Sau 2 năm đối phó dịch bệnh, thói quen lễ, tết đã và đang dần thay đổi để “thích ứng an toàn”.
Hát quan họ tại Hội Lim |
Đi lễ hội, viếng đền chùa là nét văn hóa truyền thống, và là nhu cầu tâm linh của các gia đình Việt Nam dịp đầu năm. Song cũng giống như mùa lễ hội xuân năm trước, để thực hiện yêu cầu đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch Covid-19, tại thời điểm này, nhiều lễ hội lớn ở miền Bắc đã lên phương án tạm dừng, thu gọn quy mô, chỉ tổ chức phần lễ…
Sau 2 năm đối phó dịch bệnh, thói quen lễ, tết đã và đang dần thay đổi để “thích ứng an toàn”. Covid-19 buộc từng cá nhân đến tập thể phải nhìn lại mình và có hành xử thích nghi với điều kiện bình thường mới. Khi dịch Covid-19 chưa ập đến, văn minh ứng xử trong lễ hội là thái độ gìn giữ vệ sinh môi trường, là không ăn mặc phản cảm hay có những hành vi dung tục không phù hợp, không đổi và rải, rắc tiền lẻ tại di tích, không sử dụng đồ vàng mã số lượng lớn... Còn nay, yếu tố văn minh trong lễ hội đã khác, với tiêu chí an toàn dịch đặt lên trên hết.
Theo tinh thần đó, Bộ VH-TT-DL khuyến nghị các địa phương tạm dừng tổ chức các loại hình lễ hội và hoạt động bắn pháo hoa trong dịp Tết Nguyên đán 2022 theo phương châm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã tạm dừng, thu gọn quy mô tổ chức lễ hội.
Bắc Ninh là địa phương có nhiều lễ hội nổi tiếng dịp Tết Nguyên đán như hội Lim (huyện Tiên Du), hội chùa Phật Tích (huyện Tiên Du), hội đền Bà Chúa Kho (TP Bắc Ninh)… cũng có văn bản tạm dừng tổ chức lễ hội, các hoạt động trước, trong và sau tết. TPHCM cũng vừa có quyết định không bắn pháo hoa đêm giao thừa…
Các nghi lễ tâm linh tổ chức trong dịp này cũng đảm bảo nghiêm các yêu cầu phòng chống dịch với phần lễ không quá 10 người có mặt cùng lúc… Các nghi lễ theo hình thức trực tuyến cũng được khuyến khích tổ chức, để người dân thay vì đi tới tận cửa các di tích, các nơi thờ tự như trước đây có thể theo dõi các hoạt động tôn giáo, tâm linh thực hành tín ngưỡng, tôn giáo.
Cũng dịp xuân năm ngoái, khi Covid-19 ẩn khuất trong cộng đồng thì biển người đã đến cửa chùa Tam Chúc (Hà Nam). Vẫn biết nhu cầu đi lễ đầu năm đã hình thành và được duy trì nhiều năm, song đi lễ là để thảnh thơi, để thanh tẩy tâm hồn, đón nhận những điều tốt đẹp tích cực… Còn đi lễ hội trong nơm nớp lo lắng thì liệu có còn vui, còn ý nghĩa? Các hoạt động lễ hội, thể thao, tôn giáo nếu tụ tập quá đông người sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tất nhiên, tại thời điểm này, sau 2 năm phải ứng phó với Covid-19, ý thức về phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng cũng đã tốt hơn, nhưng không vì thế mà chủ quan, nhất là khi đã xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn, lây lan nhanh hơn.
Những thay đổi phong tục, nghi lễ có từ nhiều đời nay ắt hẳn sẽ tác động và xáo trộn tâm lý của người dân trong dịp đầu xuân. Song trước diễn biến khó lường của dịch bệnh thì rõ ràng nhu cầu đi lễ hội, được thực hành các nghi lễ tâm linh phải được nhận thức, sắp xếp lại. Xuân Nhâm Dần sẽ không diễn ra nhiều lễ hội lớn, không có những màn khai hội tưng bừng, nhưng điều đó không có nghĩa những mùa xuân và hy vọng trong lòng người sẽ tắt.
Trong mỗi hoàn cảnh cụ thể, mỗi cá nhân và cả cộng đồng đều cần có những cách thức để cùng nhau vượt qua khó khăn.
MAI AN (SGGPO)