Thời sự - Bình luận

Là cây một gốc, là con một nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong suốt thế kỷ 20, Việt Nam được thế giới biết đến như biểu tượng của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Từ năm 1975, đất nước ta đã chấm dứt chiến tranh sau nhiều năm dài đau thương chia cắt. Tuy bước vào kỷ nguyên hòa bình - thống nhất nhưng chúng ta phải đối mặt với hai cuộc chiến ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, phần nào làm gián đoạn và trở ngại lớn cho tiến trình xây dựng đất nước. Có lẽ vì vậy mà cho đến những năm đầu thế kỷ 21, Việt Nam "đất nước của chiến tranh" - vẫn là suy nghĩ ở nhiều nơi, nhiều người trên thế giới, thậm chí ấn tượng này không phải chỉ ở những nơi xa xôi hẻo lánh hay thiếu thốn thông tin.

Không thể phủ nhận, quá trình dựng nước và giữ nước của Việt Nam là quá trình chống ngoại xâm bảo vệ nền độc lập và tuy ít hơn nhưng vẫn có xung đột, nội chiến giữa các thế lực phong kiến nhằm bảo vệ ngai vàng cho vương triều dòng họ mình. Cho nên, dòng "chính sử" của nước ta nổi bật những anh hùng chống ngoại xâm và bao chiến công hiển hách, mà hầu như thiếu vắng trang sử ghi lại thành tựu văn hóa trong những thời kỳ hòa bình ngắn ngủi. Đặc biệt, chiến tranh không chỉ tàn phá đất nước về vật chất mà hậu quả về tinh thần của nó còn lâu dài hơn trong thời "hậu chiến".

Thử nhìn lại lịch sử quốc gia Đại Việt - Đại Nam (dòng chính yếu của lịch sử nước ta). Tính từ nhà nước độc lập đầu tiên của Ngô Vương (Ngô Quyền 939 - 965) đến vương triều Nguyễn (1802 - 1945), có thể nhận thấy các vương triều được thành lập từ những chiến thắng quân sự trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm hoặc các cuộc xung đột, chính biến "cướp ngôi".

Minh họa: Trần Phú

Minh họa: Trần Phú

Trong hơn 10 thế kỷ (thế kỷ 10 - giữa thế kỷ 20) liên tiếp diễn ra các cuộc chiến tranh chống quân xâm lược phương Bắc, rồi phương Tây. Chống ngoại xâm bảo vệ độc lập dân tộc là một đặc điểm nổi bật của lịch sử Việt Nam.

Trong thời kỳ hòa bình, các vương triều cố gắng xây dựng quốc gia tự chủ. Mặt khác, sự thay thế các triều đại là theo quy luật lịch sử: Một, từ thắng lợi của kháng chiến chống ngoại xâm hoặc "chính biến" trong triều cũ dẫn đến việc lập ra vương triều mới. Hai, vào giai đoạn cuối của các triều đại thường xảy ra tranh chấp, xung đột trong triều chính dẫn đến xã hội biến loạn. Đất nước rối loạn về tinh thần và suy sụp về kinh tế, không đủ sức mạnh chống lại sự "nhòm ngó, can thiệp" từ bên ngoài. Đó là nguyên nhân sâu xa nhưng quan trọng dẫn đến sự sụp đổ của triều đại phong kiến.

Từ thế kỷ 13, đất nước mở rộng dần về phía Nam, đến thế kỷ 18 lãnh thổ Việt Nam về cơ bản như ngày nay. Núi sông thống nhất nhưng đất nước ta rất đa dạng về văn hóa, lối sống của các tộc người, ở mỗi vùng miền. Trong hơn 200 năm Trịnh - Nguyễn phân tranh, tâm thức phân biệt Nam Hà/Bắc Hà về lãnh thổ, chính quyền, lối sống (văn hóa) tồn tại dai dẳng… Từ năm 1802, quốc gia Đại Nam có một lãnh thổ, lãnh hải trọn vẹn và tổ chức chính quyền thống nhất từ Cà Mau đến Lạng Sơn, nhưng thời Pháp thuộc lại bị chia thành "ba kỳ" để cai trị, càng làm tâm thức định kiến, phân biệt vùng miền, mầm mống chia rẽ dân tộc tồn tại dai dẳng.

2. Sau khi kết thúc chiến tranh chống ngoại xâm, việc đối ngoại của các triều đại là thả tù binh, cấp tàu thuyền, lương thảo cho về nước, bố cáo chiến thắng và sau đó là "hòa hiếu" với kẻ thù cũ. Kẻ thù của Đại Việt thường là những quốc gia lớn mạnh hơn nhiều lần, xâm lược Đại Việt dù có thể chiếm đóng lâu hay mau cuối cùng cũng bị đánh đuổi. Việc "hòa hiếu" với kẻ thù cũng nhằm giữ quan hệ ngoại giao bảo đảm cho nền hòa bình vừa giành được.

Việc đối nội của các triều đại là "an dân": có chính sách miễn thuế khóa cho nông dân, tha tội cho những người lỡ theo giặc, đồng thời trừng trị những kẻ cầm đầu phản bội đất nước. Tuy nhiên, sau những cuộc nội chiến giữa các thế lực phong kiến, những cuộc khởi loạn cát cứ, âm mưu đảo chính, hay có khi chỉ vì lời nói ngay thẳng trung thực của bậc trí giả… thì sự trả thù của chế độ phong kiến rất "triệt để": tru di tam tộc, cửu tộc; đào mồ cuốc mả, anh em ruột thịt cũng không tha thứ… Tất cả là nhằm bảo vệ vương triều vừa tranh đoạt được. Lúc này quyền lợi chính trị của vương triều đặt trên tất cả.

Có lẽ chỉ một lần hiếm hoi các vua chúa có hành xử một cách hợp đạo lý và thấu hiểu những đau đớn, mất mát của cuộc nội chiến kéo dài gần trăm năm. Đó là vào năm 1672 trong một trận chiến quyết liệt không phân thắng bại giữa hai phe Trịnh - Nguyễn tại cửa Nhật Lệ, khi chiến thuyền quân Trịnh rút lui thì tất cả tù binh được chúa Trịnh Căn ra lệnh cho quần áo, phóng thích tại chỗ, ai muốn đi đâu thì đi. Đó là những người bị bắt đi lính, là người địa phương không theo bên này thì theo phía kia, gần như ngoài ý muốn.

Phía chúa Nguyễn thì Hoàng tử Hiệp (Nguyễn Phúc Thuần - con thứ tư của chúa Nguyễn Hiền Vương) cũng có hành xử nhân bản không kém: "Sau khi quân địch rút lui, phàm những quân lính Bắc Hà bị bắt, Thuần (Hoàng tử Hiệp) đều sai cấp cho tiền gạo, quần áo, tha cho về, không giết một người nào. Lại đặt một lễ đàn trong thành Trấn Ninh tế tướng sĩ tử vong, cũng đặt một đàn ở ngoài thành Trấn Ninh để tế quân Hà Bắc chết trận". Người chết bên này hay bên kia lũy Trấn Ninh đều là dân nước Việt, Hoàng tử Hiệp hiểu sâu sắc như vậy, tất cả đều xứng đáng giải oan trong tình thế lịch sử đau xót.

Lấy phúc đức thu phục nhân tâm

Có thể nhận thấy, nhiều câu chuyện lịch sử và truyện cổ tích Việt Nam đều có hai mặt, hai bài học. Một mặt sáng, dễ nhìn thấy là bài học "ở hiền gặp lành, ác giả ác báo". Song, còn một mặt khuất mà chỉ khi ta bình tâm lắng lòng mới có thể nhận ra nhưng đó chính là bài học sâu sắc hơn mà tiền nhân muốn đời sau thấu hiểu: Chừng nào con người còn coi sự trả thù bằng hành động, bằng lời nói là cách triệt hạ đối thủ (trong cùng đất nước hay giữa các quốc gia) thì chừng đó cái ác còn tiếp tục. Bởi vì sự nhân văn sẽ làm thay đổi con người, làm cho xã hội tốt đẹp hơn chứ không phải là sự trả thù. Cái ác có thể là phương thức nhanh chóng để giành được "chiến thắng" nhưng không thu phục được nhân tâm, tạo ra và nuôi dưỡng tâm thức "ác giả ác báo" lâu dài trong thế hệ tương lai.

Một đất nước trải qua hàng ngàn năm chiến tranh và xung đột, chấm dứt tiếng súng nhưng nếu không thực tâm và thực hành hòa hợp, hòa giải thì chưa thực sự có hòa bình. Lòng người chưa bình, tâm người chưa yên thì hành trình phát triển đất nước sẽ còn nhiều gian nan.

3. Trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã trải qua những cuộc chiến gian khổ, mất mát, đau thương để kiên trì, kiên quyết đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ hòa bình, xây dựng và phát triển quốc gia.

Với truyền thống hòa hiếu của dân tộc, mỗi người đều hiểu sâu sắc rằng hòa bình bắt đầu từ lòng khoan dung và nhân ái. Bắt đầu từ hành xử của mỗi người - "gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau", từ "chị ngã em nâng", từ "Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn"... đến đạo lý cao cả của dân tộc - "việc nhân nghĩa cốt ở yên dân", "đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo". Chúng ta không lãng quên lịch sử nhưng cũng hiểu rằng cần phải vượt qua nỗi đau chia cắt mấy trăm năm, khép lại quá khứ từng thù hận để hướng tới tương lai, cổ xúy cho lòng bao dung bằng tình nghĩa người Việt ở đâu cũng "là cây một gốc, là con một nhà".

Từ cuối những năm 1990, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Mai đã nói một câu mang tính thức tỉnh: "Việt Nam không phải là một cuộc chiến tranh, Việt Nam là một đất nước" (Vietnam is not a war, Vietnam is a country). Một đất nước, một quốc gia thì cuộc chiến nào cũng chỉ là hiện tượng bất thường và nhất thời, hòa bình là giá trị đầu tiên và vĩnh viễn. Đoàn kết mọi sức mạnh của dân tộc, kết nối nhiệt huyết từ tất cả trái tim con dân Việt, đó là "sự bảo đảm bằng vàng" cho nền hòa bình và phát triển của Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm