Kinh tế

Nông nghiệp

Hướng đến sản xuất rau xanh bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đak Pơ là một trong những vùng chuyên canh rau xanh lớn nhất của tỉnh. Tuy nhiên, đa phần các hộ sản xuất rau xanh mang tính tự phát, chưa theo định hướng thị trường nên đầu ra không ổn định. Do đó, huyện Đak Pơ đang tập trung tìm hướng phát triển sản xuất rau xanh bền vững.

Đak Pơ hiện có hơn 6.000 ha rau xanh 2 vụ. Diện tích này  chủ yếu tập trung ở xã Tân An và Cư An. Tổng sản lượng rau xanh bình quân của huyện khoảng 1.300 tấn/năm, cung cấp cho thị trường các vùng lân cận như thị xã An Khê, TP. Pleiku và các tỉnh, thành phố như Bình Định, Quảng Ngãi, Đà Nẵng...

 

Anh Đinh Quốc Vũ (xã Tân An, huyện Đak Pơ) chăm sóc vườn rau xà lách. Ảnh: L.N
Anh Đinh Quốc Vũ (xã Tân An, huyện Đak Pơ) chăm sóc vườn rau xà lách. Ảnh: L.N

Tuy nhiên, đa phần người dân sản xuất mang tính tự phát theo mùa vụ và tự tìm hướng tiêu thụ nên đầu ra không ổn định, thu nhập còn bấp bênh. “Nhiều năm nay, chúng tôi mạnh ai nấy làm, mỗi người trồng một loại rau khác nhau, khi thu hoạch thì cũng tự liên hệ với thương lái. Do đó, giá cả rất bấp bênh, khi những vùng khác bị ảnh hưởng của thời tiết thì giá rau xanh tăng cao, còn khi được mùa thì giá thường rẻ như cho. Chúng tôi cũng muốn có một tổ chức hay cá nhân, doanh nghiệp nào đứng ra đầu tư, bao tiêu sản phẩm. Ngành chức năng cần quy hoạch và thực hiện kế hoạch sản xuất cụ thể để chúng tôi yên tâm sản xuất”-bà Nguyễn Thị An-một hộ sản xuất rau xanh lâu năm trên địa bàn xã Tân An, đề nghị.

Thời gian qua, huyện Đak Pơ đã thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về sản xuất rau an toàn và triển khai một số mô hình hỗ trợ người dân sản xuất rau xanh theo tiêu chuẩn VietGAP để  cung cấp cho thị trường sản phẩm rau sạch, giúp người trồng rau cải thiện thu nhập. Hiện toàn huyện đã triển khai được 12 mô hình trồng rau xanh trong nhà lồng với tổng diện tích 1,5 ha, phần nào giúp bà con tiếp cận quy trình sản xuất rau an toàn, đảm bảo theo quy trình “4 đúng” trong sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...

Ông Nguyễn Văn Minh-Chủ tịch UBND xã Tân An, cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng rau an toàn nên bà con đã có ý thức hơn trong việc sử dụng các chế phẩm sinh học, hạn chế phân bón, thuốc bảo vệ thực vật độc hại như trước đây. Qua các đợt kiểm tra của huyện thì mức độ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trên cây rau hiện nay là có thể chấp nhận được”.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít hộ sản xuất rau xanh chạy theo nhu cầu thị trường, chưa tuân thủ nghiêm quy trình sản xuất. Các mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP còn quá nhỏ so với tổng diện tích rau xanh trên địa bàn huyện. Sản xuất rau sạch và rau theo phương pháp truyền thống tồn tại song song, chưa có sự phân biệt nên các sản phẩm sạch chưa thật sự có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Để từng bước tạo dựng thương hiệu rau Đak Pơ và đảm bảo đầu ra cho rau xanh trên địa bàn, huyện đã phối hợp với một số đơn vị, doanh nghiệp bao tiêu tổ chức khảo sát chất lượng rau xanh trên địa bàn làm cơ sở thực hiện.

Theo ông Đoàn Minh Duy-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Pơ, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện làm việc với Sở Nông nghiệp và PTNT, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT  TP. Đà Nẵng tìm đầu ra cho rau an toàn trên địa bàn huyện. “Sắp tới, họ sẽ cử đơn vị tiêu thụ rau ở Đà Nẵng lên làm việc cụ thể với huyện về việc  kết nối các đơn vị cung cấp rau; chính quyền địa phương sẽ đóng vai trò là cầu nối để bên tiêu thụ và người sản xuất gặp nhau. Bên tiêu thụ sẽ đặt ra các điều kiện về sản phẩm đối với người sản xuất rau an toàn. Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ có những hướng dẫn, tư vấn cho người dân tiêu chuẩn hiện nay để cho ra sản phẩn rau an toàn”-ông Duy nói.

Việc kết nối này là bước đi quan trọng giúp người trồng rau huyện Đak Pơ có được thị trường tiêu thụ ổn định, nâng cao thu nhập. Đồng thời, địa phương cũng hình thành được vùng chuyên canh sản xuất rau sạch cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Lê Nam

Có thể bạn quan tâm