Khi đi ngang qua khuôn viên Trường THPT chuyên Hùng Vương trong dịp tựu trường, nhìn đám lá vàng trải ngập lối đi dưới những tàng cây cổ thụ, tôi bất chợt liên tưởng đến mùa thu nơi nước Nga xinh đẹp với bức họa nổi tiếng “Mùa thu vàng” của họa sĩ tài ba Levitan và đặc biệt là bài thơ đã đi vào lòng người của Olga Berggoltz.
Một đoạn đường Lê Duẩn (TP. Pleiku) với thảm lá rụng vàng đẹp mắt. Ảnh: Nguyễn Thị Diễm |
Mùa thu ở xứ sở nhiệt đới như nước Việt chúng ta, sự chuyển đổi của thiên nhiên không rõ ràng, đặc tả như ở trời Âu. Nhưng sắc thái của mùa thu cũng đủ để làm xao động lòng người, ghi dấu ấn vào thi ca, nhạc họa từ xưa đến nay. Đối với tôi, đó là mùa đẹp đẽ nhất, đánh thức mọi nơron thần kinh tinh tế và nhạy cảm nhất của bao tâm hồn nghệ sĩ.
Không ai không nhớ đến 3 bài thơ viết về mùa thu của thi hào Nguyễn Khuyến đó là: Thu ẩm, Thu vịnh và Thu điếu. Ở đó, hình ảnh bầu trời thu trên quê hương đất Bắc hiện lên khá điển hình: “Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt/Ngõ trúc quanh co khách vắng teo” (Thu điếu); “Da trời ai nhuộm mà xanh ngắt/Mắt lão không vầy cũng đỏ hoe” (Thu ẩm); “Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao/Cần trúc lơ phơ, gió hắt hiu” (Thu vịnh).
Đặc điểm của xứ sở rừng bạch dương thì mùa thu không chỉ có trời xanh mà là mùa của thiên nhiên được nhuộm vàng bởi rừng lá chuyển màu và rơi rụng, cho đến khi lập đông thì chỉ còn những cành trơ xương của cây sồi, cây phong… Vào mùa thu ở Matxcơva (Nga), người ta treo những tấm biển ở các con đường với dòng chữ “Coi chừng lá rụng!” để nhắc nhở người đi đường cẩn thận kẻo trượt chân khi giẫm lên xác lá vàng.
Nhưng ở bài thơ “Mùa lá rụng” của Olga Berggoltz thì mang tâm trạng cô đơn của một trái tim bị tổn thương trong cuộc tình đầy lãng mạn. Khung cảnh mùa thu nước Nga đã gợi lên những cảm xúc chia lìa như những chiếc lá vàng kia rơi rụng và mãi cô độc trong đời: “Những đàn sếu bay qua. Sương mù và khói tỏa/Matxcơva lại đã thu rồi!(...)/Ôi trái tim. Trái tim một mình tôi/Đập hồi hộp giữa phố hè xa lạ/(…)/Ở đây tôi cần ai khi xuôi ngược một mình?/Tôi có thể yêu ai? Ai làm tôi vui sướng?/“Tránh đừng đụng vào cây, mùa lá rụng”/Nhắc suốt đường cũng chỉ bấy nhiêu thôi!”…
Với Olga, dù tình yêu tan vỡ, nỗi cô đơn thấm đẫm trong chiều mưa thu giá lạnh nhưng không làm người ta tuyệt vọng, vấp ngã mà vẫn vững vàng gượng dậy sau cơn đau: “Anh hãy cố vui lên dù con đường hai ngả/Tìm hạnh phúc bình yên trong ấm áp cơn mưa!”. Bản chuyển ngữ của Bằng Việt như một phóng tác đầy tinh tế nhưng cũng diễn tả đầy đủ cốt lõi tuyệt tác của thi nhân Olga Berggoltz.
Mùa thu không những để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn của các văn hào Nga mà còn gieo vào tâm hồn lãng mạn của bao người Việt trong những năm tháng sống và học tập ở Nga: “Nước Nga ơi! Sau những gì còn lại/Là mùa thu/Và chiếc lá vàng thu…/Không là kẻ mộng du/Tôi cứ tin như thế/Còn mùa thu vẫn còn nước Nga vàng”(Nguyễn Trọng Tạo).
Tây Nguyên chỉ với 2 mùa mưa nắng, nhưng không gian thu của đất trời và lòng người cũng đủ làm bao tâm hồn khát khao với nhiều cung bậc cảm xúc trong không khí nhộn nhịp của mùa thu cách mạng, của mùa tựu trường, của Tết Trung thu…
Thời điểm giao mùa từ mùa mưa sang mùa khô của cao nguyên đầy nắng gió, bầu trời cao hơn và xanh hơn, buổi sáng có chút sương mờ và lành lạnh đủ để cho mạch cảm xúc dâng trào: “Chút sương sa và cơn gió của đại ngàn/Đủ cho những chiếc lá cuối mùa rơi rụng/Vàng lên chút nắng cho dã quỳ đâm nụ/Những ngọn đồi thắm lại giấc mơ xanh/Ngời ngợi người đi giữa bạt ngàn lau lách/Vòng tay tròn mộng mị giữa đêm xoang” (Giao mùa, Hoàng Linh Việt).