Góc vườn nhỏ phía sau nhà có những bụi chuối lúc nào cũng xanh tốt. Giống chuối sứ trái nào trái nấy mập lù, chen chúc nhau. Buồng càng già, lại càng trĩu nặng, như nương mình vào mái nhà. Mẹ bạn nói, nhà nào cũng trồng vài khóm trong vườn, lá dùng để gói bánh các loại, còn chuối khi già cắt vô dành để cúng. Ăn không hết đem phơi, để được lâu mà ăn vừa dai, lại ngọt, bùi. Ngoài chuối, mùa mít chín cây cũng được đem phơi thật kỹ. Ấy là thức quà ăn chơi giản dị, cây nhà lá vườn.
Đặc sản khô cá ở miền Tây |
Từ trái chuối đến mớ cá, con tôm ở miền Tây, cái gì người ta cũng có thể làm khô. Thử kể ra có biết bao nhiêu loại khô cá, nghe thôi đã thấy thèm: khô cá lóc, cá sặc, cá dứa, cá kèo, cá tra, cá đuối, cá kèo, cá lòng tong, cá đù… Lại có cả khô rắn, khô nhái, khô lươn, khô ếch. Riêng tôm khô thì thôi đủ loại, đủ kích cỡ khác nhau. Cũng tùy khẩu vị mà các loại khô được chế biến khác nhau. Có loại khô một nắng ăn thịt vẫn mềm, vừa đủ độ dai. Các loại khô cá phơi kỹ hơn càng nhai càng bùi, lại bảo quản được lâu.
Các loại khô giống như “của để dành” trong nhà. Mỗi mùa nước về, nhà nào cũng có vài loại khô cá phơi trước vườn nhà. Thời chưa có tủ lạnh, tủ đông, cá tôm được mùa ăn không hết, phơi khô là cách dự trữ tốt nhất. Loại nhỏ dành để nấu canh, kho tiêu, kho tộ. Loại lớn hơn dành để làm khô. Các mẹ, các chị tay cứ thoăn thoắt xẻ thịt, cạo vảy, lọc xương, lột vỏ tôm… rồi xếp cứ đều tăm tắp. Ai muốn thêm vị, ướp cá với tỏi, ớt và gia vị để khi ăn càng thêm đượm. Phơi một nắng đã thấy se lại. Thêm vài nắng giòn là có thể đem bỏ vô đám hũ thủy tinh hay khạp, lu cất hoặc treo ngay ở chái bếp để không bị ẩm, mốc. Vậy nên, nhà nào cũng như được ướp hương các loại khô. Ngửi thôi đã ghiền, huống chi chế biến thành đủ món, hao cơm phải biết.
Khô cá có thể chiên, nướng, kho thơm hay làm các loại gỏi như gỏi xoài, gỏi sầu đâu, gỏi bông súng… Gỏi xoài tôm khô hay tôm khô giã nhuyễn nấu với trái mướp, trái bầu, mớ mùng tơi hoặc mớ rau cải trong vườn là thơm cả cái bếp sau nhà. Ngày rảnh rang, các loại khô cũng trở thành mồi nhậu lý tưởng, thêm vài trái xoài, trái cóc trong vườn, đâm thêm chén muối tiêu là câu chuyện không có hồi kết.
Khô cá, tôm nhiều thì đem đi bán hay biếu. Nhà nào có con lên phố đi học, đi làm, hành trang mang theo không bao giờ thiếu các loại khô này. Sau này, các loại khô còn theo chân người xa xứ đến khắp nơi. Khô cá được hút chân không, đóng gói cẩn thận trở thành đặc sản quê hương.
Cứ như thế, tuổi thơ của nhiều người sinh ra và lớn lên ở miền Tây vương mùi các loại khô. Nó không chỉ nuôi họ khôn lớn, trưởng thành. Nó còn là mùi của ký ức, vị của nhớ thương đi xa đến đâu vẫn thèm.