Thời sự - Bình luận

LŨ LỤT MIỀN TRUNG: Thiệt hại nhân mạng, vì sao?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Những ngày qua, mưa lũ hoành hành ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Chính quyền và cơ quan chức năng các địa phương đã nỗ lực phòng chống, đưa bộ đội đến giúp dân, di dời dân đến nơi an toàn, cung cấp nhu yếu phẩm cho dân. Dự báo những ngày tới vẫn còn mưa lớn kéo dài.

Tính đến sáng 9-10, mưa lũ ở miền Trung và Tây Nguyên đã làm 4 người chết, 9 người mất tích. Đa số người bị nạn là chèo thuyền qua sông suối bị lật, chìm, chạy xe máy qua nơi ngập nước bị cuốn trôi...

 

Cảnh ngập lụt ở vùng “rốn lũ” Tân Hóa (tỉnh Quảng Bình) ngày 9-10 Ảnh: HOÀNG PHÚC
Cảnh ngập lụt ở vùng “rốn lũ” Tân Hóa (tỉnh Quảng Bình) ngày 9-10 Ảnh: HOÀNG PHÚC



Không ai không lo lắng cho sự an toàn của bản thân và gia đình trong mùa lũ. Về công tác thông tin tuyên truyền cho dân biết tình hình mưa lũ, thiên tai, có thể nói đã được làm khá tốt, hầu như người dân nào cũng được biết dù ít hay nhiều qua các phương tiện truyền thông, qua nhắc nhở của chính quyền địa phương. Nhưng những thiệt hại nhân mạng vẫn xảy ra. Vì đâu?

Dĩ nhiên nguyên nhân sâu xa, trực tiếp để trở thành tác nhân chính làm cho thiệt hại lớn hơn vẫn là tình trạng phá rừng. Nhiều vùng rừng trơ trọi, phơi ra những đồi trọc không thể giữ được nước nên khi có mưa, nước từ thượng nguồn đổ thẳng xuống gây nên lũ, sạt lở đất. Rừng còn bị phá để xây thủy điện trên nhiều sông suối. Những khi mưa kéo dài với vũ lượng lớn, các hồ chứa thủy lợi và thủy điện điều tiết xả lũ thì cư dân ở vùng hạ du lãnh đủ, phải chịu cảnh lũ lụt kéo dài và không ít người đã thiệt mạng vì mưa lũ.

Phá rừng cũng gây ra hiện tượng thời tiết cực đoan, lũ mạnh lên, chảy xiết hơn; nhiều nơi xuất hiện lũ ống lũ quét, nhiều vực xoáy sâu gây nguy hiểm cho cư dân.

Thực tế cũng đã từng có lý do từ dự báo không chính xác, khiến cơ quan địa phương và người dân chủ quan, mưa bão mạnh hơn dự báo và vùng tâm bão, vùng xảy ra thiệt hại nặng nề nhất lại là nơi không ngờ, không được dự báo, nhất là những nơi núi lở, lũ quét gây thiệt hại cả một khu vực, một xóm nhà dân.

Ngoài nguyên nhân do sơ ý và xui rủi như dọn nhà bị điện giật chết hay cháu bé không được người lớn chú ý chăm sóc bị sẩy chân rơi vào nước lũ không kịp cứu, còn có sự chủ quan của người dân. Những trường hợp mưa to sóng lớn, nước dâng cao, chảy xiết thì không nên qua sông qua suối, mà hãy chờ phương tiện cứu hộ của cơ quan phòng chống thiên tai của địa phương hỗ trợ. Người liều mình qua sông đã phải trả giá đắt bằng chính sinh mạng của mình.

Những thiệt hại nhân mạng là không đong đếm được, nỗi đau mất mát đeo đẳng người thân của họ cả đời. Thiệt hại từ các thiên tai lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm, khó khắc phục hậu quả trong thời gian ngắn, trong khi lũ lụt luôn quay lại hoành hành từng năm.

Thiên tai luôn có sức mạnh đáng sợ và nguy hiểm, nhất là những nguy cơ tiềm tàng và bất ngờ, cho dù con người đã làm chủ nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật, có phương tiện để phòng chống. Những phương tiện đó vẫn chỉ nhằm hạn chế một phần thiệt hại chứ không thể chế ngự được thiên tai. Do đó, phòng chống tốt nhất vẫn là ý thức của từng người và của các chính quyền địa phương với trách nhiệm cao nhất, luôn đề cao cảnh giác và nỗ lực cao nhất để bảo vệ, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho dân.

Theo TRẦN VIỆT (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm