Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Kỷ niệm sâu sắc của nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Ngô Thành với đồng chí Võ Chí Công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đồng chí Võ Chí Công-nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư, nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (nay là Chủ tịch nước) là một chiến sĩ cộng sản ưu tú, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam. Đồng chí là hiện thân của một thế hệ cách mạng tài trí, kiên cường, trưởng thành từ cơ sở, cuộc đời gắn liền với sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc.

Cán bộ cách mạng tiêu biểu ở khu V

Sự nghiệp cách mạng của đồng chí Võ Chí Công (còn gọi Năm Công) trong những năm tháng chiến tranh, gắn liền với chiến trường Khu V, một chiến trường cực kỳ gian khổ và ác liệt. Đồng chí Võ Chí Công tên thật là Võ Toàn, sinh năm 1913, quê ở xã Tam Xuân (huyện Tam Kỳ, nay là huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Thừa hưởng truyền thống yêu nước từ quê hương và gia đình, đồng chí Võ Chí Công sớm tham gia các hoạt động yêu nước từ năm 1930. Tháng 5-1935, đồng chí trở thành người đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, những năm sau đó trở thành một trong những người lãnh đạo chủ chốt trong vùng.

Tháng 6-1943, đồng chí bị mật thám Pháp bắt, bị đày lên Nhà lao Buôn Ma Thuột với mức án 25 năm tù cấm cố. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, đồng chí được tha và trở về tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng, được giao nhiệm vụ chủ trì công việc của Ủy ban Bạo động khởi nghĩa giành chính quyền ở Quảng Nam-Đà Nẵng.

Hình Chủ tịch nước Võ Chí Công trao Huân chương Sao Vàng cho tỉnh Gia Lai-Kon Tum được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Ảnh: Thanh Nhật


Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Võ Chí Công trở thành một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Quảng Nam-Đà Nẵng phụ trách tư pháp, tiếp tục sự nghiệp cách mạng của mình với công tác xây dựng chính quyền và lực lượng vũ trang ở Khu V.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Liên khu V bao gồm cả Trường Sơn-Tây Nguyên là địa bàn địch đánh phá vô cùng khốc liệt. Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử đồng chí Võ Chí Công đang tham gia cải cách ruộng đất ở Việt Bắc bí mật trở lại Khu V, tổ chức cuộc chiến đấu của Khu V trong tình hình mới.

Trên cương vị là quyền Bí thư rồi Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu V, đồng chí Võ Chí Công đã có những cống hiến xuất sắc cho cách mạng miền Nam. Do bám sát cơ sở, bám sát phong trào, lại trung thành và kiên định, từ thực tiễn chỉ đạo cách mạng Khu V, đồng chí đã đề xuất với Trung ương nhiều vấn đề có tính chiến lược của con đường cách mạng miền Nam, đó là con đường dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng của quân thù.

Với vị trí địa lý trọng yếu, Khu V là nơi quân viễn chinh Mỹ chọn làm địa bàn để đổ bộ những đơn vị chiến đấu đầu tiên thiết lập đầu cầu triển khai cuộc chiến tranh cục bộ, trong đó TP. Đà Nẵng cùng với Chu Lai trở thành căn cứ liên hợp quân sự lớn nhất ở miền Nam trong suốt cuộc chiến tranh. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Võ Chí Công, Khu V đã quyết định đánh trận phủ đầu quân viễn chinh Mỹ ở cứ điểm Núi Thành, tiêu diệt gọn 1 đại đội địch, mở ra khả năng quân và dân ta có thể đánh và thắng Mỹ trong chiến tranh cục bộ.

Cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 đã tạo ra bước ngoặt lớn, đánh sập ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ buộc chúng phải hiểu rằng không thể thắng được dân tộc ta trong cuộc chiến tranh này. Với sự lãnh đạo linh hoạt của Khu ủy V, trên chiến trường Khu V, quân dân ta tiến công vào các thành phố, thị trấn, đạt mục tiêu rồi rút ngay, nên thiệt hại cũng ít hơn so với các nơi khác.

Không chủ quan khi Hiệp định Paris được ký kết, Đảng bộ Khu V kiên quyết lãnh đạo tiến công địch, giành đất, giành dân, phát triển thực lực mọi mặt, góp phần đẩy nhanh sự suy yếu của ngụy quân, ngụy quyền.

Với đòn đánh hiểm vào Buôn Ma Thuột thắng lợi, giải phóng toàn bộ vùng đất chiến lược Tây Nguyên làm cho kẻ địch choáng váng, tại mặt trận Huế-Đà Nẵng, đồng chí Võ Chí Công đã đề xuất ý kiến với Bộ Chính trị và đồng chí Lê Duẩn chớp thời cơ, lãnh đạo quân và dân Khu V phát huy lợi thế tại chỗ, kết hợp với các đơn vị chủ lực của Bộ Tổng Tư lệnh, nhanh chóng xóa sổ Quân đoàn I và Vùng I chiến thuật của địch, đánh tan 10 vạn tàn quân địch đã hoang mang, rệu rã, giải phóng TP. Đà Nẵng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải phóng Sài Gòn-Gia Định vào ngày 30-4-1975 lịch sử…
 
Kỷ niệm với đồng chí Võ Chí Công

Trong dịp kỷ niệm lần thứ 110 năm ngày sinh của đồng chí Võ Chí Công, P.V Báo Gia Lai điện tử đã tìm gặp ông Ngô Thành-Cán bộ lão thành cách mạng của tỉnh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy và được ông chia sẻ một vài kỷ niệm với đồng chí Võ Chí Công...

Ông Thành cho biết: “Tôi là người may mắn được sinh ra trên vùng đất có truyền thống đấu tranh yêu nước, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Từ rất sớm, tôi đã nghe và biết đồng chí Võ Chí Công (Võ Toàn) và trong quá trình hoạt động cách mạng, tôi có nhiều kỷ niệm về anh”.

Ông Ngô Thành-Cán bộ lão thành cách mạng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy là người có nhiều kỷ niệm với đồng chí Võ Chí Công. Ảnh: Thanh Nhật

 

Theo ông Ngô Thành: Đồng chí Võ Toàn là con người trầm tĩnh, điềm đạm, chín chắn, dễ gần với mọi người. Thời kỳ năm 1942-1943, gia đình ông Thành là cơ sở cách mạng. Lúc bấy giờ, đồng chí Võ Toàn và  Nguyễn Sắc Kim thường lui tới. Năm 1943, có các anh chị khác thay nhau đi và ở.


Thường thì một tuần, lâu thì nửa tháng, có lúc chỉ vài ba ngày rồi đi. Sinh hoạt hằng ngày của đồng chí Võ Toàn và các anh rất vất vả, phải luôn đối phó với việc săn lùng của bọn mật thám Pháp và chính quyền tay sai. Đồng chí thường tổ chức một số cuộc họp hoặc gặp gỡ cơ sở bằng thuyền trên sông Cồn Giữa (nay thuộc xã Tam Giang, huyện Núi Thành). Những cơ sở đồng chí thường tiếp xúc ở các xã Tam Hiệp, Tầm Nghĩa, Tam Giang, Tam Quang, Tam Hải. "Gia đình tôi có chiếc thuyền nhỏ nên tôi và anh trai là Ngô Độ (tên thường gọi là Nghiên) thường đưa thuyền và bảo vệ canh gác các cuộc họp đó"-ông Thành kể.
 

Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Võ Chí Công là một tấm gương sáng về tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, giản dị, khiêm tốn, luôn phấn đấu hết mình vì lợi ích của Đảng, của Tổ quốc, của nhân dân, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau ngày đất nước thống nhất, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đồng chí Võ Chí Công được điều ra Trung ương công tác, được Đảng tin tưởng giao nhiều trọng trách: Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản (1976-1977), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp (1977-1979), Trưởng ban Cải tạo nông nghiệp miền Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (1976-1986), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước (1987-1992). Đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khoá III, IV, V, VI; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa IV, V, VI; Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng (6-1991-12-1997); Đại biểu Quốc hội các khoá VI, VII, VIII.

Đồng chí Võ Chí Công mất ngày 8-9-2011 tại TP. Hồ Chí Minh, hưởng thọ 100 tuổi. Với 100 năm tuổi đời, 76 năm tuổi Đảng, với nhiều cống hiến đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Cũng trong hồi ký của mình, nhà cách mạng lão thành Ngô Thành cho biết: "Trong thời gian hoạt động ở đây, anh Toàn và các anh thoát ly đã tuyên truyền giác ngộ mọi người thấy được sự đàn áp, bóc lột của bọn thực dân Pháp và phát xít Nhật, hiểu được đường lối cách mạng. Anh giúp tôi học thuộc nhiều bài thơ của Tố  Hữu. Anh hướng dẫn cho chúng tôi cách tuyên truyền về đường lối cách mạng, vận động họ gia nhập  các đoàn thể cứu quốc.

Giai đoạn năm 1948-1950, anh Võ Chí Công làm Bí thư Khu ủy V, tôi công tác tại tỉnh Gia Lai, chỉ gặp anh trong một số cuộc họp tại khu hoặc ở tỉnh khi anh đến công tác. Qua công tác chỉ đạo khi anh làm Phó Bí thư, rồi Bí thư liên khu ủy từ năm 1954-1960, Bí thư khu ủy V từ năm 1964-1975, anh đã thể hiện sự vững vàng, sắc sảo, nhạy bén, đề ra những chủ trương, đối sách phù hợp với thực tiễn và hiệu quả. Anh là một trong những cán bộ luôn quan tâm việc vận dụng và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng đến đồng bào các dân tộc ít người ở miền núi, Tây Nguyên. Năm 1960, trên đường vào Trung ương Cục, anh làm việc với Tỉnh ủy Gia Lai đề nghị tỉnh phát động phong trào “Quần chúng đứng lên làm chủ núi rừng” và  tỉnh đã thực hiện rất hiệu quả .

Trong thời kỳ chống “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, năm 1964, trong vai trò Bí thư khu ủy V, đồng chí Võ Chí Công chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang, bán vũ trang, phát triển binh chủng đặc công, quán triệt  tinh thần tấn công địch, chống khuynh hướng hữu khuynh, thụ động. Từ đó phong trào cách mạng những năm 1964-1965 phát triển mạnh và giành nhiều thắng lợi.

Sau hiệp định Paris năm 1973, đồng chí Võ Chí Công chủ trì cuộc họp với ba tỉnh Bắc Tây Nguyên vào cuối quý 3-1974 tại huyện la Sup (tỉnh Đak Lak). Đầu năm 1975, khu ủy V chỉ đạo cho các tỉnh Gia Lai, Kon Tum đẩy mạnh hoạt động đánh địch, phá ấp giành dân. Huy động nhân lực vận chuyển lương thực, vũ khí, vừa để đón thời cơ, vừa nghi binh đánh lạc hướng địch, tạo thuận lợi cho việc đánh Ban Mê Thuột.

Trận đánh mở màn Buôn Ma Thuột thắng lợi, đồng chí Võ Chí Công nhận định quân địch ở Gia Lai và Kon Tum bị cô lập và suy sụp, nên đã gấp rút lên Tây Nguyên để chỉ đạo giải phóng hai tỉnh, tạo tiền đề cho cuộc tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975 lịch sử.
 

THANH NHẬT

 

Có thể bạn quan tâm