Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Mặt trận Dân tộc Giải phóng tỉnh Gia Lai: Đóng góp to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giữa những ngày tháng tư lịch sử, tôi tìm gặp ông Ngô Thành-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy để tìm hiểu thêm về hoàn cảnh ra đời cũng như những đóng góp to lớn của Mặt trận Dân tộc Giải phóng (DTGP) tỉnh Gia Lai đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thu non sông về một mối.

 

Sự kiện bước ngoặt

Lật giở từng trang ký ức, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Ngô Thành nhắc nhớ: Bước vào thời kỳ chống Mỹ, tỉnh Gia Lai đã chọn 134 cán bộ ở lại hoạt động cùng với 500 đảng viên cơ sở dưới sự chỉ đạo của Ban cán sự Đảng tỉnh. Giai đoạn 1956-1957, phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ, chủ yếu đòi các quyền dân sinh, dân chủ, chống địch cướp đất lập dinh điền, nhất là chống địch “tố cộng”... song đều bị kẻ thù khủng bố đẫm máu. Mãi đến năm 1959, khi tiếp nhận Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng về thành lập lực lượng vũ trang và phối hợp giữa đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị, chúng ta mới nhanh chóng khắc phục những lúng túng đang gặp phải và giành thắng lợi trong cuộc đồng khởi toàn tỉnh vào cuối năm 1960, giải phóng và giành quyền làm chủ hơn 1/2 đất đai, gần 1/2 dân số; hình thành khu trung tâm căn cứ của tỉnh ở Krong và một số căn cứ lõm ở các huyện.

Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khởi công xây dựng Bia di tích Mặt trận DTGP tỉnh tại làng Pơdrang (xã Krong, huyện Kbang). Ảnh: M.T



Từ nhu cầu thực tiễn của cách mạng, ngày 20-12-1960, Mặt trận DTGP miền Nam Việt Nam được thành lập. Tại Gia Lai, giữa năm 1961, Mặt trận DTGP tỉnh cũng ra đời tại khu căn cứ Krong do ông Đinh Túp làm Chủ tịch, ông Siu Bôm làm Phó Chủ tịch, ông Đoàn Lý là Ủy viên Thư ký, bà Hlơ là Ủy viên. Đây là một sự kiện mang tính bước ngoặt, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tập hợp các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo trong tỉnh vào cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Lần đầu tiên giữa khu căn cứ của tỉnh, lá cờ nửa đỏ nửa xanh với ngôi sao vàng của Mặt trận DTGP tung bay trong gió, tạo sự phấn khởi và củng cố thêm niềm tin vào ngày toàn thắng trong nhân dân khắp vùng. Sau ngày thành lập, Mặt trận DTGP tỉnh đã ra lời kêu gọi các tầng lớp nhân dân, sĩ quan, binh sĩ, công chức chính quyền Sài Gòn hưởng ứng Tuyên bố và Chương trình hành động 10 điểm của Mặt trận, cũng như đồng tình ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân địa phương.

“Để chào mừng ngày thành lập Mặt trận DTGP tỉnh, Ban cán sự Khu ủy Khu 45 (khi ấy tôi là Phó Bí thư) đã treo cờ Mặt trận trên cây đa trước quận lỵ Lệ Thanh. Vì cây khá cao và sum suê lá, cộng thêm cán cờ dài tới 8 m nên quân địch ở cơ quan quận gần đó không thể nhìn thấy. Mãi đến khi nhân dân ở xa thấy cờ của ta và hồ hởi kéo nhau đến xem thì địch mới phát hiện. Chúng loay hoay suốt cả buổi sáng vẫn không thể hạ được, đành dùng súng trung liên bắn gãy cán cờ, gây náo động một vùng”-ông Ngô Thành kể.

Cuối năm 1961 đầu năm 1962, các huyện trong tỉnh lần lượt thành lập tổ chức Mặt trận. Cùng với đó, các tổ chức chính trị của quần chúng cũng ra đời và tham gia vào Mặt trận như: Hội Thanh niên giải phóng, Hội Phụ nữ giải phóng, Hội Nông dân giải phóng. Các tổ chức này sau đó nhanh chóng phát triển đến tận thôn làng, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Tính đến năm 1964, ở cơ sở đã có 8 Ủy ban Mặt trận cấp huyện (trừ Khu 9) với 101 ủy viên, 62 ban tự quản xã và 573 ban tự quản thôn. Hệ thống tổ chức Mặt trận toàn tỉnh được củng cố, kể cả ở những vùng ta mới làm chủ. Đáng chú ý, hoạt động của Mặt trận các cấp đã có nhiều đóng góp cho phong trào trong tỉnh trên tất cả các mặt công tác như: vận động cứu đói, trồng mì, động viên đóng góp nuôi quân, tham gia quản lý vùng làm chủ, giữ gìn an ninh trật tự trong thôn xóm...

Góp phần thống nhất đất nước  

Từ khi ra đời, Mặt trận DTGP tỉnh đã đẩy mạnh phong trào đấu tranh chính trị; tích cực tham gia xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân hùng hậu, làm nòng cốt cho chiến tranh nhân dân để đánh bại hoàn toàn âm mưu của đế quốc Mỹ khi tiến hành chiến tranh đặc biệt (1961-1965), chiến tranh cục bộ (1965-1968) và Việt Nam hóa chiến tranh (1969-1973).

Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Ngô Thành là nhân chứng sống của lịch sử tỉnh nhà. Ảnh: Mộc Trà



Theo nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Ngô Thành, bước sang năm 1962, phong trào đấu tranh chính trị, quân sự của ta ngày càng phát triển, địch vì thế càng đối phó gay gắt và ác liệt hơn. Vì đặc thù là vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên Mặt trận đã ra sức tăng cường củng cố lực lượng, dựa vào quần chúng cơ bản, tranh thủ tầng lớp trên (trí thức, già làng, người uy tín...) và lôi kéo, hợp tác chặt chẽ các đảng phái, tôn giáo yêu nước để tạo thành một khối vững chắc. Hưởng ứng phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc giành dân” do Ủy ban Trung ương Mặt trận DTGP miền Nam phát động, Tỉnh ủy và Mặt trận DTGP tỉnh đã chủ trương phát động phong trào với phương châm đấu tranh “2 chân-3 mũi giáp công”; đồng thời xây dựng, bảo vệ vùng giải phóng và làm chủ, vận động nhân dân sản xuất, giải quyết nạn đói, đau, mù chữ cũng như đóng góp nhân-vật lực phục vụ kháng chiến.

“Năm 1965, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, sự góp sức của Mặt trận, phong trào cách mạng ở Gia Lai đã có những bước chuyển quan trọng. Chúng ta đã giải phóng gần như toàn bộ nông thôn, trong đó có 8 dinh điền, các dinh điền còn lại cũng bị phá vỡ. Nếu quân Mỹ không nhảy vào cuối năm 1965 thì chiến tranh ở miền Nam có khả năng sớm kết thúc. Khi ấy, Gia Lai là địa bàn chiến lược mà quân viễn chinh Mỹ đến sớm nhất khu vực Tây Nguyên. Chỉ trong vòng 1 năm sau khi đặt chân tới (từ tháng 8-1965 đến tháng 8-1966), lực lượng địch ở tỉnh ta đã có 46.400 tên với 38.000 quân Mỹ và chư hầu, cùng nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại. Trước sức mạnh của Mỹ, nhiều người không tin là ta sẽ chiến thắng”-ông Ngô Thành cho hay.

Cuối năm 1967, Hội nghị Mặt trận DTGP tỉnh tại căn cứ Krong đã bầu Anh hùng Núp-người có uy tín đặc biệt trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Nguyên làm Chủ tịch Mặt trận tỉnh. Ý thức cao lời dạy của Bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do, đại đoàn kết là sức mạnh để chiến thắng”, Đảng bộ và Mặt trận tỉnh đã phát động nhiều phong trào như toàn dân đánh Mỹ và quyết thắng Mỹ, bám đất bám dân-một tấc không đi một ly không rời, bám thắt lưng Mỹ mà đánh, tiếng hát át tiếng bom... và phối hợp với bộ đội chủ lực nhằm đánh bại các cuộc hành quân “tìm diệt” và “bình định” của địch. Qua 2 mùa khô 1966-1967, ta vẫn giữ vững vùng giải phóng và căn cứ địa cách mạng Krong; nhiều mục tiêu trong thị xã Pleiku và Quân đoàn 2 bị quân ta tấn công, tiêu diệt sinh lực địch và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh. Nhờ đó, lòng tin đánh thắng giặc Mỹ đã được nâng lên vững chắc, tạo sức mạnh thắng lợi cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của chúng.

Chưa dừng lại ở đó, đế quốc Mỹ tiếp tục triển khai chiến lược chiến tranh mới tàn bạo và thâm độc hơn, coi bình định, lấn chiếm không chỉ là biện pháp chủ yếu mà còn là mục đích của “Việt Nam hóa chiến tranh”. Thực hiện chủ trương của Đảng bộ tỉnh, thông qua các tổ chức thành viên, Mặt trận đã động viên đồng bào các dân tộc trong tỉnh khắc phục khó khăn, gian khổ, kiên quyết đấu tranh đánh bại chiến lược chiến tranh mới của địch, giành thắng lợi cuối cùng, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở nước ta. Tuy nhiên, sau đó, Mỹ-ngụy bất chấp dư luận triển khai kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” để giành lại những vùng ta giải phóng năm 1972 và các trục giao thông chiến lược. Mặt trận DTGP tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp đoàn, hội phất cao ngọn cờ tiến công cách mạng. Cùng với việc xây dựng thực lực cách mạng ở nông thôn và vùng giải phóng, ta còn chú trọng phát triển trong các ngành, giới, tôn giáo cũng như trong thị trấn, thị xã để giành thắng lợi khi có thời cơ.

Chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chọn Khu 8 (nay là thị xã An Khê) là trọng điểm để giải phóng trước. Thế nhưng, sau khi ta giành chiến thắng ở Buôn Ma Thuột ngày 10-3, địch chuẩn bị rút chạy khỏi Kon Tum và Pleiku nên tỉnh đã chuyển trọng điểm về Pleiku và chính thức tiếp quản thị xã vào trưa 17-3; các địa phương khác trong tỉnh sau đó cũng lần lượt được giải phóng. Trên nền đổ nát và nghi ngút khói bom, lá cờ của Mặt trận DTGP lại phấp phới tung bay trước cửa nhà dân, trước công sở, dọc đường phố và cả ngọn cây cao... trong niềm hân hoan vô hạn của đồng bào, cán bộ và chiến sĩ.

Chiến dịch Tây Nguyên thắng lợi đã tạo đà vững chắc để quân và dân ta tiếp tục toàn thắng Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30-4. “Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã kết thúc chặng đường 21 năm đánh Mỹ đầy hy sinh, gian khổ nhưng cũng rất vẻ vang của dân tộc ta. Đối với Gia Lai, đó được xem là thời kỳ Mặt trận DTGP tỉnh và các đoàn thể nhân dân phát triển đến đỉnh cao cả về tổ chức, sức mạnh và khả năng tập hợp quần chúng, góp phần làm nên chiến thắng chưa từng có trong lịch sử các dân tộc trên địa bàn. Chúng ta đã thực hiện đúng như lời Bác Hồ dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công” và cuối cùng đã thắng lợi”-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy nhận định.

 

 MỘC TRÀ


 

Có thể bạn quan tâm