Kinh tế

Nông nghiệp

Lá sắn, lá chuối, lá khoai trước bỏ đi nay bán đắt hàng cho nước ngoài, Việt Nam thu ngay 6 triệu USD

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những loại lá rất bình dị, thân thuộc như lá tre, lá sắn, lá diễn, lá chuối, lá khoai lang bất ngờ mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho Việt Nam với giá trị xuất khẩu trong 8 tháng năm 2022 đạt 6,059 triệu USD.

Bán đủ thứ lá: lá tre, lá sắn, lá chuối,... Việt Nam thu 6 triệu đô

Theo bản tin thị trường nông, lâm thủy sản của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 8 tháng năm 2022, Việt Nam bất ngờ thu lượng ngoại tệ lớn từ việc bán đủ các loại lá, lại là những thứ lá rất bình dân, từ trước đến nay chỉ để bổ sung làm thức ăn cho gia súc hoặc bỏ đi.

Cụ thể, xuất khẩu các loại lá của Việt Nam trong tháng 8/2022 đạt 1,122 triệu USD, tăng tới 35,8% so với tháng 8/2021; tính chung 8 tháng năm 2022, Việt Nam thu được 6,059 triệu USD nhờ bán đủ thứ lá chuối, lá sắn, lá chuối, lá diễn,.. cho thị trường thế giới, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, lá sắn, lá tre Việt Nam được thị trường nước ngoài mua nhiều nhất, theo đó, giá trị xuất khẩu lá sắn trong 8 tháng năm 2022 đạt 1,603 triệu USD, trong khi giá trị xuất khẩu của lá tre trong 8 tháng năm 2022 là 1,092 triệu USD.

 

Giá trị xuất khẩu lá sắn trong 8 tháng năm 2022 đạt 1,603 triệu USD. Ảnh: Báo Gia Lai.
Giá trị xuất khẩu lá sắn trong 8 tháng năm 2022 đạt 1,603 triệu USD. Ảnh: Báo Gia Lai.


Xuất khẩu rau quả giảm

Cũng theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu, ước tính, trị giá xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 9/2022 đạt 250 triệu USD, tăng 8,1% so với tháng 9/2021.

Tính chung trong 9 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu hàng rau quả ước tính đạt 2,45 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong cơ cấu chủng loại hàng rau quả xuất khẩu trong 8 tháng năm 2022, chủng loại quả dẫn đầu về trị giá xuất khẩu đạt 1,36 tỷ USD, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, trong khi quả thanh long xuất khẩu với trị giá lớn nhất giảm mạnh, thì xuất khẩu quả chuối và sầu riêng có trị giá tăng mạnh trong 8 tháng năm 2022.

Sản phẩm chế biến là chủng loại lớn thứ 2 trong cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu. Trong 8 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu chủng loại này đạt 660,9 triệu USD, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là chủng loại cần được đẩy mạnh, bởi nhu cầu sử dụng rau quả chế biến gia tăng trên toàn cầu, nhưng Việt Nam mới chỉ đáp ứng được tỷ trọng thấp.

Như tại thị trường EU, dung lượng nhập khẩu hàng rau quả chế biến của thị trường EU rất lớn, tuy nhiên, thị phần hàng rau quả chế biến của Việt Nam tại EU rất thấp, chỉ chiếm 0,2% tổng lượng nhập khẩu.

Một trong những nguyên nhân là do ngành hàng rau quả chế biến của Việt Nam chưa đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt của thị trường.

EU là thị trường có khâu hậu kiểm được kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu cao. Nông sản nhập khẩu phải đạt ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các loại hóa chất tồn dư dưới mức quy định. Ngoài ra, khâu thiết kế mẫu mã, bao bì phù hợp với thị trường EU, thân thiện với môi trường cũng là yếu tố cần được quan tâm.

"Do đó, ngành rau quả Việt Nam cần tiếp tục chuyển dịch mạnh về cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng sản phẩm chế biến, giảm xuất khẩu các sản phẩm tươi. Các doanh nghiệp xuất khẩu cần đẩy mạnh đầu tư cho công nghệ xử lý, bảo quản sau thu hoạch và phát triển logistics phục vụ vận chuyển rau quả", Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo.

https://danviet.vn/la-san-la-chuoi-la-khoai-truoc-bo-di-nay-ban-dat-hang-cho-nuoc-ngoai-viet-nam-thu-6-trieu-usd-20221005181557411.htm
 

Theo K.Nguyên (Dân Việt)

 

Có thể bạn quan tâm