Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Mắt quê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người ta bước chân ra phố tính chuyện đi xe nào hay mở ứng dụng đặt xe, nhưng dân miệt sông nước thì quen với chiếc ghe, chiếc xuồng hay phi thẳng vỏ lãi (phương tiện di chuyển trên sông, thường làm bằng vật liệu composite) mà đi chợ cho kịp buổi sớm mơi.
Mắt ghe mang dáng vẻ hiền hòa nhưng cũng đủ thần đủ oai để làm điểm tựa tinh thần cho người dân di chuyển trên sông nước. Ảnh: VINH VÕ

Mắt ghe mang dáng vẻ hiền hòa nhưng cũng đủ thần đủ oai để làm điểm tựa tinh thần cho người dân di chuyển trên sông nước. Ảnh: VINH VÕ

Miền châu thổ, ghe xuồng len lỏi ngược xuôi khắp sông rạch, là phương tiện di chuyển, là đời thương hồ gắn liền với chiếc ghe, con nước mà rong ruổi làm ăn. Mỗi chiếc ghe luôn mang đôi mắt được người thợ trau chuốt tỉ mẩn, bởi lời người xưa căn dặn lại, ghe xuồng cũng như một sinh vật. Ghe phải có mắt, một đôi mắt không quá dữ nhưng đủ cái thần, cái oai phong để thủy quái dưới sông không làm hại… Và đôi mắt của ghe xuồng cũng là đôi mắt dẫn đường, để người đi trên sông nước đến được bến bờ an toàn, đi biển thì đến ngư trường thuận lợi cá tôm.

Ở những xưởng đóng ghe, tàu lớn, có riêng hẳn một đội thợ chuyên vẽ mắt, căn cứ vào hình dáng, màu sắc của đôi mắt trên ghe mà người ta có thể phân biệt được chủ nhân của nó đến từ tỉnh, thành nào. Cái tài tình của người đi sông nước cũng không thua gì dân trên phố, nhìn biển số xe mà đoán tên địa phương.

Mắt ghe được vẽ hai bên mũi ghe rất đa dạng, đủ kiểu loại nhưng có chung đặc điểm là trông rất hiền lành. Từ Bắc Bình Thuận trở ra Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam..., ghe có dáng mắt hẹp, đuôi mắt dài, tròng đen, nhãn cầu trắng vẽ trên nền xanh. Từ Nam Bình Thuận trở vô TPHCM, Vũng Tàu, Rạch Giá..., ghe có mắt mở to, hình tròn hoặc bầu dục, tròng đen, nhãn cầu trắng vẽ trên nền đỏ.

Nhiều năm qua, khi tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, dân thương hồ cũng chỉ còn lác đác. Ghe xuồng vẫn là phương tiện di chuyển nơi miền sông nước nhưng cũng thu hẹp dần khi các con lộ mới mở, xe máy, xe tải vận chuyển hàng hóa bon bon, tấp nập. Khách du lịch có thích miệt phù sa cũng chỉ lướt qua những chợ nổi, cuộc vui còn bận trên những cây bẹo rao hàng, ăn bữa sáng tròng trành trên mặt nước, mấy ai để ý đến những đôi mắt to tròn đang xuôi ngược trên sông.

Giới nghiên cứu văn hóa cũng bắt đầu những cuộc hội thảo nhiều hơn về đôi mắt của ghe. Bởi sinh ra theo nhu cầu của người dân nơi miền sông nước, mắt ghe không chỉ là câu chuyện niềm tin tinh thần, mà nó còn là nét văn hóa đặc trưng vùng miền, mà nếu mất đi rồi người ta khó có thể tìm thấy điều thay thế.

Sông quê mấy bận con nước lớn nước ròng, chiếc ghe với đôi mắt dẫn đường cứ thế mà đi, đi ngang dọc trên quê hương và đi suốt dặm dài năm tháng trong đời. Dòng nước mênh mông thì ghe xuồng lo gì không bến đợi, đời người mấy bận xa xứ, mỗi khi nhìn con nước, ghe xuồng ngược xuôi mà nhớ quê. Một đôi mắt dẫn đường trên sông, và có lẽ cũng là đôi mắt để đâu đó có người con xa xứ nhớ về một khoảng trời, một miền sông nước đã lâu ngày chưa trở lại… Và đôi mắt, để người ta mãi có cho mình một điểm tựa tinh thần, dẫu xuôi theo hướng nào, con nước về đâu thì đất quê mãi che chở phận người, sông quê êm dịu bến chờ bình yên.

Có thể bạn quan tâm