Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Họa sĩ Lê Sa Long công bố bộ ký họa hoành tráng 'Đại ngàn Tây nguyên'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ấn tượng với Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây nguyên lần thứ I, năm 2023 (diễn ra từ 29.11 - 2.12) tại TP.Kon Tum, vừa về lại TP.HCM, họa sĩ Lê Sa Long đã hoàn thành bộ ký họa hoành tráng Đại ngàn Tây nguyên, giới thiệu riêng cho Báo Thanh Niên.

Họa sĩ Lê Sa Long cho biết: "Khi có mặt cùng tham dự Ngày hội các dân tộc vùng Tây nguyên lần thứ I, tôi như được hòa vào cùng hoạt động của hàng trăm nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên các dân tộc 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng hội tụ về mảnh đất Kon Tum trình diễn những nét văn hóa đặc sắc nhất của cộng đồng mình. Những hoạt động văn hóa, văn nghệ ấy đã tạo nên bức tranh toàn cảnh, đa sắc màu, tôn vinh giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc vùng Tây nguyên".

Tác phẩm Đôi mắt Kon Tum

Tiếp nối truyền thống (nghệ nhân nhí Rơ Châm Trú 12 tuổi xã Ia Phí, H.Chư Păh, tỉnh Gia Lai say mê trình diễn trong ngày hội)

Tiếp nối di sản của ông cha (đôi mắt trong veo của em bé dân tộc Gia Rai tham gia đoàn nghệ nhân tỉnh Gia Lai)

Tại những ngày hội, họa sĩ Lê Sa Long còn may mắn gặp gỡ nhiều bạn bè trong giới mỹ thuật, nhà báo, người làm di sản văn hóa, nghệ nhân và nhất là con người ông ngưỡng mộ từ lâu là nhạc sĩ, nhà giáo Linh Nga Niê Kdăm. "Ai cũng hân hoan khi ngày hội đã góp phần khơi dậy lòng tự hào về truyền thống văn hóa của cộng đồng các dân tộc, đẩy mạnh phát triển hoạt động và du lịch của các tỉnh vùng cao", ông tâm sự.

Họa sĩ Lê Sa Long đặc biệt ấn tượng với việc đưa sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng Tây nguyên trở về gần hơn với cuộc sống đời thường; thể hiện qua việc bố trí mỗi đoàn nghệ nhân ở một vị trí trong khu vực để họ thỏa sức tái hiện không gian sinh hoạt cộng đồng, phục dựng lễ hội, trình diễn cồng chiêng, liên hoan văn nghệ quần chúng, biểu diễn nhạc cụ dân tộc, đan lát, tạc tượng, dệt thổ cẩm... của dân tộc mình tại quảng trường 16/3 (thành phố Kon Tum).

Tại ngày hội, cộng đồng các dân tộc 5 tỉnh Tây nguyên còn cùng nhau tạo nên sự hấp dẫn với trang phục truyền thống của các dân tộc: Giẻ Triêng, K'Ho, M'Nông, Mạ, Ê đê, Gia Rai, Ba na... Các bộ trang phục được các nghệ nhân thể hiện từ kiểu dáng, họa tiết, sắc màu đã minh chứng sự sáng tạo, tinh tế, khéo léo của mỗi dân tộc và mang đến sức hấp dẫn riêng.

Họa sĩ Lê Sa Long (phải) chụp hình lưu niệm cùng nhạc sĩ, nhà giáo Linh Nga Niê Kdăm tại ngày hội

Họa sĩ Lê Sa Long (trái) cùng một người bạn nhà báo ở Đắk Lắk trong Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây nguyên

Giữa sôi động, náo nhiệt của âm thanh, người dân và du khách lại có dịp tĩnh lặng, tìm về chốn linh thiêng, huyền bí qua các nghi lễ được cộng đồng tái hiện như: Nghi lễ cúng trưởng thành của dân tộc Ê đê tỉnh Đắk Lắk; lễ cúng chiêng của người K'Ho S'rê ở Lâm Đồng; Lễ hội mừng mùa (Răm Rhơn Lôch Kach Koi) của dân tộc M'Nông tỉnh Đắk Nông, lễ cúng giọt nước của người Gia Rai.

Đặc biệt, lễ mở cửa kho lúa của dân tộc Rơ Măm ở làng Le (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) của đoàn Kon Tum là một trong những nghi lễ được tái hiện công phu thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách, những người đam mê nghệ thuật, nghiên cứu văn hóa truyền thống.

Khác với nhiều dân tộc ở Bắc Tây nguyên dùng bộ gõ từ cây rừng để đánh cồng chiêng, người K'Ho (tỉnh Lâm Đồng) thực hiện nghi lễ cúng chiêng truyền thống lại dùng nắm tay đánh trên những bộ chiêng không có núm.

Âm vang đại ngàn (Nghệ nhân Ưu tú A Biu dân tộc Ba na, ở làng Plei Klech, xã Ngọk Bay, TP.Kon Tum, tỉnh Kon Tum biểu diễn cồng chiêng)

Lễ mở cửa kho lúa (dân tộc Rơ Măm ở làng Le - xã Mô Rai, H.Sa Thầy, Kon Tum)

Đọ chiêng (sau khi già làng thực hiện nghi lễ cúng chiêng truyền thống của người K'Ho S'rê của tỉnh Lâm Đồng)

Nghề truyền thống - các nghệ nhân M'Nông Rlăm làm gốm thủ công truyền thống không sử dụng bàn xoay ở Yang Tao, H.Lắk (Đắk Lắk)

Theo người K'Ho thì việc này tạo ra âm thanh chân thực, mộc mạc nhất, con người cũng kết nối với tự nhiên và thần linh một cách hoang sơ, nguyên thủy nhất. Du khách ấn tượng màn "đọ chiêng" sau lễ "cúng chiêng" mà phần thưởng là những tràng vỗ tay và điệu múa của các thiếu nữ dân tộc xinh đẹp.

"Sau khi công bố ký họa hoành tráng Đại ngàn Tây nguyên, tôi có hứa với nhạc sĩ, nhà giáo Linh Nga Niê Kdăm là sẽ sắp xếp thời gian lên Tây nguyên đại ngàn dài ngày hơn để sáng tác nhiều tác phẩm hơn nữa về vùng đất đa sắc màu, nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thân thương Tây nguyên", họa sĩ Lê Sa Long cho biết.

Được sự đồng ý của tác giả, Thanh niên Online xin giới thiệu các tác phẩm tuyển chọn trong bộ ký họa hoành tráng Đại ngàn Tây nguyên của họa sĩ Lê Sa Long

Các nữ nghệ nhân dân gian ở huyện Kon Rẫy vừa biểu diễn nghề dệt thổ cẩm truyền thống vừa hát dân ca

Giây phút thiêng liêng (nghi lễ cúng trưởng thành của dân tộc Ê đê, tỉnh Đắk Lắk)

Nghệ nhân đẽo tượng tại không gian trưng bày sản phẩm truyền thống

Thiếu nữ Tây nguyên bên gùi hoa dã quỳ Kon Tum

Nghệ nhân dân tộc Jrai (tỉnh Gia Lai) chế tác và diễn tấu đàn goong trong ngày hội

Nghệ nhân Ê đê diễn tấu nhạc cụ do tự mình chế tác

Có thể bạn quan tâm