Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Áo mới mùa thu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Hình như không ai trong chúng ta có thể sống mà thiếu vắng một hồi ức, nhất là hồi ức đẹp.

Khi tháng 9 cận kề cho mưa bớt ngút ngàn trên phố, chẳng ai nhắc ai, cứ nhủ thầm trong dạ những hình dung xa vắng về tuổi ấu thơ trước ngày tựu trường xôn xao bút vở. Như thể chỉ có điều ấy là thứ ánh sáng xuyên thấu được miền biên của thời gian.

Minh họa: HUYỀN TRANG
Minh họa: HUYỀN TRANG

Tôi không biết ai (và tự bao giờ) đã khoác cho tháng 9 cái màu vàng lóng lánh xưa nay. Và lẽ nào tháng 9 cũng tình cờ được chọn để vang dậy tiếng trống trường sau một mùa hè “khắc nỗi nhớ lên cây”.

Nhưng đúng thật là, thời điểm này rất hữu duyên cho một sự khởi đầu mạnh mẽ. Nắng đã ửng trên từng áng lá. Những buổi sáng dần quang đãng, dẫu ban chiều đôi khi vẫn còn vương vít vài cơn mưa già hạt. Những rã mục lá cành đã gửi về tận cuối mùa đông. Tháng ngày cứ chín dần như quả. Không khí này, ai yêu văn chương có khi lại muốn trở thành một đứa trẻ biết làm thơ, hoặc ngẫu hứng ngâm nga: “Cô dạy em tập viết/Gió đưa thoảng hương nhài/Nắng ghé vào cửa lớp/Xem chúng em học bài”.

Thế mà, giữa mùa thu vàng mơ ấy, chợt một lần tôi thèm nhớ màu áo trắng xa xưa. Thời tiểu học, tôi học ở một điểm trường được xây cất ngay trong thôn xóm. Nhà có ba chị em gái đều đang tuổi đến trường, thế nên mẹ phải phụ cha gồng gánh bằng những chuyến xe rong ruổi bán hàng vào tận làng xa, những ngôi làng sát kề chân núi. Năm bảy đồng lời không thấm vào đâu, cơm áo co kéo luôn luôn nên làm gì có chuyện mùa khai trường nào cũng được may áo mới.

Tôi nhớ, mỗi năm mẹ gần như chỉ đủ tiền một lần may áo cho con. Gần Tết, mấy chị em tôi lại háo hức chờ bộ quần xanh áo trắng. Là quần xanh áo trắng mặc vui Tết chứ không phải áo phông, quần kiểu đủ sắc đủ màu. Mẹ không nói ra nhưng tôi biết, may như thế cốt là để tiện mặc luôn trong những ngày đi học. Thành thử, mùa xuân hay mùa thu cũng đều mang trên mình áo trắng.

Áo chị chật thì dành lại cho em. Cứ thế, cứ thế, cho đến tận ngày tôi hóa cô nữ sinh tha thướt một tà áo dài vào lớp phổ thông. Và kể từ đó, mẹ cũng làm lụng nhiều hơn.

Hẳn phải có người sống với rất ít dự tính cho tương lai nhưng lại sống quá nhiều với những hoài niệm, như tôi. Cũng đúng thôi, sao lại không nhớ nhung cho được những gì đã làm nên hình vóc chúng ta hiện tại. Dù mỗi mùa đi nên là một mùa thay đổi. Mấy tấm áo trắng của tuổi thơ nghèo khó, tôi không còn giữ được chiếc nào. Có thể chúng đã sờn rách, đã lẫn vào đâu đó của tháng năm.

Những đường may trên áo đã sứt chỉ và bị mắc lại giữa một mùa thu cũ. Nhưng nếp áo đã thành một nếp tâm tư, một nếp riêng mang trong nguồn vui ký ức. Tôi nhớ về màu áo cũ xưa cũng là nghĩ về những bình minh xanh biếc mà mẹ đã gửi gắm cho chúng tôi cái ngày dắt đi may áo.

Tôi tự hỏi trong khúc luân vũ đời mình, khi đến một quãng xa nào đó, có phải chỉ có kỷ niệm mới là thứ gia tài đáng để ta gìn giữ. Bởi tôi tin, bên kỷ niệm chúng ta sẽ không bao giờ bị quên lãng. Còn ít hôm nữa là đến ngày hội khai trường, những đứa trẻ bây giờ chắc đã nhiều áo mới.

Ở cái thời mà con người dễ dàng được ăn mặc đủ đầy và đúng cách hơn, chợt nhiên tôi càng nhớ dáng áo xưa quá đỗi.

Một ngày đầu tháng 9, trong buổi sáng đặc biệt nhất của năm học mới, tôi sẽ trở dậy thật sớm để ướm lên mình bộ áo dài đã ủi sẵn từ đêm hôm trước. Những ô cửa trời xanh đang chờ, bao trò nhỏ tíu tít nói cười khoe áo mới đang chờ, cả hàng cây trên sân trường lạo xạo tiếng reo của gió và bài giảng nào đã ấp ủ tự lâu. Tất cả sẽ đón tôi vào một mùa thu mới.

Khi ngồi viết những dòng này trong ngôi nhà nhỏ mà thênh thang ký ức, tôi nghĩ đến những câu thơ đầy thương mến trong bài “Áo cũ” của nhà thơ Lưu Quang Vũ. “Hãy biết thương lấy những manh áo cũ/Để càng thương lấy mẹ của ta/Hãy biết thương những gì đã cùng ta sống/Những gì trong năm tháng trôi qua”.

Đúng là có những tấm áo đã theo ta “qua mùa qua tháng”, để trong những rực rỡ lạ kỳ của đời sống mới, ta vẫn không nguôi niềm nhớ. Tháng 9 sẽ trong sáng hiền hòa như một tấm gương nhỏ sau mưa, rọi bừng không gian núi đồi thanh vắng. Tôi thường không dám hy vọng điều gì quá tốt lành sẽ đến nhưng cứ hẹn vậy để đời mình còn có một niềm mong…

Có thể bạn quan tâm