Thời sự - Bình luận

Lắng nghe trẻ em nói

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ 2 - năm 2024 là một sự kiện quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với thiếu nhi VN; khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Chương trình nhằm thúc đẩy sự tham gia của trẻ em vào các vấn đề liên quan đến trẻ em, với tư cách là chủ nhân tương lai của đất nước; thể hiện trách nhiệm của tổ chức Đoàn các cấp thực hiện nhiều giải pháp nhằm tạo môi trường thúc đẩy sự tham gia của trẻ em vào những hoạt động, chương trình do tổ chức Đoàn, Hội, Đội thực hiện.

Phiên họp còn là cầu nối giúp trẻ em tham gia đóng góp vào việc xây dựng các chính sách liên quan đến những vấn đề của trẻ em. Đây là hoạt động tạo điều kiện cho việc phát hiện và bồi dưỡng những trẻ em có năng khiếu, giúp trẻ phát huy hết khả năng của mình; tích cực tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em tại gia đình, nhà trường và xã hội theo quy định của luật Trẻ em năm 2016. Từ đó, các em được gặp gỡ, tiếp xúc, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng với các cô, bác lãnh đạo, đại biểu Quốc hội (QH)..., trở thành những đại biểu QH trẻ em đưa các ý kiến, kiến nghị của đông đảo thiếu nhi tới các cơ quan có thẩm quyền, để giải quyết và trả lời với các em về kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị.

Với vai trò của tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em theo quy định của luật Trẻ em năm 2016, Đoàn Thanh niên có nhiệm vụ: tổ chức lấy ý kiến, kiến nghị của trẻ em, tổ chức để trẻ em được tiếp xúc với đại biểu QH, đại biểu HĐND; thường xuyên lắng nghe, tiếp nhận và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của trẻ em; chuyển ý kiến, kiến nghị của trẻ em tới các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết; theo dõi việc giải quyết và phản hồi cho trẻ em về kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em.

Thời gian qua, T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư đã ban hành nhiều văn bản nhằm thực hiện tốt vai trò do luật Trẻ em quy định. Tổ chức Đoàn, Đội các cấp có nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, tổ chức các lớp tập huấn, xây dựng các mô hình phát huy quyền tham gia của trẻ em và giám sát việc thực hiện quyền trẻ em.

Tham gia Phiên họp giả định QH trẻ em là cơ hội để trẻ em được trải nghiệm tham gia vào quá trình ra quyết định và chấp hành các quyết định, sẽ gieo vào lòng những công dân trẻ tuổi, chủ nhân tương lai của đất nước tình yêu quê hương đất nước, hạt mầm của tinh thần đoàn kết, tư duy phát hiện vấn đề, ý thức tự chịu trách nhiệm, sẻ chia, hình thành trong các em khát vọng được cống hiến, góp phần xây dựng đất nước. Điều này không chỉ đảm bảo quyền lợi cho trẻ em mà còn góp phần xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh và phát triển bền vững.

Việc đảm bảo quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ từ nhiều cơ quan, đơn vị. Mỗi chủ thể cần nhận thức rõ vai trò của mình trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ và bảo đảm quyền tham gia của trẻ em. Đó chính là thông điệp mà ban tổ chức mong được gửi gắm thông qua phiên họp: "Hãy cùng nhau tạo điều kiện để mọi trẻ em đều có cơ hội được lắng nghe, thể hiện và được tham gia vào quá trình ra quyết định đối với các vấn đề liên quan đến cuộc sống của chính mình".

Nguyễn Phạm Duy Trang

(Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư)

(Dẫn nguồn TNO)

thanhnien.vn Xem link nguồn

Có thể bạn quan tâm