Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Hòa giải để giữ tình làng nghĩa xóm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bà Vũ Thị Gắng (thôn 1, thị trấn Kon Dơng, huyện Mang Yang) ký hợp đồng cho ông Cao Thế Hoàn (cùng thôn) thuê 2,2 ha đất nương rẫy tại thôn 1, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa. Ông Hoàn thuê đất để trồng rau củ quả ngắn ngày dưới tán cao su. Thời hạn thuê đất là 3 năm, từ ngày 20-3-2022 đến hết ngày 20-3-2025 với giá 6 triệu đồng/năm. Trong hợp đồng hai bên ký ghi rõ, ông Hoàn có nghĩa vụ “sử dụng đất đúng mục đích… không được hủy hoại, làm giảm giá trị sử dụng của đất, không được làm chết cao su”.

Ông Lê Văn Lăng-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Ia Sao (huyện Ia Grai) và bà Rơ Châm H'Plur-Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh làng Ó trao đổi công tác hòa giải ở cơ sở. Ảnh: Hoàng Cư

Ngày 8-4-2022, ông Hoàn thuê người và 2 xe công nông vào khu đất được thuê cưa hạ 520 cây cao su 8 năm tuổi, chở thân cây đi bán. Sau khi bà Nguyễn Thị Hiền-người trông coi nương rẫy-phát hiện sự việc, bà Gắng liên hệ và đến cơ quan chức năng trình báo. Sau đó, ông Hoàn cũng đã thừa nhận việc làm của mình là sai trái. Bà Gắng yêu cầu phải bồi thường tổng thiệt hại là 350 triệu đồng, nhưng ông Hoàn đưa ra giá bồi thường là 80 triệu đồng. Thương lượng bồi thường một thời gian dài không thành, bà Gắng làm đơn đề nghị các cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Nhận thấy sự việc có tính chất căng thẳng, các cơ quan chức năng cùng bà con lối xóm đã phân tích cho đôi bên việc đúng-sai và tiến hành hòa giải. Kết quả, bà Gắng chấp nhận lời xin lỗi, nhận 150 triệu đồng bồi thường và rút đơn tố giác ông Hoàn.

Ông Nguyễn Tường Duy-Chủ tịch UBND xã Hải Yang-cho biết: “Bà Gắng nhận tiền để khôi phục vườn cao su. Ông Hoàn và những người thân không phải lo lao lý, lo mất việc làm. Cán bộ không phải lo bảo vệ hiện trường vụ án, không phải giải quyết việc tranh chấp phức tạp”.

Một vụ việc phức tạp khác cũng được phát hiện kịp thời và tổ chức hòa giải thành công. Đó là chuyện anh Rơ Lan Hil (làng Jek, xã Ia Sao, huyện Ia Grai) đòi chia tài sản của nhà vợ. Anh Hil và chị Rơ Chăm H'Nga (làng Ó, xã Ia Sao) lấy nhau và sinh được 1 người con. Thế rồi một ngày, anh Hil bỏ mẹ con chị H'Nga và về lại nhà mẹ đẻ ở. Hỏi thì anh Hil nói không ưng vợ nữa và bắt chị HNga phải phân chia nhà đất.

Bà Rơ Châm H'Plur-Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh làng Ó-cho hay: “Sau nhiều lần họp gia đình, họ hàng, dân làng, tôi nói nhà đất, nương rẫy và ruộng vườn mà 2 vợ chồng sử dụng lâu nay đều là của ông bà, bố mẹ bên vợ để lại cho H'Nga. Hil là chồng, chưa làm ra nhà đất nên không được phân chia tài sản. Nhà đất đó có nguồn gốc rõ ràng của ông bà bên vợ, phải để lại cho mẹ con HNga làm ăn sinh sống. Hội đồng hòa giải của làng và Rơ Lan Hil đều đồng thuận với ý kiến này”.

Hiện nay, ở các thôn, làng, tổ dân phố đều có tổ hòa giải. Các hòa giải viên là cán bộ, người có uy tín, hiểu biết nhất định ở địa phương. Họ có trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật, hướng dẫn, hỗ trợ các bên chia sẻ thông tin, nắm bắt đúng bản chất của vấn đề khi xảy ra tranh chấp, xích mích. Sau đó, phân tích cho các bên thấy rõ bản chất đúng-sai, hướng xử lý, thỏa thuận và tự nguyện giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp. Tất cả đều dựa trên quy định của pháp luật, quy ước, hương ước và Luật Hòa giải ở cơ sở nên đã hóa giải thành công nhiều vụ việc phức tạp phát sinh ngay tại cơ sở, góp phần giữ gìn tình làng nghĩa xóm, an ninh trật tự địa phương.

 

HOÀNG CƯ
 

Có thể bạn quan tâm