(GLO)- Hơn 80 ha mía tại khu vực tổ 9 và tổ 10 (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) nằm trong vùng “phủ sóng” của các kênh N11, N27, N29, N33 của Xí nghiệp Thủy nông Ia Mlah. Hệ thống kênh mương tại đây đều kết nối đến các thửa ruộng, nhưng nhiều tháng qua, người dân phải trông chờ trong vô vọng vào việc điều tiết nước của hồ Ia Mlah.
Gia đình ông Bùi Văn Thạ-Chi hội trưởng chi hội Nông dân tổ 9 là một trong những hộ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Gia đình ông có 10 ha mía trồng rải rác từ tháng 1 đến tháng 3-2020. Ruộng mía đang trong quá trình sinh trưởng nhưng lại thiếu nước tưới. “Thời điểm này, nếu không có nước là mía sẽ lụi ngay. Kênh mương không có nước nên tôi phải mua 2 máy bơm nước từ suối lên để tưới mía. Chi phí tưới cao hơn rất nhiều nhưng cũng đành chịu, chứ không lẽ mất trắng”-ông Thạ rầu rĩ nói.
Theo ông Thạ, ruộng mía của ông nằm ở phía cuối đường kênh mương. Cứ khoảng 5-7 ngày, ông mới được đón nước vào ruộng mía một lần với lưu lượng… nhỏ giọt. Việc điều tiết nước thất thường đã gây ra tình trạng tranh giành nước giữa các hộ dân ở đầu kênh và cuối kênh. Ông Thạ cho hay: “Năm nay, tôi đầu tư 20 triệu đồng cho hơn 200 m ống dẫn nước từ kênh vào ruộng, nhưng đường ống thi công xong thì đành bỏ hoang vì không có nước”.
Kênh mương ở khu vực tổ 9 và tổ 10 (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) đều không có nước. Ảnh: V.N |
Rơi vào tình cảnh tương tự, ông Vũ Thúc Túc (trú tại tổ 9) cũng kêu trời vì 5 ha mía của gia đình ông đang thiếu nước tưới. “Ruộng mía đang rất cần nước, trong khi trời không mưa mà kênh thì không có nước. Ruộng nhà tôi ở xa nguồn nước nên muốn bơm nước để cứu mía cũng không được. Giờ mía héo hết rồi, chỉ một thời gian ngắn nữa mà không được tưới thì coi như bỏ. Hồ thủy lợi đang tích rất nhiều nước, kênh chính cũng có nước chảy với mực nước lớn nhưng không hiểu sao các kênh mương ở khu vực này lại không được điều tiết”-ông Túc bức xúc.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa-cho biết: Đơn vị đã nhận được phản ánh của bà con nông dân và xác định đây là nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết ngay để chống hạn cho cây trồng. Từ đầu tháng 4-2020, Phòng đã có văn bản kiến nghị cũng như làm việc trực tiếp với Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai liên quan đến việc điều tiết nước tại Xí nghiệp Thủy nông Ia Mlah. Theo đó, phía Xí nghiệp giải thích rằng, hiện chỉ có lịch điều tiết nước cụ thể cho cây lúa, còn với cây trồng khác vẫn chưa có phương án cụ thể. “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Gia Lai để phối hợp cùng địa phương xây dựng lịch điều tiết nước giúp người dân chủ động trong canh tác. Phòng cũng kiến nghị Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo đơn vị quản lý hồ Ia Mlah điều tiết nước kịp thời và hợp lý trước tình hình nắng hạn như hiện nay”-ông Duyên thông tin.
LÊ VĂN NGỌC