Chương trình có sự tham gia của nhà văn Cao Duy Sơn-Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam; lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật 2 tỉnh, đông đảo hội viên Chi hội Văn học và các học viên lớp bồi dưỡng sáng tác “Văn học trẻ-Văn học dân tộc thiểu số”.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Lam Nguyên |
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Nghệ sĩ Ưu tú Đặng Công Hưng-Phó Chủ tịch phụ trách Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai nhận định: Tây Nguyên được xem là miền đất màu mỡ cho những cây bút viết về đề tài dân tộc thiểu số, nhưng suốt một thời gian dài mảng đề tài này còn thiếu những tác phẩm xứng tầm. Những cây bút người Tây Nguyên bản địa khi viết về văn học dân tộc mình thường mang tính bản năng hơn duy lý nên chưa chủ động, chưa ý thức sâu sắc và đầy đủ trách nhiệm cá nhân người nghệ sĩ.
“Vì vậy, buổi tọa đàm sẽ là “bước chạy đà” hoàn hảo để văn nghệ sĩ có được những kinh nghiệm và tư liệu quý trong hành trình sáng tạo của mình. Chúng ta chờ đợi những tín hiệu tích cực từ lực lượng viết trẻ, chờ đợi ở họ sự bật thoát những tác phẩm tinh túy, tiêu biểu cho văn hóa đất và người Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng”-Phó Chủ tịch phụ trách Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai nêu kỳ vọng.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân cho rằng để có những tác phẩm hay về đề tài dân tộc thiểu số, người cầm bút cần có hiểu biết sâu sắc về văn hóa Tây Nguyên. Ảnh: Lam Nguyên |
Các đại biểu đã cùng thảo luận, trao đổi xung quanh các vấn đề được quan tâm liên quan đến văn học trẻ, văn học dân tộc thiểu số Gia Lai, Kon Tum; việc phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác nghiên cứu, sưu tầm, sáng tác đề tài dân tộc thiểu số; yêu cầu về sự am hiểu văn hóa Tây Nguyên đối với người lao động chữ nghĩa… Bên cạnh đó là những ý kiến tâm huyết về trách nhiệm của thế hệ cầm bút hiện nay trong hỗ trợ người trẻ khẳng định năng lực bản thân, từ đó xây dựng đội ngũ kế cận.