Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Thương nhớ cỏ may

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Khi cơn gió heo may mang theo hương ổi, hương thị thơm lừng thì những bông hoa cỏ may cũng vươn mình chào đón mùa thu.

Là một loài cỏ dại, cỏ may có thể mọc và phát triển bất cứ nơi đâu, nhưng nhiều nhất vẫn là trên triền đê, ngoài đồng nội hay trên các sườn đồi. Thân cây cỏ may mọc lan, đan thành từng dải xanh trên khoảng rộng. Còn hoa lại mọc thẳng đứng hướng lên trời cao, trông hệt như cái chùy dài, màu tím than. Cái chùy tuy bé nhỏ nhưng lại mang vẻ rắn rỏi, vững vàng, vươn lên đầy kiêu hãnh.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Minh họa: HUYỀN TRANG

Thuở nhỏ, lon ton theo bà ra đồng, ngắt những bông cỏ may bó thành chùm nhỏ, tôi thắc mắc với bà tại sao loài cỏ này lại có tên là cỏ may? Bà cười hiền hậu giải thích rằng: Quả cỏ may khi già khô lại thường sẽ găm vào ống quần bất cứ ai đi ngang qua. Những quả bé nhỏ li ti có đầu nhọn đua nhau đâm vào vải giống như chiếc kim khâu. Dựa vào đặc điểm đó mà người ta gọi nó là cỏ may.

Lòng trẻ thơ thật hào hứng khi thấy lời giải thích của bà thật có lý. Tâm hồn thơ ngây của tôi khi ấy còn khéo tưởng tượng loài cây này cũng có tâm hồn và cảm xúc như con người. Có khi nào, vì ở nơi cánh đồng xa xôi heo hắt nên chỉ cần có người đi qua là muôn bông hoa xô nhau lại níu lấy chân người. Và khi người không thể ở lâu thì chúng bám lấy bám để vào gấu quần để được theo về.

Sau này lớn lên đi học, đọc thêm sách, tôi mới biết đó là cách phát tán của cỏ may. Nếu bồ công anh hay hạt hoa sữa nương theo cánh gió mà bay thì hạt hoa cỏ may chọn cách bám lấy chân người. Chúng cũng muốn giống loài của mình được vươn xa khắp nơi chứ không phải quanh năm chỉ quẩn quanh nơi đồng nội. Tôi nhận thấy ở cỏ may có vẻ đẹp của sự khát khao và lòng dũng cảm, dám bứt phá để thay đổi và phát triển.

Tuổi thơ chân trần, men theo bờ rào hái quả dại, có ai không một lần đau bụng vì giun quấy. Khi ấy, mẹ lấy rễ cỏ may sao vàng hạ thổ, nấu với nước rồi cho uống. Vài ngày sau thì khỏi hẳn. Tôi rất ngạc nhiên vì tưởng đất trời sinh ra cỏ may chỉ là loài mọc dại, không có tác dụng gì. Tôi còn bất ngờ hơn khi mẹ cho biết, cỏ may còn giúp con người chữa các bệnh về gan, về đường tiêu hóa hay bệnh vàng da… Những bài thuốc dân gian ấy thật là hay. Đúng như sự khiêm nhường vốn có, cỏ may lặng lẽ cống hiến cho cuộc đời mà không cần ai hay.

Hoa cỏ may tự mọc, tự lớn, tự tồn tại một cách khiêm nhường. Vậy mà lạ, không sắc nhưng cỏ may không hề nhạt nhòa, không hương nhưng lại vấn vít mùi thơm tho tuổi thơ của bao nhiêu con người sinh ra và lớn lên từ làng.

Làm sao quên được những chiều quê cùng bạn bè nô đùa trên triền đê. Khi đàn trâu thung thăng gặm cỏ thì chúng tôi mải chạy theo cánh diều trên bầu trời cao. Chả đứa nào để ý, dưới chân đám cỏ may tranh thủ găm dày gấu quần. Chơi chán, chúng tôi lại ngồi duỗi chân ra cùng gỡ cỏ may cho nhau trong tiếng cười giòn tan hòa theo những cơn gió dài.

Thời gian trôi qua. Hôm nay, khi đọc lại những câu thơ của nữ sĩ Xuân Quỳnh “Khắp nẻo dâng đầy hoa cỏ may/Áo em sơ ý cỏ găm dày/Lời yêu mỏng mảnh như màu khói/Ai biết lòng anh có đổi thay?”, lòng tôi bỗng xao xuyến, bâng khuâng. Và, hoa cỏ may của mùa thu ấy biết tôi với những rung động đầu đời của tuổi mới lớn.

Chiều nay, khi lang thang trên quảng trường thị xã, giữa một đám cỏ xanh mọc lên mấy bông cỏ may tim tím. Giữa bộn bề phố xá hối hả, còi xe cùng tiếng nhạc xung quanh râm ran, sắc tím ấy vẫn bình dị, vẫn hồn nhiên khiến tôi man mác nhớ về ngày thơ ấu.

Có thể bạn quan tâm