Văn hóa

Ia Lâu: Vùng đất đa sắc màu văn hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tuy chọn vùng đất Ia Lâu (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) làm quê hương thứ 2 nhưng bà con người Tày, Nùng, Mường... vẫn luôn đau đáu nỗi nhớ quê, cùng nhau lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Xã Ia Lâu hiện có 386 hộ với 1.874 khẩu, gần 95% dân số là người dân tộc thiểu số. Trong đó, đa phần là người Tày, Nùng, Mường đến từ các tỉnh Tây Bắc.
Bà Đinh Thị Thiều (dân tộc Tày) chia sẻ: Tôi quê ở huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Từ khi còn nhỏ, tôi đã nghe các mẹ, các chị đàn hát và dần thấm sâu trong tâm hồn. Vậy nên, dù đã vào Gia Lai lập nghiệp đến nay cũng gần 20 năm, nhưng chưa khi nào tôi quên điệu hát then, đàn tính. Cây đàn tính cùng điệu hát then vẫn theo tôi trong những lúc nông nhàn, vào mỗi dịp lễ, Tết.

Một buổi sinh hoạt của các thành viên trong Câu lạc bộ Hát then xã Ia Lâu. Ảnh: H.P

Cũng theo bà Thiều, chính điệu hát then đã gắn kết những người con xa quê, là cơ sở để năm 2014, Câu lạc bộ Hát then xã Ia Lâu được thành lập. Hiện nay, Câu lạc bộ có 10 thành viên, sinh hoạt định kỳ hàng tháng. Đặc biệt là vào những dịp lễ, Tết, các thành viên lại cùng nhau ôn luyện những câu ca, điệu nhạc chuẩn bị cho các hoạt động lễ hội của địa phương.
Bà Thiều bộc bạch: “Ở quê tôi, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Thế nhưng, những giai điệu ngọt ngào lắng đọng của điệu hát then cùng thanh âm trầm bổng của cây đàn tính là nguồn động viên tinh thần giúp bao nhiêu thế hệ vượt qua khó khăn gầy dựng cuộc sống. Chính vì vậy, khi chuyển đến quê mới, chúng tôi không bao giờ quên được món ăn tinh thần này”.

Còn bà Nông Bích Hiệu thì chia sẻ: “Từ khi tham gia Câu lạc bộ, các thành viên gắn kết, gần gũi với nhau hơn, giúp chúng tôi vơi bớt nỗi nhớ quê. Để có thể hát then đúng điệu cần khá nhiều thời gian và công sức luyện tập. Muốn học hát then đòi hỏi mọi người phải có lòng đam mê, cảm nhận được âm thanh của cây đàn tính thì mới hát được”.

Theo ông Bùi Văn Dương-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Lâu, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn quan tâm xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn kinh phí để duy trì các hoạt động khôi phục, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người dân tộc thiểu số. Việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của đồng bào không chỉ góp phần duy trì tốt đời sống vật chất và tinh thần mà còn góp phần tạo sợi dây gắn kết cộng đồng, thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc nơi vùng biên giới.

Phụ nữ dân tộc Mường trong trang phục truyền thống của dân tộc. Ảnh: H.P

Trò chuyện cùng chúng tôi, bà Bùi Thị Liệu (thôn Lũng Vân) thổ lộ: “Vào dịp lễ, Tết, bà con dân tộc Mường chúng tôi tổ chức các trò chơi dân gian như: đi cà kheo, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, ném còn, đánh mảng và trình diễn trang phục truyền thống. Đây là nét văn hóa truyền thống đã có từ rất lâu rồi. Đối với người Mường, dù đi đâu cũng không thể quên được nét văn hóa mà cha ông đã truyền dạy và cố gắng gìn giữ, lưu truyền cho thế hệ mai sau”.

Ông Ksor Việt-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông-cho biết: “Nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn, huyện luôn chú trọng triển khai các sự kiện văn hóa, thể thao, nhất là hội diễn văn hóa truyền thống, trình diễn cồng chiêng, bản sắc văn hóa của địa phương với nhiều hình thức phong phú, hấp dẫn. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống không chỉ góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng các dân tộc thiểu số mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương”.

Có thể bạn quan tâm