Thời sự - Bình luận

Hết thuốc rồi!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bệnh viện hết thuốc rồi! Và đây là hậu quả của tâm lý “làm việc gì cũng sợ sai, làm xong rồi cũng không biết có sai hay không, sai cũng không biết sai chỗ nào, thậm chí không làm gì cũng có thể dẫn đến sai phạm”?

 

Một bệnh nhân đi khám bảo hiểm y tế nhưng rút cục phải bỏ tiền túi để mua thuốc từ bên ngoài bệnh viện. Ảnh: Văn Sỹ


“Hết thuốc rồi”- câu trả lời lạnh lùng chị P.A.T nhận được ở Bệnh viện K3 Tân Triều (Hà Nội) khi hỏi bác sĩ về y lệnh.

Thuốc bestdocel 80mg/4ml mọi lần đều do bảo hiểm chi trả. Nhưng giờ đây thì “hết thuốc rồi”. Và muốn có thuốc thì ra ngoài mà mua.

Ra ngoài là đâu?! Là chỉ 3 hiệu thuốc, trong chiều dài 100m, thì có đến 3 loại giá, thậm chí giá sau cao gấp đôi giá trước.

Ra ngoài là đâu?! Là ngoài cổng bệnh viện, là đâu thì là. Là đó không phải việc của bác sĩ, của bệnh viện.

Là một người trong ngành y, đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - nói rằng: Việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, thuốc là nỗi lo lớn nhất của đại đa số các bệnh viện công và tư. "Sau "cơn bão lớn", những khó khăn trước đây như thu nhập nhân viên y tế, mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, vật tư thuốc men không được cải thiện mà thậm chí còn tệ hơn bao giờ hết".

Nhưng “hết thuốc rồi”, nói chính xác - chính là hậu quả của tình trạng “giám đốc các bệnh viện không mặn mà, thậm chí ngần ngại thực hiện các gói thầu mua sắm thiết bị y tế”, hay nói đúng hơn là việc “những người có trách nhiệm không dám mua sắm, vì sợ sai, sợ vi phạm”.

Trước Quốc hội, bà Mai Thị Phương Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội - từng thẳng thắn về tình trạng sợ trách nhiệm: “Nhiều người cho rằng, bây giờ làm việc gì cũng sợ sai, làm xong rồi cũng không biết có sai hay không, sai cũng không biết sai chỗ nào và thậm chí không làm gì cũng có thể dẫn đến sai phạm".

Mà căn bệnh sợ trách nhiệm không chỉ ở ngành Y tế, cũng không phải đến giờ mới bộc phát.

Tháng 10.2019, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, khi đó đương chức Thủ tướng, cũng đã cảnh báo: “Nguy cơ không phải là tụt hậu kinh tế... nguy cơ lớn nhất là không hành động vì sợ trách nhiệm”.

Những bệnh nhân sẽ ra sao nếu bệnh viện “hết thuốc” vì các giám đốc đang “nhiễm virus” sợ trách nhiệm?

Cần phải có thuốc cho tình trạng “hết thuốc rồi”, cho virus sợ trách nhiệm.

Thuốc ấy, là một cơ chế để bảo vệ những người dám nghĩ dám làm. Và thuốc ấy, cũng phải là sự kiên quyết: Ai không làm thì đứng sang một bên, thì đừng ngồi cái ghế đấy nữa.

Chứ những người hoặc khánh kiệt vì bệnh tật, hoặc thập tử nhất sinh, họ có lỗi gì để phải nhận gọn lỏn 3 chữ “hết thuốc rồi” quá phũ phàng kia?!



https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/het-thuoc-roi-1056976.ldo

Theo ĐÀO TUẤN (LĐO)

 

Có thể bạn quan tâm