Cuộc thi phóng sự, ký sự Gia Lai 50 năm đổi mới và phát triển

Mang chữ đến vùng khó Gia Lai: Kỳ 1: Quên nỗi đau để đến lớp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Gia Lai là tỉnh miền núi, có địa bàn trải rộng với diện tích đứng thứ hai cả nước; tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm trên 45% nên giáo viên vùng khó phải đối mặt với không ít thử thách. 

Điều gì khiến các thầy-cô giáo vẫn ngày ngày lặn lội trên những cung đường hiểm trở, xa ngái để đến với trường lớp, dù có người phải hy sinh một phần thân thể hay hạnh phúc riêng tư? Chỉ có thể là tình thương dành cho học trò vùng khó mới giúp họ vượt bao trở ngại, trao gửi đến các em tri thức.

5 năm đủ để làm lành một vết thương trên cơ thể nhưng khó có thể quên đi nỗi đau dai dẳng trong lòng. Vì lẽ đó mà đôi khi cô Trần Thị Bá Tiền-Giáo viên Trường Tiểu học và THCS Đăk Hlơ (xã Đăk Hlơ, huyện Kbang) vẫn khóc thầm khi nhìn cánh tay đã bị mất đi sau vụ tai nạn trong một sáng đến trường. Biến cố ấy khiến cuộc sống của cô Tiền hoàn toàn đảo lộn, song chưa khi nào cô nghĩ đến việc rời bục giảng, xa ánh mắt bao học trò thân thương.

Còn 1 tay vẫn cầm phấn

Hồi tưởng về thời điểm tỉnh dậy sau vụ tai nạn giao thông và nhận ra một cánh tay đã không còn, cô Tiền lại nghẹn lời. Bấy giờ, cô đang là giáo viên Âm nhạc ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hà Đông (xã Hà Đông, huyện Đak Đoa). Cần nói thêm rằng, Hà Đông là 1 trong 2 xã trên địa bàn tỉnh được mệnh danh là “ốc đảo” bởi sự biệt lập về địa lý, cách trở giao thông. Những cung đường quanh co, gấp khúc, hoang vắng đủ sức đo ý chí của bất cứ ai. Vậy mà, suốt 5 năm, cô Tiền luôn nhẫn nại vượt hành trình gần 130 km từ nhà đến trường.

Sự gắn bó với học trò Bahnar ở xã đặc biệt khó khăn, nơi tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo lên đến hơn 60% này được cô lý giải bằng tình thương yêu: “Mình nhớ mãi một em học trò kết tặng cô bó hoa rừng nhân ngày 20-11, kèm theo một bức thư ghi rằng em rất thương cô, coi cô như người mẹ thứ hai”.

Cô Trần Thị Bá Tiền trong một giờ dạy. Ảnh: P.D

Cô Trần Thị Bá Tiền trong một giờ dạy. Ảnh: P.D

Trường xa nên mỗi chiều thứ sáu hàng tuần, cô đi xe máy về nhà ở xã Đăk Hlơ rồi trở lại với nhiệm vụ chuyên môn vào sáng thứ hai. Mờ sáng 9-9-2019, cô lên đường để kịp có mặt ở trường. Khi vừa đến đoạn đường liên xã dẫn vào Hà Đông, chiếc xe của cô không may va chạm với một xe tải chở mì chạy ngược chiều. Vụ tai nạn khiến cánh tay trái của cô bị dập nát do bánh xe chèn qua, buộc phải cắt bỏ. Sốc, hụt hẫng, song trách nhiệm và tình yêu thương với gia đình, với học trò đã giúp cô thêm vững vàng.

Được chuyển về dạy học gần nhà tại Trường Tiểu học và THCS Đăk Hlơ, chỉ hơn 1 tháng sau biến cố, cô Tiền đã tiếp tục đứng trên bục giảng. Năm học 2021-2022, cô là giáo viên dạy giỏi cấp huyện. Năm học 2022-2023 và 2023-2024, cô được công nhận là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.

Cô Tiền được học trò thương yêu vì sự gần gũi và nghị lực sống. Ảnh: P.D

Cô Tiền được học trò thương yêu vì sự gần gũi và nghị lực sống. Ảnh: P.D

Những thành tích ấy đã nói thay tất cả về nghị lực đáng khâm phục của cô giáo năm nay tròn 40 tuổi. Cô bộc bạch: “Sau biến cố, tôi cảm thấy may mắn vì vẫn được tạo điều kiện để tiếp tục theo nghề. Do vậy, tôi luôn phấn đấu làm hết khả năng, không bao giờ ngại khó”.

Theo thời gian, những tình huống dở khóc dở cười cũng dần qua. Ví dụ, thay vì vỗ tay cho các em bắt nhịp, cô phải vỗ tay còn lại vào vai hoặc vỗ lên bàn, nhưng nhiều em nhỏ chưa hiểu nên lại ngơ ngác bắt chước làm theo y như cô. Có em ngây thơ hỏi: “Cô ơi, bao giờ thì tay cô mọc ra lại?”.

Tấm gương của trò nghèo Bahnar

Trong chuyến công tác mới đây vào xã Hà Đông, chúng tôi được biết thêm câu chuyện xúc động về một cô giáo tận tâm với học trò. Đó là cô Am Gữi-Giáo viên Tiếng Anh của Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trần Kiên. Cũng từng bị tai nạn trên cung đường khó này, cô Gữi vẫn bền lòng bám trụ vì “đã xem các em học sinh như con, như em của mình”.

Cô Am Gửi tâm huyết với cách dạy sáng tạo để học trò vùng khó dễ tiếp thu môn Tiếng Anh. Ảnh: P.D

Cô Am Gửi tâm huyết với cách dạy sáng tạo để học trò vùng khó dễ tiếp thu môn Tiếng Anh. Ảnh: P.D

Năm 2010, khi cô Gữi về nhận công tác tại xã Hà Đông. Đường vào xã còn là đường đất lầy lội, trơn trượt. Từ nhà (xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) đến trường chỉ hơn 50 km nhưng cô phải mất đến 4-5 tiếng đồng hồ chật vật đi xe máy mới vào tới nơi. Gần 100% học sinh trong trường là người Bahnar, đa phần có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Thế “ốc đảo” khiến nhiều em học đến lớp 9 mà chưa một lần vượt đèo dốc hiểm trở để ra khỏi xã Hà Đông.

Thương học trò, năm 2015, trong một chuyến về thăm nhà dịp cuối tuần, cô Gữi rủ một em ở lớp mình chủ nhiệm về chơi. Giữa dốc, xe của cô va chạm với xe tải. Em học sinh may mắn chỉ xây xước nhưng cô Gữi thì bị chấn thương sọ não, phải chuyển cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) suốt hơn 1 tuần mới tỉnh. Lúc này, cô không còn nhớ ra người thân. Khi trí nhớ dần hồi phục, cô lại bị di chứng liệt nửa người bên phải.

“Hồi đó, mình vừa tập viết lại từng con chữ vừa khóc. Cứ nghĩ sẽ không còn đi dạy được nữa”-cô Gữi hồi tưởng trong dòng nước mắt chảy tràn.

Đến nay, sau 14 năm công tác, cô Gữi là một trong số ít giáo viên nữ bám trụ lâu nhất tại xã. “Mình có duyên với nơi này lắm!” là cách cô Gữi nói về tình cảm dành cho ngôi trường nơi cô đã viết lên bảng những từ vựng tiếng Anh đầu tiên.

Nhưng để chăm lo cho học trò, cô buộc phải hy sinh thời gian bên con cái. Đứa con đầu khi tròn 6 tháng tuổi đã phải theo mẹ đến trường; còn đứa thứ hai thì tới đây sẽ ở hẳn với bố và bà sau khi mẹ hết thời gian thai sản.

Cô Am Gửi trong một lần xuống làng vận động học sinh đến lớp. Ảnh: P.D

Cô Am Gửi trong một lần xuống làng vận động học sinh đến lớp. Ảnh: P.D

Thử thách vẫn chưa hết bởi việc dạy tiếng Anh chưa bao giờ là dễ dàng ở vùng khó, nơi mà học sinh ngoài tiếng mẹ đẻ còn phải học thêm tiếng phổ thông và một ngoại ngữ. Vì thế, cô Gữi thường chọn cách dạy trực quan bằng hình ảnh thực tế để các em dễ tiếp thu bài.

“Ví dụ, mình chiếu hình quả chuối và hỏi, các em hãy cho cô biết tiếng Bahnar gọi đây là gì, rồi nhờ một bạn lên bảng ghi lại. Sau đó, mình ghi thêm tiếng Việt và tiếng Anh bên cạnh”-cô chia sẻ cách làm sáng tạo.

Nhiều năm liền, cô được Chủ tịch UBND huyện tặng danh hiệu Lao động tiên tiến vì thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua dạy tốt-học tốt.

Vừa làm chuyên môn vừa khắc phục khó khăn, cô Gữi mong mỏi học sinh nỗ lực học tập để sau này quyết định tương lai của mình. Cô còn lấy chính hoàn cảnh của bản thân ra làm minh chứng, để thấy rằng không gì là không thể: “Cô cũng là người dân tộc thiểu số như các em, bố mất năm cô học lớp 8, mẹ cô một mình nuôi 4 đứa con. Vậy nhưng cô quyết không bỏ học”.

Cảm nhận được tình thương mà cô dành cho nên đa phần học trò rất ngoan. Chị Đinh Đang-Giáo viên Trường Mẫu giáo Hà Đông, học trò cũ của cô Gữi cho hay: Chị rất hạnh phúc vì giờ đây được là đồng nghiệp của cô. Chị nhớ mãi những ngày được học tập với cô giáo giỏi chuyên môn, thường gần gũi, hỏi han và vận động quyên góp quần áo cũ cho học trò. Đám bạn cùng làng, cùng lứa năm đó chỉ một mình chị học lên đến bậc đại học. “Cũng là nhờ cô Gữi đã nuôi dưỡng ước mơ trong tôi”-chị Đang xúc động nói.

Không quay lưng với nghề

Một năm học mới lại bắt đầu. Cô Hoàng Thị Quế Nhàn-Giáo viên Trường Tiểu học và THCS Đăk Yă (xã Đăk Yă, huyện Mang Yang) cũng tranh thủ thu xếp ổn thỏa mọi việc trong gia đình để tiếp tục hành trình mang ánh sáng tri thức đến với học trò. Ngoài cậu con trai thứ hai đang là sinh viên, cậu út học lớp 7, người còn lại khiến cô Nhàn luôn canh cánh là đứa con đầu Nguyễn Tiến Đạt-chàng trai 27 tuổi bị bệnh bại não, mọi sinh hoạt đều phụ thuộc vào mẹ. “Những ngày trái gió trở trời, con còn lên cơn la hét, đập phá đồ đạc trong nhà”-cô Nhàn ngậm ngùi.

Với cô giáo Nhàn, hành trình gắn bó cùng bảng đen, phấn trắng bên ánh mắt, nụ cười thân thương của học trò luôn cũng là khoảng thời gian tươi đẹp và đầy ý nghĩa. Ảnh: Mộc Trà

Với cô giáo Nhàn, hành trình gắn bó cùng bảng đen, phấn trắng bên ánh mắt, nụ cười thân thương của học trò luôn cũng là khoảng thời gian tươi đẹp và đầy ý nghĩa. Ảnh: Mộc Trà

Không chỉ vậy, sau khi ly hôn, cô Nhàn còn phải chống chọi với căn bệnh ung thư tuyến giáp di căn suốt 2 năm qua. Thật khó tin, giữa giông bão cuộc đời, cô vẫn mạnh mẽ, kiên cường. Không chỉ vì các con, đó còn là cách để bản thân cô có thể giữ trọn tình yêu với bảng đen, phấn trắng cùng những học trò thân thương.

Hơn 30 năm đứng trên bục giảng, cô Nhàn khẳng định, nghề giáo đã cho cô thật nhiều điều vô giá, đặc biệt là tình thương vô bờ giữa cô và trò, giữa giáo viên và phụ huynh. Nhắc nhớ những ngày đầu bước chân vào nghề, cô Nhàn kể: Sau khi tốt nghiệp lớp sư phạm cấp tốc hệ 12+2 tại Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, cô về huyện Mang Yang công tác theo nguyện vọng. Sau 3 tháng giảng dạy tại Trường Tiểu học xã Đăk Trôi, cô được điều chuyển sang Trường Tiểu học xã Ayun và gắn bó với nơi này suốt 17 năm.

Thời gian đầu, từ trung tâm huyện vào trường, cô giáo trẻ phải đi bộ cả ngày trời mới đến nơi. Mùa mưa, đường trơn, nước suối dâng cao thì việc trượt ngã, quần áo lấm bẩn xảy ra như cơm bữa.

Các thế hệ học sinh luôn yêu mến cô giáo Nhàn vì sự gần gũi, chăm sóc ân cần của cô. Ảnh: Mộc Trà

Các thế hệ học sinh luôn yêu mến cô giáo Nhàn vì sự gần gũi, chăm sóc ân cần của cô. Ảnh: Mộc Trà

“Nhiều đồng nghiệp khi ấy vì không chịu được khó khổ đã xin chuyển trường hoặc chuyển nghề khiến giáo viên trẻ mới ra trường như tôi có chút xao động. Nhưng rồi, lòng yêu nghề và hơn hết là tình thương dành cho học trò vùng khó đang khát khao học chữ đã tiếp thêm động lực”-cô Nhàn bày tỏ.

Bác sĩ Blơp (Trung tâm Y tế huyện Mang Yang) là một trong những học trò từng được cô Nhàn “tiếp lửa” đến trường. Sau khi học hết lớp 5, do gia đình khó khăn nên anh định nghỉ học. Nghe chuyện, cô Nhàn đã khuyên học trò tiếp tục cố gắng tới lớp để có được tương lai tươi sáng hơn. “Cô còn hỗ trợ làm hồ sơ cho tôi được đi học Trường Dân tộc nội trú huyện. Tôi luôn ghi nhớ ơn cô, nhờ cô mà tôi đã theo đuổi con chữ tới cùng và có được công việc, cuộc sống ổn định như hôm nay”-anh Blơp nhắc nhớ bằng tấm lòng yêu kính dành cho cô giáo cũ.

Năm 2009, cô Nhàn được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mang Yang tạo điều kiện chuyển về giảng dạy tại Trường Tiểu học Đăk Yă (nay là Trường Tiểu học và THCS Đăk Yă) để thuận tiện trong việc nuôi dạy các con. Đối mặt với nhiều biến cố trong cuộc sống, có những lúc, cô Nhàn như muốn ngã quỵ, nhưng chỉ cần nghĩ đến các con và học trò là cô lại có thêm sức mạnh.

“Nhiều người khuyên tôi nên chọn nghề khác thu nhập cao hơn, đỡ vất vả hơn. Có đơn vị ngoài ngành cũng từng ngỏ lời mời tôi về công tác. Thế nhưng, tôi không nỡ rời xa học trò, càng không thể quay lưng với cái nghề mà tôi xem là lý tưởng sống”-cô Nhàn trải lòng.

Có thể bạn quan tâm