Làng Djriếk bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Làng Djriếk (thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh, Gia Lai) không chỉ lưu giữ được những bộ chiêng quý mà còn thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền dạy, biễu diễn cồng chiêng, qua đó góp phần lưu giữ và phát huy văn hóa truyền thống.
 Nghệ nhân Siu Cheng (bìa trái) dạy thanh-thiếu niên trong làng cách đánh cồng chiêng. Ảnh: H.T
Nghệ nhân Siu Cheng (bìa trái) dạy thanh-thiếu niên trong làng cách đánh cồng chiêng. Ảnh: H.T
Mới đây, chúng tôi đến thăm làng Djriếk vào một buổi chiều muộn khi người dân trong làng đang tổ chức buổi truyền dạy cồng chiêng cho thanh-thiếu niên. Có mặt tại đây để động viên các cháu, ông Kpă Kiếp-Phó Trưởng thôn Djriếk-cho biết, làng có 230 hộ với trên 70% là người Jrai. Thời gian qua, không chỉ tích cực lao động sản xuất để phát triển kinh tế, dân làng còn chú trọng giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có cồng chiêng. “Với người Jrai, cồng chiêng là tài sản vô giá. Chính vì vậy, việc gìn giữ và phát huy các giá trị độc đáo của cồng chiêng luôn được người dân trong làng chú trọng”-ông Kiếp vui vẻ chia sẻ.

Bà Phạm Thị Hương-Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Nhơn Hòa: “Cùng với dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng, dân làng Djriếk luôn nỗ lực luyện tập, biểu diễn và truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng. Nhờ đó, đội cồng chiêng làng Djriếk được huyện chọn tham gia Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được tổ chức tại tỉnh ta vào tháng 11 tới”.

Với quan điểm đó, hơn 10 năm nay, các nghệ nhân lớn tuổi trong làng đã thay nhau hướng dẫn, truyền dạy cồng chiêng cho người dân trong làng, đặc biệt là các cháu nhỏ với hy vọng đây là những nhân tố tương lai tiếp nối trọng trách gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống. Ban đầu, làng duy trì luyện tập vào chiều thứ bảy hàng tuần. Sau đó, khi mọi người đã thành thục các bài chiêng, việc tổ chức dạy đánh cồng chiêng thưa hơn, 1 tháng/lần. Nghệ nhân Siu Cheng cho biết: “Điều mình mừng nhất là không chỉ người lớn mà các cháu nhỏ trong làng cũng rất hào hứng khi tham gia luyện tập. Do đó, đến nay trong làng có rất nhiều người biết đánh cồng chiêng. Làng cũng đã thành lập được 2 đội cồng chiêng gồm đội của người lớn và đội của thanh-thiếu niên với tổng cộng 40 thành viên”.
Đặc biệt, thời gian gần đây, làng đã chọn ra 8-10 em đánh chiêng giỏi tham gia cùng với đội cồng chiêng của người lớn luyện tập để biểu diễn tại các hội thi do thị trấn, huyện, tỉnh tổ chức. Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo, các tiết mục cồng chiêng của làng đã tạo được sức hút riêng, đặc biệt là có sự hòa tấu nhịp nhàng, ăn khớp giữa nghệ nhân lớn tuổi với các nghệ nhân nhỏ tuổi. Do đó, nhiều năm liền, đội đã đạt giải nhất Hội thi Văn hóa-Cồng chiêng do huyện tổ chức. Trước đó, đội cồng chiêng làng Djriếk từng được chọn tham gia biểu diễn ở Festival Cồng chiêng quốc tế 2009 tại Gia Lai cũng như Festival Hoa Đà Lạt năm 2015. Em Siu Thanh-thành viên đội cồng chiêng-bày tỏ: “Em rất vui và tự hào khi được tham gia biểu diễn cồng chiêng tại các lễ hội. Em sẽ cố gắng học đánh chiêng thật giỏi để truyền lại cho các em nhỏ, cũng như tiếp tục tham gia biểu diễn tốt nhằm góp phần cùng đội mang về thành tích cho làng nói riêng, thị trấn và huyện nói chung”.
Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm