Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Lưng lửng mùa…

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đã không còn cảm giác giá buốt như độ tháng Chạp, nắng xuân bàng bạc gieo xuống lá cành, trời ấm áp hơn, nhưng vẫn se sắt mỗi sớm mai khi sương mù dùng dằng vấn vít. Xuân đã đượm, nhưng mùa đông dường như cũng chưa rời hẳn đi.

Cái cảm giác lưng lửng mùa khiến người ta cũng như muốn níu kéo những điều cất giấu ở trong lòng, với tâm trạng đầy luyến lưu.

Những ngày tất bật bao nhiêu việc chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, người già thường bảo, xem việc gì có thể gác lại được thì đừng cố, ra Giêng ngày rộng tháng dài rồi làm tiếp. Ngày rộng tháng dài là bao nhiêu? Lấy gì để đo độ rộng dài của ngày tháng? Chẳng phải ngày tháng đã được tính bằng giờ, bằng phút, bằng giây hay sao?

Nhưng, đúng là cái cảm giác tháng Giêng cứ đủng đỉnh chảy chầm chậm trước mắt, thấy lâu thật là lâu. Có lẽ, chỉ có thể dùng cách cảm nhận thời gian bằng tâm lý, để thấy một tháng Giêng đã nồng đượm hương xuân, nhưng lại vẫn như còn rất nhiều tàn dư của mùa đông sót lại.

Tôi chọn cho mình hành trình đầu xuân rời xa phố thị. Khi mùa xuân nồng đượm nhất, tôi ghé chân bước vào một ngôi làng nằm nem nép bên sông. Tôi nhận ra một điểm chung, sau rất nhiều lần ghé đến những ngôi làng xa lạ, đó là tôi luôn được chào đón. Sự hồn hậu và nồng nhiệt của những con người sống ở “phía chân mây”-theo cách gọi của riêng tôi-luôn khiến tôi nuôi giữ trong mình ý định quay trở lại những nơi tôi đã ngang qua ấy.

Họ không biết tôi là ai, không bao giờ hỏi tôi sống ở đâu, đến để làm gì. Nhưng lại gieo vào lòng tôi cảm giác của sự trở về. Con người sẽ chỉ trở về nơi mà họ xuất phát, nơi mà từ đó, họ đã cất bước trên muôn dặm hành trình. Vậy, cảm giác trở về một nơi hoàn toàn xa lạ, có phải là khác thường lắm không?

Minh họa: CHÂU ÁI VÂN

Minh họa: CHÂU ÁI VÂN

Dưới gầm những ngôi nhà sàn quanh làng, gà vịt ríu rít, có cả mẹ con đàn heo ủn ỉn chạy theo nhau. Người lớn đang quây quanh ghè rượu, sau mỗi cang, họ lại hát. Tháng Giêng đang là mùa khô, mùa nông nhàn, bởi đất đai chưa canh tác được. Những lễ hội thường được tổ chức trong khoảng nông nhàn này. Cuộc rượu mà tôi gặp hôm ấy là để họp bàn việc làm một lễ lớn trong làng.

Cái lạnh vẫn chưa tan hết, hơi rượu bên bếp lửa khiến người ta có phần tự tin thêm. Những bài hát ngày một sôi nổi hơn, dồn dập hơn. Tôi đã chứng kiến những người nông dân thuần phác, ở trên nương rẫy, họ chỉ cặm cụi làm việc, lặng lẽ tựa cây rừng.

Nhưng, trong những đêm lễ hội, mắt họ sóng sánh như có trăng; chân họ uyển chuyển tựa dòng suối; đôi tay thô tháp ngày thường vất vả trăm thứ việc ruộng nương, thì trong đêm hội cũng như những ngón hoa xập xòe theo ánh lửa.

Chiều dần buông. Mặt trời hắt chút nắng cuối ngày xuống mặt sông lấp lóa. Màu đỏ ối nhuốm dần lên những rặng núi xa xa. Cô bé con có đôi mắt mênh mang suối ngàn tha thẩn chơi cùng chú mèo trước cửa nhà. Tôi bước xuống bậc cầu thang, gặp cảnh ấy, chợt thấy đôi chân mình thật gượng nhẹ, rồi như dừng hẳn lại.

Những ánh mắt Tây Nguyên như có sức thôi miên, kỳ lạ lắm. Tôi không biết dùng ngôn từ như thế nào để chuyển tải những gì tôi cảm nhận được qua rất nhiều những đôi mắt đã ngước nhìn tôi từ những ngôi làng xa xôi ấy. Những đôi mắt như có nắng mới lên, như có trăng đầu tháng, như có hoàng hôn vừa chợt buông, như có suối reo vui, lại như có thác ngàn huyền hoặc đổ xuống bóng rừng…

Hình như tôi lại chợt nhớ nhung cảm giác con mèo mướp vừa chui ra từ đống tro bếp, đứng rũ sạch bụi, rồi lượn tấm thân, cọ bộ lông mềm mại và ấm nóng vào tay mình. Tôi dừng lại rất lâu ở bậc cầu thang, nhìn mãi cô bé con và con mèo, trong cảm giác vừa nhấp một cang rượu cần, thấy sông suối núi đồi tan loang dần vào đêm ướp sũng hương xuân.

Tôi đã phải cố giữ mãi hình ảnh về một bờ xuân phủ tím hoa xoan, như bụi mờ, như sương khói bảng lảng vương vất. Cái thứ hoa tím nhạt như lẫn vào khói sương và mưa bụi lây rây rắc xuống những ngày xuân ấy luôn có sức gợi ám, bám níu lấy cảm giác nhớ nhung khôn cùng.

Mùa xuân là mùa của hương hoa. Người ta nâng niu những bông hoa mỗi năm chỉ nở một lần, như người không bao giờ sai hẹn, luôn đến vào đúng mùa xuân, rồi hết mùa lại lẳng lặng rời đi. Những đêm xuân, ngồi bên bếp lửa, nghe hoa cau hoa bưởi thở vào đêm hương thơm thanh nhẹ, thấy đêm như sâu thật là sâu.

Đêm ở làng, không có hương cau, hương bưởi. Lúc chiều, tôi bất chợt gặp những bông hoa xoan tím nhạt vu vơ nở trên miền cao nguyên này. Không có mưa xuân rây bụi, cũng không có cái rét đài rét lộc xa xôi, chỉ có nắng chênh chao, và gió đem cái lạnh sắt se đủ để giữ tôi ngồi mãi bên bếp lửa nhà sàn, nghe mùa dùng dằng cùng tháng Giêng trôi đi thật chậm.

Nhịp chiêng ở đâu đó vọng lại, mỗi lúc một dồn dập. Lửa trong bếp bùng lên, chập chờn, ảo hoặc. Tôi nhấp thêm một cang rượu nữa. Cô bé con đã ôm chú mèo ngồi sát lại gần tôi, ấm áp và đầy tin cậy. Cô bé nhìn tôi, ánh mắt xôn xao như muốn nói một điều gì đó mà còn e ngại. Tôi nắm bàn tay nhỏ của em, chúng tôi đứng dậy, bước nhanh xuống cầu thang, chạy về phía tiếng chiêng đang ngày một thúc giục chân người.

Bây giờ, hương xuân nồng đượm, nhưng mùa đông vẫn cố dùng dằng. Đất trời cũng lưng lửng mùa như vậy.

Có thể bạn quan tâm