Thời sự - Bình luận

Khi các bị cáo vụ điểm thi cười tươi rói đầy ngạo nghễ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bước chân ra khỏi cổng tòa, các bị cáo vụ nâng điểm thi ở Hòa Bình đã cười. Tươi rói. Rồi, giữa hai người cảnh sát áp giải, họ thậm chí vẫy tay chào người thân như thể những anh hùng giải cứu thế giới vừa trở về.

 

 Bị cáo áo đen vừa có câu nói trở thành trend trên mạng xã hội: Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật. Nhưng đó là trend về một sự sống sượng xấu xí.
Bị cáo áo đen vừa có câu nói trở thành trend trên mạng xã hội: Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật. Nhưng đó là trend về một sự sống sượng xấu xí.





Vô đạo đức và “mất dạy”- chơi chữ từ nghề dạy học, là bình luận tràn ngập mạng xã hội trước những diễn biến vô tiền khoáng hậu trong phiên tòa vụ nâng điểm ở Hòa Bình đang được xét xử.

Một bị cáo, nguyên trưởng phòng Khảo thí từng chỉ đạo 3 tổ trưởng và các giáo viên chấm thi tự luận môn Ngữ Văn, nâng điểm cho 20 thí sinh- trước vành móng ngựa, nại rằng chỉ vì nể nang. Thậm chí còn bảo mình không thể không làm theo bởi vì: "Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật".

Một cô giáo chấm thi nói chấm “nới tay” vì học sinh địa bàn tỉnh học lực yếu, vì “xuất phát từ tình thương học trò, vì muốn các em có cơ hội vào đại học, mở cánh cửa cuộc đời".

Nghe ra rất văn, rất ý vị.

Nhưng cái chặc lưỡi “ai cũng gù”, có phải là cách bao biện cho việc mình không thẳng, cho sự vô đạo đức? Hay đó chỉ là sự vẹo vọ xấu xí trong cách chối tội của một người về nguyên tắc từng là một nhà giáo, một người quản lý giáo dục?

Nhưng làm gì có chuyện vì học sinh, hoặc vì, nếu có, chỉ vì đó là “của sếp”, vì tiền. Những cái vì mà ngay các thầy cô giáo chân chính ở Hòa Bình cũng không thể chấp nhận được.

Sự vô đạo đức, khoác tấm áo “thằng gù”, “nể nang”, “nới tay” che đậy cho động cơ vụ lợi thật ra đã tước đoạt cơ hội, đã đóng sầm cánh cửa, đóng sầm ước mơ đại học của bao nhiêu những thí sinh khác.

Hành vi sai trái, trong hai chữ “nới tay”, ẩn nấp dưới danh nghĩa “tình thương học trò”, thật ra, đang khiến kỳ thi quốc gia thiếu đi 2 chữ tối thiếu là công bằng, đã hủy hoại thanh danh của những nhà giáo chân chính, đã bôi gio trát trấu vào ngành giáo dục, vốn luôn là khuôn thước, vốn luôn mặc định là trung thực.

Vậy mà khi họ rời phòng xét xử, họ vẫn cười tươi, vẫy tay chào, sảng khoái đến ngạo nghễ, y như những người hùng vừa giải cứu thế giới trở về, y như thể màn cãi cọ, đổ tội, thanh minh ít phút trước là một kỳ tích.

Dư luận đang phải chứng kiến một màn kịch thô vụng, gượng ép, trắng trợn. Trong màn kịch ấy, có người nhận tiền nhưng người đưa thì chối phắt như thể làm chỉ vì đam mê. Trong màn kịch ấy, các vị phụ huynh của các thí sinh kêu như kêu oan, như thể con họ bị gắp điểm bỏ tay người.

Các vị phụ huynh, các bị cáo hôm qua còn là những người thầy, các vị có bao giờ có nghĩ xem bọn trẻ con nó nghĩ gì không?!

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/khi-cac-bi-cao-vu-diem-thi-cuoi-tuoi-roi-day-ngao-nghe-805170.ldo

Theo Anh Đào (LĐO)

Có thể bạn quan tâm