Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Học Bác từ những điều nhỏ nhất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Học tập Bác là điều dĩ nhiên. Vì Bác là một vĩ nhân, là nhà văn hóa lớn, là bậc “đại nhân, đại trí, đại dũng”, là nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, là lãnh tụ thiên tài của Đảng và nhân dân ta.
Bác vĩ đại, lớn lao nhưng cũng là người đặc biệt gần gũi, giản dị với cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, thành phần, giai tầng xã hội. Mối quan hệ giữa một vĩ nhân, một người anh hùng với con người bình thường, gần gũi, giản dị trong Bác nhuần nhị và thống nhất cao độ. Những giá trị trong di sản mà Bác để lại không chỉ là tài sản quý giá của Đảng mà còn là của mỗi người trong hiện tại và cả tương lai. Chính vì điều này, yêu cầu học tập và làm theo Bác là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, trước tiên là với người cán bộ, đảng viên.
Học và làm theo Bác những gì? Nhiều và nhiều lắm! Là người toàn tâm toàn ý vì Đảng, vì dân, vì hòa bình, văn minh, tiến bộ cho dân tộc và nhân loại nên đức tính, hành động, lời nói, việc làm của Bác chứa đựng nhiều giá trị cần thiết cho mọi người học tập và làm theo. Như đức tính giản dị chẳng hạn. Bác là hiện thân của đức tính giản dị của người cộng sản. Di sản để lại cho phong trào cộng sản quốc tế, cho toàn Đảng, toàn dân ta là cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, với những tư tưởng, đạo đức, phong cách độc đáo, cao quý nhưng Người lại có một cuộc sống vô cùng giản dị. Phải dùng hình dung từ chỉ mức độ “vô cùng” mới nói hết đức tính cao quý của Bác: vô cùng giản dị! Từ mái nhà sàn bằng gỗ làm nơi làm việc, bộ quần áo ka ki bạc màu, đôi dép cao su, chiếc máy đánh chữ cổ lỗ… Có biết bao câu chuyện cảm động về đức tính giản dị của Bác mà ai cũng có thể nghe kể, đọc, xem và đều có cùng cảm nhận xúc động chân thành.
Người đã giản dị thì luôn quý trọng công sức lao động, của cải xã hội do con người vất vả làm ra. Bác là hiện thân của con người yêu lao động, quý trọng thành quả, công sức lao động, coi “lao động là vinh quang”. Khi đã là Chủ tịch nước, Bác vẫn thường xuyên gắn bó cơ sở, thăm công xưởng, ruộng đồng, hầm mỏ, tự tay trồng tỉa, chăm sóc vườn tược, tham gia gặt lúa, guồng nước tưới ruộng, chăm sóc ao cá… Việc gì Bác cũng làm được với tất cả trách nhiệm và mê say. Cũng bởi giản dị, yêu quý lao động nên Người rất căm ghét thói trưởng giả, hình thức, lười biếng, xa hoa, lãng phí, tham nhũng. Rất đau lòng nhưng phải ký quyết định tử hình một cán bộ tham ô trong thời kỳ 9 năm kháng chiến chống Pháp-điều ấy đã cho thấy thái độ nhất quán trong con người Hồ Chí Minh.
Nhiều năm qua, Đảng ta luôn chú trọng phát huy di sản mà Người để lại, phát động và kêu gọi toàn xã hội học tập và làm theo gương sáng của Người. Việc học tập và làm theo Bác đã được “luật hóa” trong Đảng, trong các quy định của Nhà nước thông qua các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch, chương trình, quy định cụ thể, rõ ràng, nghiêm túc với yêu cầu ngày càng cao, gắn với chủ đề, chuyên đề hàng năm; có kiểm điểm, đánh giá, xác định yêu cầu nhiệm vụ sát với từng tổ chức, cá nhân. Điều đó góp phần giúp mỗi cán bộ, đảng viên, quần chúng nhận thức rõ hơn về giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác để vận dụng vào yêu cầu nhiệm vụ cụ thể ở cơ quan, đơn vị, qua đó góp phần hoàn thiện thêm nhân cách và lối sống, hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương, lan tỏa những giá trị tốt đẹp của Người trong cộng đồng xã hội.
Tuy nhiên, có một thực tế không thể không nhắc đến đó là việc học tập và làm theo Bác có nơi, có lúc, có người, có việc còn chung chung, chưa sâu sát, thực tế và hiệu quả. Có thể choáng ngợp vì Bác vĩ đại, anh hùng nên khó tiếp cận học tập, làm theo càng khó... Bản thân người viết cũng từng lúng túng như vậy. Nhưng bình tâm suy xét, nhiều người “vỡ ra”: Hãy cứ học và làm theo Bác từ những chuyện nhỏ, những điều đơn giản, dễ làm nhất. Từ thực tế theo dõi, người viết nhận thấy không ít cơ quan, đơn vị, địa phương, tập thể, cá nhân có nhiều cách làm hay, như: tiết kiệm điện, nước, văn phòng phẩm; văn bản lưu hành nội bộ dùng giấy in đã sử dụng một mặt; cắt bỏ họp hành, trà lá không cần thiết. Hay áp dụng thực hiện phong cách gần dân của Bác thông qua việc hàng tuần, hàng tháng, hàng quý nghiêm túc thực hiện “chỉ tiêu” số ngày xuống cơ sở, thực chất, lấy hiệu quả làm đầu. Hoặc ưu tiên giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm tại cơ quan, đơn vị, địa phương và nhất là cơ sở; xây dựng tác phong làm việc khoa học, chuyên nghiệp, dứt khoát, giờ nào việc ấy, xác định việc trước việc sau rõ ràng, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mỗi người dựa trên kết quả cụ thể...
Một khi đã nhận thức đúng đắn vấn đề thì việc hành động làm theo trở nên thuận lợi, dễ dàng hơn. Điều quan trọng trong học tập và làm theo Bác chính là mỗi người nên chân thành xác định, đây là việc cần làm và trước tiên là làm cho chính mình! Vì sao lại nói như vậy? Vì Bác có biết bao đức tính tốt, có vô số điều hay để bất cứ ai cũng có thể học hỏi, tiến bộ. Từ những việc nhỏ học theo Bác mà làm được, mỗi người sẽ được tiếp thêm động lực, sức mạnh, quyết tâm để học hỏi thực hiện những điều lớn lao hơn, nhiệm vụ khó khăn, phức tạp hơn. Người trẻ lại càng phải học hỏi, làm theo Bác nhiều hơn, vì kiến thức, vốn sống, sự kinh lịch từng trải, kinh nghiệm, kỹ năng còn thiếu. Một khi học tập theo Bác để hình thành được tư tưởng, đạo đức, tác phong tốt cũng có nghĩa mỗi người đã có thêm hiểu biết, hình thành đức tính tốt, khắc phục hạn chế, khiếm khuyết bản thân và có điều kiện tiến bộ vươn lên không ngừng.
Như vậy, học tập và làm theo Bác là việc đương nhiên. Và điều quan trọng hơn là mỗi người tự giác thấy việc học và làm theo Bác là một nhu cầu tự thân để giúp bản thân mình tiến bộ.
 THẤT SƠN

Có thể bạn quan tâm