Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Một chương hạnh phúc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bốn giờ chiều Chủ nhật, tôi vẫn ngồi trên sô-pha, ngả lưng vào thành ghế. Linh vẫn ở trong phòng ngủ, không biết nàng đang làm gì.

Có thể là xếp áo quần cho vào va li. Nhưng việc này hình như tối qua nàng đã làm rồi. Tôi ngửa mặt nhìn lên trần nhà, muốn chợp mắt một lúc để trời tối nhanh và buổi chiều thôi không diễu hành lê thê trên từng giây ý nghĩ.

Tôi không vào phòng ngủ vì không muốn khuấy động sự yên tĩnh của Linh, giờ đây, nói vài lời với nhau cũng thấy sượng trân rồi. Nhưng ngày mai thôi những chuyện này sẽ chấm dứt khi nàng chính thức chuyển đi.

Không gian này đã từng là mơ ước chung của hai con người. Không ai mơ cái mình đang có, người ta chỉ mơ cái mình chưa có hoặc là đã mất. Đời, chán gì cái để mơ. Vậy mà chúng tôi không còn gì nữa cả. Nói thế cũng chưa hẳn đã đúng. Chính xác thì tôi cũng có vài ước mơ lặt vặt, tôi nghĩ Linh cũng như tôi nhưng vấn đề nằm ở chỗ không cái lặt vặt nào trong mớ lặt vặt tầm thường của chúng tôi gặp gỡ nhau.

Bây giờ tôi chỉ nhớ cái không gian nơi mọi chuyện bắt đầu.

Thật ra tôi luôn nhớ về nó. Đã nhiều lần, trong giấc ngủ nhọc nhằn xa xứ tôi thấy mình rơi vào mộng mị, khi ấy thứ cảm giác êm đềm của những chiều Chủ nhật xưa, tôi là chàng sinh viên khoa văn, trở lại gần như vẹn nguyên trong giấc ngủ. Lúc tỉnh giấc và biết mình nằm mơ, lạ thay, cảm giác ấy còn rõ ràng hơn, cứ như tôi và Linh chưa bao giờ rời xa chỗ ngồi năm ấy.

Đó là quán cà phê cóc ngay sát đường tàu. Phòng trọ của Linh cách đó chừng trăm mét. Tôi ở ký túc xá còn Linh ở trọ với vài người bạn của nàng, những cô gái chăm chỉ và tằn tiện, họ chọn xóm đường tàu này bởi giá cho phòng trọ sinh viên khu này rẻ nhất.

Những chuyến tàu uỳnh uỵch chạy qua bất kể ngày hay đêm, bánh của chúng nghiến vào đường ray tạo ra thứ âm thanh mà không phải ai cũng chịu được. Có thế người ta mới hạ giá phòng xuống mức mà Linh bảo là “xứng đáng”. Chủ nhật nào tôi cũng ghé vào chơi mang theo chút tiền lẻ vừa đủ để gọi hai ly cà phê, số tiền tôi dành dụm nhờ nhịn ăn sáng những hôm không phải lên giảng đường.

Thỉnh thoảng chúng tôi cũng chở nhau đi đâu đó nhưng rất hiếm, hầu như tất cả buổi chiều có được đều ở góc quán quen bởi dì chủ quán là một người tai đã lãng lại rất rộng rãi với chúng tôi, muốn ngồi bao lâu cũng được, dì chẳng những không tỏ ý phàn nàn mà còn rót thêm nước hoặc đôi khi đưa cho Linh nắm hạt bí.

Đời sinh viên nghèo, khu đường tàu nghèo và những buổi chiều xình xịch ngắm đoàn tàu qua ngổn ngang người và hành lý luôn gợi cho chúng tôi cảm giác buồn man mác. Chúng tôi ngồi dưới gốc cây bàng, đến mùa, lá phủ màu tàn úa dưới chân.

Đôi lần, Linh nhặt một chiếc lá rồi viết cho tôi mấy câu thơ rất thâm trầm thương nhớ và rất chi triết lý của nàng. Tình yêu dường như là điều không thể diễn giải, càng nỗ lực bộc lộ nó ra thì chỉ càng thấy mình đang nói về những thứ râu ria bên ngoài chứ không bao giờ chạm tới chân cốt của tình yêu.

Tôi chỉ biết thời gian ấy chúng tôi có buồn nhưng là cái buồn của những kẻ yêu nhau, lạ nhỉ, nhưng mà thật, cái buồn trong niềm hạnh phúc đang chớm nở lần đầu tiên. Hai kẻ mộng mơ luôn thấy mình như đang ở giữa trang văn man mác dịu dàng của Thạch Lam. Lúc ấy, chúng tôi nghèo, nghèo thật nghèo, nghèo tiền bạc nhưng giàu có ước mơ, thậm chí đôi khi thấy mình xa xỉ.

Ra trường, quyết cùng nhau ở lại thành phố này và cùng nhau xây tổ ấm, chúng tôi vật lộn với vô vàn thứ trì níu ước mơ. Học văn ra thì làm cái gì? Nhiều lần người ta hỏi chúng tôi như thế. Không tiền bạc, không hộ khẩu thành phố, không người nâng đỡ và cũng không đủ đam mê hay mơ mộng để mà viết như là lẽ sống, chúng tôi chỉ có hai trái tim nồng nàn cho nhau. Và hai bàn tay trắng.

Cuối cùng, giấc mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ dẫn chúng tôi đến con đường xuất khẩu lao động. Cơn sốt ra nước ngoài làm việc đang rộ lên ở quê. Tôi về quê. Nàng về quê. Chúng tôi nhanh chóng có cho mình một tấm vé. Tôi đi Nhật. Nàng đi Hàn. Không có nhiều lựa chọn. Hành trang đi làm ăn xa của tôi và nàng là những khoản nợ và tờ giấy đăng ký kết hôn theo nguyện vọng của hai kẻ đang yêu.

Nó chỉ là một tờ giấy thôi nhưng khi ấy, với chúng tôi, nó là khế ước của trái tim. Tôi về nước trước nàng mấy năm, chúng tôi trả hết nợ nần và những gì còn lại sau năm tháng thanh xuân dài vật vã nơi xứ người là một ngôi nhà hai tầng khang trang cách trung tâm thành phố năm cây số.

Chuyện nghe có vẻ “đúng quy trình” nhưng sự thật là chúng tôi đã mất phương hướng. Tôi chán ngấy cảnh sống của công nhân nơi các khu công nghiệp nên có chết cũng không lao đầu vào. Vậy là tôi bắt đầu vài công việc, gọi là khởi nghiệp, và cứ loanh quanh trong cái chữ “khởi” trong khi tiền bạc, sức lực, niềm tin ngày một vơi đi.

Rõ ràng chúng tôi đã có căn nhà như mình muốn và rõ ràng là đã không thể biến nó thành tổ ấm dù tôi vẫn yêu người con gái năm ấy và nàng cũng luôn thừa nhận mình còn yêu chàng trai năm ấy.

Chuyện là thế đấy! Tôi thất vọng ngỡ ngàng vì nàng đã khác, không còn là cô sinh viên thuần phác khi xưa. Nàng thì liên tục phàn nàn rằng tôi đã thay đổi, nước Nhật đã làm con người anh thành ra thế này sao, nàng thường rú lên như thế. Khẩu vị, tính cách, nết ăn nết ở… cái gì cũng không còn như xưa.

Tôi đã không biết rằng hôn nhân không phải chỉ là trên tờ giấy. Nó là mỗi một ngày và từng ngày một, từng thứ một. Chúng tôi xung đột gần như trong mọi chuyện.

Nhiều lần nhìn lại, tôi thấy giữa chúng tôi chẳng còn lại gì chung ngoài một giấc mơ đã thành hiện thực và ký ức êm đềm nơi góc quán bên đường tàu năm ấy.

Những cuộc cãi vã ngày một nhiều thêm cho đến một hôm nàng buột miệng nói ra mong muốn giải thoát cho nhau. Tôi đồng ý và viết đơn ngay. Chẳng biết vì lòng tự trọng bị tổn thương hay vì chính tôi cũng muốn điều ấy.

Tôi vẫn nhớ những chiếc ghế tre trong quán cóc. Vào mùa đông chúng thường bị mốc chỉ có chỗ chúng tôi ngồi là lúc nào cũng sạch. Trong cơn chập chờn nửa mê nửa ngủ, tôi thấy lá bàng úa đỏ rụng xuống chân mình. Đáng ra tôi có thể cứ thế thiếp đi nhưng tiếng lạch cạch chợt dội tới khiến tôi bừng tỉnh.

Tôi mở mắt ra, thấy nàng ở đó. Nàng làm gì mà phát ra âm thanh ấy, tôi không rõ. Tôi đặt đầu xuống, vờ như không thấy gì để nàng được tự nhiên. Nàng lại soạn gì đó trong cái tủ ngay gần chỗ tôi. Tôi không biết những cặp đôi khác họ cư xử với nhau như thế nào sau khi đã ổn thỏa ly hôn, tôi thì không thể và cũng sẽ không bao giờ nói mấy câu đĩ miệng kiểu “từ nay mình làm bạn nhé”, tôi chỉ biết im lặng cho qua cái khoảnh khắc ngột ngạt này.

Xoảng. Rầm.

Âm thanh to làm tôi giật bắn lên. Nàng làm rớt mấy cái hộp và vài khung ảnh cũ. Tôi nhổm dậy, chồm tới nhưng không nói gì. Nàng thả một cái hộp xuống đất như là ném nó, rồi bật khóc, khóc một cách bất ngờ và khổ sở, tóc tai rũ rượi. Rồi nàng im bặt. Nàng đi vào bếp. Tôi nghe tiếng xả nước.

Lát sau, nàng đi ra, tóc cột gọn gàng. “Em chỉ còn một ngày cuối cùng ở thành phố này. Em sẽ không trở lại. Em muốn nhờ anh một việc. Dù gì thì em nghĩ mình cũng có tư cách nhờ. Ly hôn chứ đâu phải thù gì nhau, nhỉ?”. Tôi nhìn lên chờ đợi. “Nhờ anh chở em tới chỗ này một lát…”.

Nàng nói rồi ra lấy mũ bảo hiểm đứng chờ. Tôi đứng dậy, dắt xe, khóa cổng. Tôi chở nàng đi theo lời nàng chỉ. Tôi bắt đầu có linh cảm về nơi mà nàng muốn đến. Có lẽ cũng là nơi mà tôi muốn đến. Không, phải nói là trở về mới đúng. Chúng tôi đang trở về. Nhiều năm rồi nhưng cái quán cóc ấy vẫn còn, dì chủ quán thì tai đã lãng thêm. Dì đưa cho chúng tôi tờ menu để chọn, hồi này dì bán thêm nước ngọt và vài thứ khá hợp thời khác nữa.

Một cách tự động, tôi gọi hai ly cà phê. Tự nhiên tôi thấy nhớ mấy cái ghế tre khi xưa ghê gớm. Bây giờ chúng chẳng còn nữa, chỉ toàn ghế nhựa thôi. Gần mười năm, bao nhiêu đoàn tàu đã đi qua và bao nhiêu lá bàng đã rụng xuống. Nàng nhặt lên một chiếc, trầm ngâm chẳng nói gì.

Giờ đây, giây phút ngồi đối diện với nàng trong không gian này tôi mới thực sự nhận ra chúng tôi đều đã bước vào tuổi ba mươi. Tôi chẳng quên tuổi mình bao giờ nhưng có lẽ bây giờ mới bắt đầu chấp nhận sự thật.

Sự thật rằng tôi không thể kỳ vọng nàng vẫn là cô sinh viên khoa văn ngày ấy. Sự thật rằng con người ta không thể ôm một hình hài của hiện tại để sống với hình hài của quá khứ. Sự thật rằng những êm đềm đẹp đẽ đã qua nếu giữ mãi trong tim có khi sẽ trở thành bóng ma của hạnh phúc. Và sự thật là con người ta luôn phải lựa chọn, hoặc quá khứ hoặc hiện tại không có chiều không gian nào cho cả hai.

Đêm xuống dần, chúng tôi đứng dậy ra về. Tôi quay lại nhìn lần cuối. Một chiếc lá vừa rớt trên chỗ tôi ngồi. Tôi nhặt lên. Rồi thả xuống.

Một chương hạnh phúc vừa đi qua.

Theo LỆ HẰNG (baoquangnam.vn)

Có thể bạn quan tâm