Khi giáo viên làm nghề "tay trái"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay, ngoài công việc giảng dạy, một số giáo viên dạy bộ môn nghệ thuật như âm nhạc, mỹ thuật còn làm thêm nghề “tay trái” để tăng thu nhập.  
 

 Cô Phương Nhi với học viên thiếu nhi lớp Aerobic của mình. Ảnh: T.A
Cô Phương Nhi với học viên thiếu nhi lớp Aerobic của mình. Ảnh: T.A

Chị Võ Thị Phương Nhi hiện là giáo viên Trường Tiểu học Ngô Quyền (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê). Ngoài giờ lên lớp, chị còn mở các lớp dạy Aerobic tại Công viên Văn hóa Kpă Klơng của huyện. Lớp học này được mở đã gần 6 năm. Chị Nhi chia sẻ: “Tôi đam mê Aerobic bởi các vũ điệu uyển chuyển của bộ môn này giúp rèn luyện sức khỏe cho bản thân. Việc mở lớp dạy Aerobic đã giúp tôi truyền được đam mê ấy cho học viên và tăng thêm thu nhập cho gia đình”.

Cũng từ niềm đam mê mà chị Lê Hoàng Thảo-giáo viên Trường Tiểu học Ngô Mây (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) đang được nhiều người biết đến với việc vẽ tranh ngoài giờ. “Tôi thích vẽ tranh từ nhỏ. Ban đầu không nghĩ là kiếm tiền từ nghề vẽ này, nhưng sau đó vẽ nhiều, được nhiều bạn bè ủng hộ, thế là tôi theo nghề vẽ luôn”-chị Thảo cho hay.

Từ một người đam mê âm nhạc, trở thành giáo viên dạy nhạc rồi dàn dựng các chương trình văn nghệ, tư vấn, thiết kế trang phục cho các hội diễn, chị Cao Thị Mỹ Chi-giáo viên dạy Âm nhạc Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê) hiện sở hữu một tiệm cho thuê trang phục biểu diễn ở Pleiku. Theo học chuyên ngành Sư phạm Âm nhạc rồi ra trường giảng dạy như bao cô giáo khác, với lợi thế giọng hát trời phú, thời gian đầu, ngoài đi dạy, chị Chi còn đi hát phòng trà. Các chương trình đồng diễn của học sinh hay chương trình văn nghệ của nhà trường do chị dàn dựng thường đạt giải cao. Tham gia các chương trình nhiều nên chị có kinh nghiệm trong việc tư vấn trang phục hát múa. Trên cơ sở tiệm thuê đồ múa dân tộc Jrai của cha chồng để lại, chị mở rộng thêm các loại trang phục khác. Hiện nay, cơ sở thuê đồ văn nghệ của chị rất phong phú về trang phục. Ngoài thời gian đi dạy ở trường, chị lại sắp xếp áo quần, khăn mũ cho khách.

Có dịp trò chuyện với các cô giáo ấy, tôi cảm nhận được niềm đam mê của họ. Sống với đam mê của mình đã là hạnh phúc. Đem đam mê của mình giúp ích cho xã hội thì hạnh phúc đó nhân lên bội lần.

Thuận Ánh

Có thể bạn quan tâm