Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Vị Tết trong mỗi người

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tháng Chạp, cái lạnh kéo về miền cao nguyên. Từng cơn gió thổi vù qua da thịt. Mẹ ngồi hết nhìn bụi cây dong rồi lại dòm qua từng thúng gạo nếp, bảo năm nay chẳng biết người ta có còn mua bánh, mua rượu nhiều không.

Tôi khẽ cười, nói mẹ đừng lo. Tết mà! Ai cũng cần chút vị…

Tôi không bao giờ hiểu nổi, tại sao kỷ niệm lớn nhất, trở đi trở lại nhiều nhất trong trí nhớ tôi từ bấy lâu nay lại là hình ảnh của một bé con 11 tuổi, ngồi cong lưng thổi lửa bên bếp củi, tro muội bay đầy. Đó là buổi trưa có gió lạnh từng cơn, mẹ đi bán bánh, bán rượu chưa về mà tôi đã bắc nồi nếp mới.

Cái om om khói trong chái bếp ngày đó thi thoảng vẫn hằn cay khóe mắt, là khi tôi nếm vị Tết trong chiếc bánh chưng xanh mẹ gói, hít hà hương xuân trong nồi rượu nồng cha ủ. Có những kỷ niệm mãi mãi thành cổ tích vì niềm hạnh phúc trong ấy không trở lại vẹn nguyên như hình hài xưa cũ bao giờ.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Nhiều đêm, bất chợt tỉnh giấc bởi tiếng gió rít qua ô cửa, tôi nằm co mình trong lớp mền bông, ngó đồng hồ biết trời chưa rạng nhưng đã nghe tiếng lục đục dưới nhà. Mấy chục năm trôi qua, chiếc bếp củi mịt khói đã gác lại từ lâu.

Tuổi trẻ cùng tôi đi tới cũng là lúc tuổi già ập đến bên mẹ như hương chuối chín nhưng âm thanh xoong chảo, nồi nia vẫn còn khua nhẹ từ mờ sớm, đều đặn tháng ngày. Có lẽ trong căn nhà cha dựng bên đồi, đó là tiếng động gần gũi và thân thương nhất.

“Bộ nhớ” con người có hạn, tôi từng đợi đến khi một kỷ niệm nào đó mờ đi thì sẽ tìm cách quên mau. Nhưng có những hồi ức như vết in sau cùng của đời người, mãi mãi nằm lại trong tâm trí.

Tết gần kề, mẹ tôi lục đục nhiều hơn. Trời trở buốt nhiều hơn. Bánh trái, rượu chè phải rục rịch lo từ đầu tháng Chạp. Hôm nào cả nhà cũng luôn chân luôn tay cho đến mịt tối. Thế mà mẹ vẫn không bỏ buổi chợ nào. Từ dạo gió chướng, mẹ đâm lo vì cứ thấy nhức trong xương nhưng vẫn tự an ủi, bệnh già đấy thôi.

Tôi hiểu mùa xuân là cái cớ để con người đếm tuổi. Cuộc đời ngày càng thú vị mà ta cứ phải già đi. Đã có lần tôi nói với mẹ, hay nhà mình ngưng lại chuyện bánh rượu bán Tết để bố mẹ đỡ vất vả hơn. Chỉ cần mình đón Tết tối giản một chút, tiết kiệm một chút thì sẽ ổn thôi.

Nhưng mẹ bảo, nếu ai cũng vì ngại vất vả mà bỏ nghề thì đến ngày Tất niên tới đây, người ta lấy đâu bánh rượu để đơm cúng ông bà, để quây quần sum họp. Bây giờ, đâu phải gia đình nào cũng có thời gian để ngồi gói bánh, ủ rượu vui xuân.

Mẹ tôi vốn không phải là người “văn hay chữ tốt”, mới học hết lớp 7 đã bươn ra chợ đò gồng gồng gánh gánh. Nhưng với ý nghĩ ấy, mẹ làm tôi hổ thẹn. Nhớ những ngày cuối năm đi bán cùng mẹ, chạy khắp các con ngõ nhỏ hẹp trong thành phố để trao tay ai đó cặp bánh hay lít rượu, chỉ vậy mà tôi vui. Nghe lời khen bánh ngon, rượu ngọt thể nào cũng cười tít mắt.

Có lẽ mẹ tôi nói đúng, rượu đâu chỉ là rượu, bánh không đơn thuần là bánh. Đó hẳn là thứ gì đẹp đẽ hơn nhưng thật khó để bộc bạch bằng hết ý tình.

Không ít người đón xuân bằng câu cửa miệng: “Tết bây giờ nhạt quá”. Tôi ngại bàn chuyện đúng-sai vì mỗi người một trải nghiệm, mỗi người một ý nghĩ. Như cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng có lần thừa nhận, đại ý là con người ta càng lớn lên càng thấy Tết nhỏ lại; bởi mình coi Tết như một thủ tục để “cho xong” chứ không phải ngày hội để mong chờ. Phải chăng, Tết bị hững hờ một phần là do chúng ta đã “ăn” quá nhiều cái Tết?

Khi viết những điều này, chắc ông cũng hiểu một lẽ hiển nhiên rằng, Tết không nhạt, thậm chí ý nghĩa của ngày Tết vẫn tròn đầy nhưng cái đáng nói là tâm thế của người đón Tết. Như khi nấu một nồi canh cũng chừng ấy nguyên liệu, gia vị nhưng có ngon miệng và hợp khẩu vị hay không là do người nếm.

Có lẽ xuất thân từ gia đình nghèo khó, từng chứng kiến bố mẹ phải chật vật như thế nào để lo đủ cái Tết cho con nên tôi vẫn dành cho ngày Tết cổ truyền một nỗi mong chờ mà chính tôi không hiểu nổi.

Tết không chỉ vui bởi điều nhỏ nhặt mà còn đong đầy vì nhớ chuyện xa xưa. Tôi tin, rồi mỗi người sẽ nhận ra vị Tết trong từng góc nhỏ của nhà mình. Ở đó có khuôn mặt mẹ, vóc hình cha lẫn vào những ngày lục đục chuyện áo cơm.

Và dù có “ăn” bao nhiêu cái Tết đi nữa thì mỗi người trong chúng ta đều lẩy ra được những niềm vui nhỏ. Để thấy Tết không khác gì một niềm hạnh phúc. Mà niềm hạnh phúc, như ai đó từng nói, nhiều khi không phải là một món quà bất ngờ cầu được ước thấy mà nằm chính ở tay mình.

Có thể bạn quan tâm