Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Mùa hoa đỏ Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Pơ lang hoa đốt lên những đốm lửa/Buôn làng ơi thức dậy giữa bình minh/Hoa của đất mọc từ mùa thương nhớ/Hoa tình yêu mang thông điệp lên trời/Chim chơ rao tháng ba về tìm bạn/Khúc ca mùa bừng cháy giữa trời xanh”.

Những câu thơ đặc tả một loài hoa đỏ của Tây Nguyên thường được gọi bằng cái tên mỹ miều là pơ lang hay mộc miên. Tôi không còn nhớ tên tác giả của những dòng thơ ấy, nhưng lại rất nhớ đến những buôn làng mình đã đi qua trong tháng ba Tây Nguyên như buôn Ju, buôn Mlah, làng Kon K’Tu… Nơi ấy, những cây hoa gạo đứng thẳng mình lặng im trong gió sau khi trút lớp lá xanh cho mùa đông đi qua và giờ đây chỉ để lại những bông hoa đỏ như những vì sao sáng, khoe sức sống mới.

Cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên xem pơ lang là cây thiêng, là linh hồn của làng buôn mình. Ngoài hình ảnh ngọn núi, con sông, con suối thì tâm hồn của bao chàng trai, cô gái khi đi xa luôn nhớ đến mùa hoa đỏ như ngọn lửa cao nguyên ấy. Đó là loài hoa đẹp, cứng cáp và tượng trưng cho lòng thủy chung.

Nhạc sĩ Đức Minh trong những năm đầu chống Mỹ đã sáng tác bài ca nổi tiếng “Em là hoa Pơ lang” được ca sĩ Rơ Chăm Pheng thể hiện lúc bấy giờ khiến bao trái tim thổn thức luôn hướng về Tây Nguyên yêu quý: “Tây Nguyên ơi! Hoa rừng bao nhiêu thứ/Cánh hoa nào đẹp nhất rừng/Tây Nguyên ơi! Anh có nhớ buôn làng/Nhớ người con gái/Nhớ cánh hoa pơ lang/Đẹp nhất rừng Tây Nguyên…”.

Minh họa: Huyền Trang

Minh họa: Huyền Trang

Nhà báo, nhà thơ Đặng Bá Tiến ở Đak Lak có nhắc đến một truyền thuyết mà chính ông Ama Kông-người săn voi rừng nổi tiếng, khi còn tại thế đã kể câu chuyện về loài hoa đẹp nhất Tây Nguyên này.

Đây là mối tình đẹp của chàng trai và cô gái của buôn làng Tây Nguyên. Chàng trai trong lúc thay dân làng lên trời để hỏi chuyện mưa nắng thất thường khiến dân làng khốn khổ thì được giữ lại để giúp việc cho thần Sấm. Cô gái ngày ngày ngóng trông chàng trai mãi chẳng trở về.

Vì cảm thương mối tình thủy chung, Yàng đã thực hiện ước nguyện của cô gái, biến cây nêu ấy thành cây pơ lang bám rễ sâu vào lòng đất và dải băng đỏ trên cánh tay nàng thành loài hoa đẹp để chàng trai có thể nhận ra nàng.

Cuối tháng ba, đầu tháng tư hàng năm, Tây Nguyên bắt đầu chuyển mùa với những tiếng sấm báo hiệu cho cơn mưa đầu mùa. Và, người dân cũng bắt đầu cho chu kỳ gieo hạt mới, mùa phát rẫy làm nương: “Tháng ba, mùa con ong đi lấy mật/Mùa con voi xuống sông hút nước/Mùa em đi phát rẫy làm nương/Anh vào rừng đặt bẫy cài chông…” (Tháng ba Tây Nguyên-nhạc sĩ Văn Thắng, thơ Thân Như Thơ).

Bên cạnh đó, trong các lễ hội lớn của các dân tộc ở buôn làng, người ta thường trồng một nhánh cây pơ lang bên cạnh cây nêu, khi đến lúc hạ nêu, người làng đem nhánh pơ lang này trồng ở bìa làng. Và các thành viên cộng đồng tin rằng, khi nhánh pơ lang đâm chồi nảy lộc, lớn lên như thổi thì buôn làng sẽ phát triển, mưa thuận gió hòa, lúa bắp chật kho, heo gà đầy sân, người người ấm no, hạnh phúc…

Như vậy, câu chuyện tình nói trên gắn với tập tục văn hóa của cư dân trong mùa tháng ba tươi đẹp, có hoa pơ lang đỏ rực giữa góc trời đại ngàn hùng vĩ, cũng là mùa của tình yêu đôi lứa chớm nở như đóa hoa kia đang khoe sắc thắm khắp núi đồi.

Có thể bạn quan tâm