(GLO)- Dư luận chung trên cả nước không đồng tình với việc thầy-cô giáo cho phép học sinh viết thẳng vào sách giáo khoa (SGK) khi làm bài tập. Cũng bởi, khi học sinh viết vào sách, xem như cuốn sách đó chỉ dùng được 1 lần trong một năm học. Như vậy sẽ lãng phí lớn vì SGK hay sách tham khảo, bổ trợ đều có thể giữ gìn để dùng trong nhiều năm.
Bộ GD-ĐT quyết định chưa thực hiện đổi mới chương trình, SGK mới đối với lớp 1 từ năm học tới (ảnh nguồn thanhnien) |
Trước đây, trong những gia đình đông con, nhiều gia đình thường chỉ mua 1 bộ SGK cho mỗi lớp và cứ thế hết anh, chị rồi đến các em thay nhau học. Việc này đã giúp tiết kiệm thêm một khoản tiền của cha mẹ. Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có công văn chấn chỉnh về việc này và yêu cầu nhà trường phải giáo dục học sinh có ý thức giữ gìn SGK khi sử dụng để tránh lãng phí. Tuy nhiên, xét về nguồn gốc của vấn đề, như các đại biểu Quốc hội đã bàn thảo thì có nguyên nhân từ nhóm lợi ích xung quanh việc xuất bản, phát hành SGK.
Mới đây, trong phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu xóa độc quyền và lãng phí trong xuất bản SGK của Nhà Xuất bản Giáo dục. Tại phiên họp này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ-cho biết, tỷ lệ sử dụng lại SGK trong học sinh toàn quốc là 35% và cho rằng nhiều phụ huynh muốn cho con em mình viết thẳng vào SGK. Nếu thực tế như vậy thì sự lãng phí là rất lớn vì mỗi năm Nhà Xuất bản Giáo dục sẽ tiếp tục cho in lại hàng trăm ngàn bản SGK.
Chúng ta biết rằng, SGK là mặt hàng quản lý của Nhà nước và được trợ giá. Tỷ lệ chiết khấu của Nhà Xuất bản Giáo dục khi phát hành là 20-25%, thấp hơn các loại sách khác là 35-40% (bình quân chiết khấu SGK hàng năm là 250 tỷ đồng). Theo báo cáo của Nhà Xuất bản Giáo dục, năm 2017, tổng số sách giáo dục phổ thông in là 199 đầu sách với gần 108 ngàn bản SGK, tổng doanh thu in sách của đơn vị là 1.203 tỷ đồng (trong đó SGK là gần 704 tỷ đồng), lãi trước thuế 150 tỷ đồng, lãi sau thuế gần 140 tỷ đồng. Như vậy, bình quân mỗi học sinh phổ thông cứ mỗi một môn học có 3-4 cuốn sách (trung bình mỗi cuốn có giá 10.000 đồng). Việc phát hành SGK thông qua hệ thống nội bộ, khép kín của Nhà Xuất bản Giáo dục. Ở các tỉnh, thành có công ty sách-thiết bị trường học chịu trách nhiệm phân phối các loại sách và thiết bị phục vụ dạy và học. Đơn vị này gắn bó chặt chẽ với các cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở trường học ở địa phương nên chi phối hoàn toàn thị phần trong lĩnh vực phát hành SGK.
Về việc kinh doanh trong lĩnh vực SGK, thiết bị giáo dục trong thời gian qua, nhiều nhà kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp trong hệ thống giáo dục không cần động não hay nghĩ cách khởi nghiệp như các ngành nghề khác mà chỉ “ngồi mát ăn bát vàng”. Với hàng chục triệu học sinh phổ thông hàng năm, chỉ cần mỗi môn học in thêm vài đầu sách (tham khảo, bổ trợ), kể cả sách cho giáo viên thì tiền sẽ chảy vào túi mà không phải tốn công sức nhiều. Chính vì khoảng trống độc quyền này mà thời gian qua, dư luận đề nghị cần thanh tra, chấn chỉnh từ lĩnh vực biên soạn, xuất bản và phát hành SGK phổ thông. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, việc ép con em mua sách tham khảo trong giáo dục để hưởng hoa hồng là hành vi tiêu cực, cần có biện pháp để loại bỏ. Thiết nghĩ, để gỡ rối trong lĩnh vực xuất bản, phát hành SGK, cần công khai, minh bạch trong đấu thầu để các doanh nghiệp được quyền lựa chọn làm ra sản phẩm và học sinh được thụ hưởng những bộ sách in đẹp, chất lượng, giá cả phải chăng.
Bùi Quang Vinh