Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Làm theo Bác, tăng cường rèn luyện đạo đức cách mạng "Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” chúng ta vẫn còn bộc lộ không ít hạn chế. Một trong những hạn chế được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ ra trong bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII, triển khai Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là: “Việc cam kết tu dưỡng, rèn luyện, gắn với thực hiện trách nhiệm nêu gương của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiệu quả chưa cao”. Thực tế mà đồng chí Tổng Bí thư nêu ra cũng là vấn đề dư luận rất quan tâm.

 


Vấn đề cơ bản, cấp thiết trong công tác xây dựng Đảng

Có thể nói sự quy tụ đặc sắc nhất những giá trị đạo đức của cách mạng Hồ Chí Minh đó chính là tấm gương suốt đời phấn đấu thực hiện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Trước lúc đi xa, Người đã căn dặn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.

Đảng ta xác định, không ngừng học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” là vấn đề cơ bản, cấp thiết trong công tác xây dựng Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải lấy đó làm chuẩn mực, mục tiêu phấn đấu vươn lên, hoàn thiện bản thân mình. Nhưng trên thực tế thời gian qua việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác của cán bộ, đảng viên bên cạnh những kết quả quan trọng còn nhiều vấn đề đáng bàn.

Đặc biệt là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; thiếu ý thức rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu; quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; vi phạm nguyên tắc, kỷ luật của Đảng, vi phạm pháp luật Nhà nước ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, làm xói mòn lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ.

Chính vì vậy một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần không nhỏ kiềm chế, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, được Đảng ta nhấn mạnh là đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đặc biệt hiện nay, đất nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh; chủ động hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Trong bối cảnh đó, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nói chung và làm theo tấm gương đạo đức: “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” của Người nói riêng càng đặt ra bức thiết.

Đặt lợi ích của nhân dân làm mục tiêu trên hết

Thực tế việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức: “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” của Hồ Chí Minh đòi hỏi từng tổ chức Đảng phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng “tận trung với nước, tận hiếu với dân”, nâng cao nhận thức về trách nhiệm đối với Tổ quốc, với nhân dân cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chúng ta cần phải coi đây là nội dung căn cốt để mỗi cán bộ, đảng viên thực hiện: Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.

Trên hết và trước hết cán bộ, đảng viên phải tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng. Trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng cũng chính là trung thành với sự nghiệp của nhân dân. Bởi “Đảng ta là một Đảng cách mạng, ngoài lợi ích của công nhân và nông dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác”. Bất luận trong hoàn cảnh nào cán bộ, đảng viên cũng phải đặt lợi ích của nhân dân làm mục tiêu trên hết, trước hết để ra sức phấn đấu làm tròn xứ mệnh, trọng trách của mình. Mọi suy nghĩ và hành động của cán bộ, đảng viên đều phải hướng tới mục đích phục vụ nhân dân, vì lợi ích của nhân dân. Từng cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần và thực hiện đúng tư tưởng: Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh. Chỉ có trung thành và quyết tâm phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc thì cán bộ, đảng viên mới dám dũng cảm hy sinh lợi ích cá nhân quên mình vì nghĩa lớn, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân.

Lòng trung thành của mỗi cán bộ, đảng viên phải được thể hiện bằng hành động thiết thực, cụ thể trong từng công việc gần gũi hằng ngày. Đặc biệt hiện nay, tệ tham ô, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực là kẻ thù nguy hiểm của cách mạng và đang trở thành lực cản không hề nhỏ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Học tập và làm theo đạo đức của Bác, mỗi cán bộ, đảng viên phải thể hiện rõ tinh thần kiên quyết, dũng cảm đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, lãng phí; tệ quan liêu, xa dân, không tôn trọng và thực hành dân chủ...

Tinh thần quyết tâm, thái độ kiên quyết của cán bộ, đảng viên không thể là hô khẩu hiệu, không thể là những lời nói suông, không thể là những chỉ tiêu, biện pháp nằm trên giấy mà phải được hiện thực hóa và tổ chức triển khai chặt chẽ, hiệu quả. Mọi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ trì, chủ chốt các cấp phải thường xuyên phấn đấu để thực sự là “người công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân”.

Phát huy vai trò nêu gương trong thực hành đạo đức

Một trong những nguyên tắc thực hành đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh là phải nêu gương về đạo đức. Phát huy vai trò nêu gương trong thực hành đạo đức có ý nghĩa to lớn không chỉ trước mắt mà còn lâu dài về sau. Trong học tập và làm theo tấm gương: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, của Hồ Chí Minh việc nêu gương sáng về đạo đức của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chủ trì, chủ chốt các cấp, có vai trò đặc biệt quan trọng. Thực tiễn cách mạng đã chứng minh, mọi công việc dù lớn đến mấy, mọi khó khăn dù phức tạp đến đâu, nếu cán bộ đầu tầu gương mẫu thì nhất định chúng ta sẽ vượt qua và giành thắng lợi. Sự tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên là hạt nhân đoàn kết, quy tụ sức mạnh của lòng dân. Chính vì lẽ ấy mà một trong những yêu cầu về tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, quản lý được Đảng ta xác định là phải biết nêu gương.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Thấm nhuần lời dạy của Người, mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương. Người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn, trọng trách càng nặng nề thì càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng, nhân dân noi theo. Đề cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ trì, chủ chốt các cấp trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức: “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” của Hồ Chí Minh là nhiệm vụ quan trọng của mỗi tổ chức đảng và từng đảng viên. Do đó công việc này phải thường xuyên, liên tục được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả, nhằm góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Đại tá, Nhà báo Phùng Kim Lân (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam)
(Dẫn nguồn LĐO)

https://laodong.vn/thoi-su/lam-theo-bac-tang-cuong-ren-luyen-dao-duc-cach-mang-can-kiem-liem-chinh-chi-cong-vo-tu-921999.ldo

Có thể bạn quan tâm