đã huy động 80% nhân viên từ khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn đến thiết kế cơ khí, thủy công.
"Khi đó, toàn bộ Dầu Tiếng là rừng rậm, chỉ có mấy đường mòn khai thác gỗ. Đi rừng khảo sát mà chúng tôi chỉ ăn bo bo cầm hơi. Bảy anh em đi khảo sát địa hình đã chết vì vướng bom mìn. Đúng là ăn bo bo, làm công trình thế kỷ" - ông Hùng bùi ngùi nhớ lại.
Khu vực này hậu chiến, hiểm họa bom mìn còn ẩn khuất khắp nơi. Khó khăn tứ bề, nhưng chỉ hai năm sau - 1979, kỹ sư Nguyễn Xuân Hùng và cộng sự đã hoàn thành luận chứng kinh tế - kỹ thuật hồ Dầu Tiếng.
Cùng với các lực lượng khảo sát, thiết kế, các kỹ sư, công nhân của các đơn vị thi công, cơ khí Bộ Thủy lợi như nhà máy cơ khí 276 cũng vào Dầu Tiếng. Và chính ở đại công trường Dầu Tiếng, năm 1979, Liên hiệp các xí nghiệp thủy lợi 4 ra đời - nay là Tổng công ty Xây dựng thủy lợi 4.
Một trong những kỹ sư trẻ xung phong lên hồ Dầu Tiếng ngày ấy có ông Lê Quang Thế (66 tuổi) hiện là chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây dựng thủy lợi 4. Năm đó, ông Thế là kỹ sư mới ra trường và trực tiếp thi công cống số 1, số 2, đập tràn chính.
Học xong Đại học Thủy lợi ở Hà Nội, ông Thế được điều vào TP.HCM, rồi cùng hai đồng nghiệp làm đơn xung phong lên hồ Dầu Tiếng. Và chính nhờ "nền móng" những năm tháng thi công ở Dầu Tiếng, ông Thế đã rút được kinh nghiệm để phát triển năng lực sau này.
Đặc biệt, 40 năm trước, sau khi xây dựng hồ Kẻ Gỗ ở Hà Tĩnh, ông Trần Ngọc Tương (84 tuổi) cũng vào Dầu Tiếng với nhiệm vụ thi công đập chính. Trước khi nhận bản vẽ làm đập, ông Tương và các đồng nghiệp đi bộ mấy ngày trời để khảo sát.
Kỷ niệm sâu sắc nhất với ông Tương là ngày chặn sông Sài Gòn đợt 2 thành công vào cuối năm 1983.
"Lòng tôi vui sướng lâng lâng khó tả. Hạnh phúc nhất là đứng trên đập chính nhìn về lòng hồ, về thượng nguồn vì cảm giác mình đã thắng được định kiến "không có nước", thắng được gian lao" - ông Tương nói.
Sau một thời gian dài nghỉ hưu, 10 năm trở lại đây, ông Tương lại về sống bên dòng nước xanh mát, đầu kênh Đông của hồ Dầu Tiếng để quản lý nhà máy thủy điện do ông và các đồng nghiệp cũ đầu tư.
Thuận lợi của những kỹ sư trẻ như ông Thế, ông Tương ngày đó là được sử dụng những máy đào, máy cạp, máy trộn bêtông hiện đại nhập về từ Nhật Bản, Hà Lan, Thụy Điển. Nhưng họ phải ăn uống kham khổ, xa cách thị thành, làm việc dưới trời nắng cháy.
"Những năm ấy, chúng tôi chỉ ăn bo bo và lo nhất là đụng phải bom mìn còn sót lại. Tây Ninh cách TP.HCM chưa đầy 100km nhưng mấy tháng mới về một lần" - ông Thế nhớ lại.

Ông Mai Chí Thọ (người cao) và ông Sáu Thượng (đứng trước hình) kiểm tra thi công hồ Dầu Tiếng - Ảnh tư liệu
Ông Mai Chí Thọ (người cao) và ông Sáu Thượng (đứng trước hình) kiểm tra thi công hồ Dầu Tiếng - Ảnh tư liệu
Biến Dầu Tiếng thành đại công trường
Ngoài lực lượng từ miền Bắc vào, để có công trình thủy lợi nhân tạo lớn nhất Đông Nam Á, ngay tại Tây Ninh ngày ấy cũng có nhiều cán bộ dám "xé rào", vượt qua định kiến, nghi ngờ.
Trong cuốn hồi ký Trên nẻo đường quê hương, ông Đặng Văn Thượng (Sáu Thượng) viết khá nhiều về giai đoạn đầu thi công hồ Dầu Tiếng. Lúc ấy ông giữ chức chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh. Và có lẽ, đó là dấu ấn lớn nhất trong cuộc đời ông.
Ông nhớ lại trước những ý kiến phản đối kịch liệt làm hồ Dầu Tiếng, cả tháng trời ông cũng đau đáu tự hỏi "thực sự có lợi cho đồng bào hay không?". Rồi sau đó, ông tin tưởng vào quyết định của Bộ Chính trị, Chính phủ là có cơ sở khoa học, là lo cho nhân dân và "chắc chắn có lợi để phát triển kinh tế".
Cùng hai phó chủ tịch là ông Võ Anh Tú (Năm Tú) và Võ Đức Thiện (Hai Thiện - cả hai đều đã mất), ông Sáu Thượng xắn tay với các cán bộ, kỹ sư của Bộ Thủy lợi để làm hồ Dầu Tiếng. Ông cùng hai vị phó xuống tận từng huyện, xã vận động mặt trận đoàn thể, chức sắc tôn giáo, nông dân, và đặc biệt là thanh niên đi đào kênh thủy lợi, đón nước hồ Dầu Tiếng.
Cả Tây Ninh là một đại công trường. Đặc biệt có những huyện như Tân Biên, Bến Cầu dù không có kênh thủy lợi chảy qua, không được hưởng lợi nguồn nước của hồ Dầu Tiếng cũng cử thanh niên đến tham gia.
Trả lời phỏng vấn truyền hình năm 2010 vào dịp kỷ niệm 25 năm hồ Dầu Tiếng mở nước, ông Sáu Thượng kể: "Tôi đi xuống từng huyện mời bí thư, chủ tịch, kể cả ở xã (lúc bấy giờ là 82 xã - PV) nói về cái lợi làm hồ nước Dầu Tiếng. Tôi cũng cố gắng lo kiếm gạo cho bà con ăn để mà ráng làm. Nói chung các nơi đồng ý. Đồng bào ai cũng chịu. Tất cả cùng nhảy vào làm".
Kỹ sư Nguyễn Xuân Hùng khẳng định: "Để có công trình hồ Dầu Tiếng thì địa phương đóng góp rất lớn, trong đó quan trọng nhất là huy động thanh niên, dân công làm thủy lợi. Có ông Sáu Thượng ra tay mới làm được. Chính ông ấy đã huy động được hàng chục triệu lượt người đi xây hồ, đào kênh" .
Ngoài ông Sáu Thượng, ông Năm Tú, ông Hai Thiện, còn có ông Bảy Biên, ông Hai Chương là những người hăng hái, tiên phong và quyết tâm làm thủy lợi Dầu Tiếng. Về sau có thêm các ông Nguyễn Văn Tranh (64 tuổi) và Lê Thành Công (64 tuổi) - bí thư Xã đoàn Hiệp Tân, huyện Hòa Thành ngày đó và hàng triệu đoàn viên, thanh niên xung phong, dân công của Tây Ninh.
"Để làm được hồ nước Dầu Tiếng trong mấy năm, có công lao rất to lớn của thanh niên, nhân dân tỉnh Tây Ninh" - ông Sáu Thượng từng nói.
Ông Sáu Thượng sinh năm 1927 ở Đức Hòa, Long An. Trước khi giữ chức chủ tịch UBND Tây Ninh từ 1976 đến 1980, ông là đại tá - chính ủy sư đoàn 9. Từ 1981 đến 1986, ông là bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh.
Năm 1986, ông Sáu Thượng được điều về làm chuyên gia cao cấp Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (nay là Văn phòng Chính phủ) rồi làm đặc phái viên Chính phủ - phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Đồng Tháp Mười - Tứ giác Long Xuyên.
Thời gian này, ông tiếp tục phát huy làm thủy lợi như đã từng làm ở Tây Ninh. Ông chỉ huy nhiều dự án thủy lợi góp phần khai hoang, phục hóa Đồng Tháp Mười.
------------------------
Nếu ví lòng hồ Dầu Tiếng là quả tim thì các con kênh cấp 2, cấp 3, nội đồng là mạch máu đưa nước đi khắp nơi. Các mạch máu đó được khơi thông nhờ trái tim và bàn tay thanh niên…
Kỳ tới: Mồ hôi tuổi trẻ ở Dầu Tiếng
ĐÔNG HÀ - ĐỨC TRONG (TTO)

Có thể bạn quan tâm