Kon Tum mang văn hóa đặc sắc đến với Lễ hội Festival Cồng chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhằm tôn vinh, quảng bá, giới thiệu giá trị di sản văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum đến với lễ hội Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch chuẩn bị nhiều tiết mục đặc sắc mang giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đến với bạn bè trong nước và ngoài nước.

Nhà nghệ nhân A Biu là một không gian văn hóa Tây Nguyên thu nhỏ với nhiều nhạc cụ đặc sắc nhưng nổi bật nhất có lẽ vẫn là các bộ cồng chiêng. Ảnh: Phạm Nguyên

Các hoạt động chính tại Festival Cồng chiêng gồm có: lễ hội đường phố diễn ra trên các đường phố chính ở TP. Pleiku; phục dựng một số lễ hội truyền thống của các dân tộc bản địa như: mừng lúa mới, mừng nhà rông mới, phục dựng nghi lễ của các dân tộc; trình diễn nghệ thuật chỉnh chiêng, tạc tượng gỗ dân gian, đan lát, dệt thổ cẩm; sinh hoạt văn nghệ dân gian như diễn xướng sử thi Tây Nguyên, hát dân ca; triển lãm ảnh không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; triển lãm và trình diễn nhạc cụ các dân tộc. Đây là không gian văn hóa cồng chiêng, diễn xướng sử thi, lễ hội truyền thống, dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống… Đồng thời, Festival cũng mang đến nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật giữa các dân tộc, các vùng, miền địa phương trong nước, trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống, xây dựng đời sống văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Ông Nguyễn Văn Bình-Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, cho biết: “Tham gia Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên lần này tỉnh Kon Tum có 36 nghệ nhân. Trong số này hầu hết đều là những người lớn tuổi từ 55 đến 68 tuổi, người nhỏ tuổi nhất là nghệ nhân tạc tượng gỗ dân gian A Rinh, sinh năm 1992. Các nội dung đoàn Kon Tum tham gia trong khuôn khổ các hoạt động tại Festival bao gồm: tham gia Lễ hội đường phố với các hoạt động giao lưu, trình diễn nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng, nghề thủ công truyền thống và kỹ thuật chỉnh chiêng; tham gia phục dựng lễ hội cầu an của dân tộc Bahnar; trình diễn nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian, đan lát, dệt thổ cẩm; tham gia nghệ thuật dân gian diễn xướng sử thi và dân ca”.

Để tìm hiểu về công tác chuẩn bị cho lễ hội Festival Cồng chiêng Tây Nguyên, chúng tôi được giới thiệu đến thôn Plei Klêch (xã Ngọc Bay, TP. Kon Tum), gặp gỡ nghệ nhân A Biu. Được biết, Nghệ nhân A Biu là một nghệ sĩ vừa có khả năng chơi các nhạc cụ dân tộc, vừa có thể chơi tân nhạc, sáng tác nhạc và vừa là một “kỹ sư” nổi tiếng trong lĩnh vực chỉnh chiêng. Đặc biệt, ông là một trong những nghệ nhân chủ chốt của tỉnh Kon Tum về lĩnh vực chỉnh chiêng.

Nghệ nhân A Biu bên bộ chiêng của mình. Ảnh: Phạm Nguyên



Ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi đặt chân đến nhà nghệ nhân A Biu là một không gian văn hóa Tây Nguyên thu nhỏ với nhiều nhạc cụ đặc sắc nhưng nổi bật  nhất có lẽ vẫn là các bộ cồng chiêng. Ngôi nhà nhỏ của nghệ nhân A Biu có đầy đủ tất cả các nhạc cụ đặc sắc mang ý nghĩa văn hóa của núi rừng Tây Nguyên. Kể về câu chuyện “nặng lòng” với nhạc cụ cồng chiêng nghệ nhân A Biu, chia sẻ, năm nay tôi đã hơn 60 tuổi, tôi mê cồng chiêng từ người cha của mình vì thuở nhỏ được đi theo cha dự nhiều lễ hội và nghe tiếng cồng chiêng cha đánh ở nhà. Mỗi lần cha đi vắng, tôi đều lấy bộ chiêng của cha ra tập đánh lén, rồi thích từ lúc nào không hay... Tôi cũng rất may mắn khi được tỉnh Kon Tum tạo điều kiện cho giao lưu tại nhiều lễ hội văn hóa tại các Tây Nguyên. “Đến với lễ hội Festival Cồng chiêng năm 2018, tôi cùng các nhân khác đều tập luyện công phu, chuẩn bị kỹ lưỡng những tiết mục đặc sắc và ý nghĩa nhất, với mong muốn được giới thiệu văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đến với du khách trong nước và quốc tế. Đồng thời góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống, xây dựng đời sống văn hóa gắn với phát triển du lịch, đảm bảo tính kế thừa, giao lưu, học hỏi về bảo tồn và phát huy di sản văn hóa khi trở về địa phương...”-nghệ nhân A Biu cho biết thêm.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Bình, cho biết: Để đảm bảo các hoạt động tham gia đạt chất lượng cao nhất, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Kon Tum đã chủ động làm việc với chính quyền địa phương để lựa chọn, lập danh sách các nghệ nhân, xin chủ trương của UBND tỉnh. Đến nay, các văn bản, kế hoạch, chủ trương đã hoàn chỉnh. Sở tiếp tục làm việc với các nghệ nhân, tiến hành triển khai công tác luyện tập tại cơ sở, chuẩn bị các đạo cụ, trang phục... Đến thời điểm hiện tại thì tỉnh Kon Tum đã sẵn sàng đem những tiết mục đặc sắc nhất đến với lễ hội Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên.

Phạm Nguyên

Có thể bạn quan tâm