Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Kết nghĩa cùng phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với mong muốn giúp hội viên đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ nhau vươn lên trong cuộc sống, thời gian qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Ia Me (huyện Chư Prông, Gia Lai) đã duy trì, phát huy hiệu quả phong trào kết nghĩa giữa các hộ gia đình và giữa các chi hội.

 

“Hơn 30 năm trước, khi mới rời quê hương Nam Định vào Gia Lai lập nghiệp theo diện kinh tế mới, gia đình tôi đã được anh Kpă Choeng (làng Xom) giúp đỡ rất nhiều. Lúc đó, anh Choeng đang là giáo viên tiểu học. Anh ấy giúp tôi làm quen với cuộc sống ở vùng đất mới, nhiệt tình chỉ dạy tôi học tiếng Jrai để giao tiếp với mọi người xung quanh”-ông Đỗ Tùng Trang (thôn Yên Me) mở đầu câu chuyện.

Ông Trang (trái) hướng dẫn ông Choeng kỹ thuật chăm sóc cây cà phê. Ảnh: A.H



Năm 2011, ông Choeng nghỉ hưu và có nguyện vọng mua bò về chăn thả nhưng không có tiền. Dẫu cuộc sống gia đình lúc đó cũng chưa khá giả song ông Trang sẵn sàng cho ông Choeng mượn hơn 10 triệu đồng mua bò. “Nuôi bò vừa là tập quán vừa mang lại nguồn thu nhập ổn định, tôi nghĩ đây cũng là mong muốn hợp lý của anh Choeng nên đồng tình ủng hộ”-ông Trang nói. Không dừng lại ở đó, ông Trang còn hướng dẫn ông Choeng chuyển đổi diện tích lúa 1 vụ sang trồng cà phê, điều, mì. Ông Choeng cảm kích: “Anh Trang là người Kinh, nhiều kinh nghiệm trồng trọt hơn tôi. Nhờ anh Trang hướng dẫn, tôi đã chuyển sang trồng 1 ha cà phê, 2 ha điều và 1 ha mì. Ngoài ra, tôi còn tận dụng diện tích đất khu vực xung quanh để trồng cỏ nuôi bò. Đàn bò của gia đình giờ đã lên đến 15 con rồi. Mới đây, anh Trang còn hỗ trợ gia đình tôi 1 con heo giống vì đàn heo lúc trước bị dịch tả chết hết”. Không chỉ giúp nhau trong sản xuất, mỗi khi gia đình ông Trang có việc đều không thiếu các thành viên trong gia đình ông Choeng và ngược lại. “Thỉnh thoảng vợ chồng, con cái tôi xích mích đều nhờ anh Trang hòa giải. Tôi thấy may mắn vì có người anh em kết nghĩa như anh Trang”-ông Choeng tươi cười nói.

Từ thực tế mối quan hệ khăng khít giữa gia đình ông Trang và ông Choeng, năm 2017, Hội CCB xã đã nhân rộng mô hình này đến tất cả các chi hội và cũng chọn 2 chi hội CCB thôn Yên Me và làng Xom làm điểm. Ông Lê Hải Biết-Chi hội trưởng chi hội CCB binh thôn Yên Me-cho biết: 2 chi hội có tổng cộng 46 hội viên. Cứ 2 tháng/lần, 2 chi hội tổ chức sinh hoạt chung, nội dung thường là những chủ đề mà hội viên quan tâm như: bón phân cho cây cà phê vào thời điểm nào thì hợp lý, cắt cành ra sao; kỹ thuật chăn nuôi bò, cách tận dụng diện tích đất trống để trồng cỏ... “Hàng tháng, chúng tôi còn chọn ra những hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi để trực tiếp xuống hướng dẫn các hội viên khác phát triển kinh tế. Hiện nay, cả 2 chi hội chỉ còn 1 hội viên nghèo”-ông Biết cho hay.

Theo ông Nguyễn Văn Quý-Chủ tịch Hội CCB xã Ia Me, sau 2 năm triển khai phong trào kết nghĩa, toàn xã đã có 10 cặp hộ kết nghĩa và 4 chi hội người Kinh kết nghĩa với 2 chi hội dân tộc thiểu số. Hàng năm, thông qua hoạt động kết nghĩa, các hộ đã thực hiện hàng trăm buổi đổi công lao động, hỗ trợ nhau trong việc cắt cành, tỉa chồi cà phê, thu hoạch lúa, mì... Cũng theo Chủ tịch Hội CCB xã, việc kết nghĩa đã tạo sự đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, từng bước làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần phát triển kinh tế và giữ vững an ninh trật tự thôn, làng. Đặc biệt, phong trào kết nghĩa đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong hội viên. Năm 2017, toàn xã còn 17 hội viên CCB nghèo nhưng đến nay chỉ còn 2 hộ. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả của phong trào kết nghĩa, giúp vốn, ngày công, kỹ thuật để từng bước xóa nghèo trong hội viên”-ông Quý nhấn mạnh.

 ANH HUY

Có thể bạn quan tâm