Phóng sự - Ký sự

Nghề... chạy theo tết: Chuối cúng, ai bán ai mua?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ngày thường, nải chuối có giá vài chục ngàn đồng, nhưng ngày tết có nải giá tăng đến vài trăm ngàn đồng, thậm chí cả triệu đồng, nên sinh ra nghề buôn chuối cúng. Nghề chỉ có “tuổi thọ” nửa tháng trong mỗi năm, vào những ngày cận tết.

“Thủ phủ” chuối cúng miền Trung

Ở miền Trung, không nơi đâu có diện tích trồng chuối “khủng” như 7 xã vùng Lìa ở H.Hướng Hóa, phía tây Quảng Trị. Trồng ở Việt Nam chưa đủ, các chủ rẫy thậm chí còn thuê đất ở nước bạn Lào (khu vực giáp biên) để canh tác.

Trong một lần trò chuyện với PV Thanh Niên, Chủ tịch UBND H.Hướng Hóa Đặng Trọng Vân khoe toàn huyện có tới 4.000 ha chuối mật mốc, trồng tập trung tại các xã như Tân Long, Thuận, Hướng Lộc, Tân Thành...

Ngã ba Tân Long (H.Hướng Hóa, Quảng Trị), “thủ phủ” chuối cúng của miền Trung. Ảnh: Thanh Lộc

Ngã ba Tân Long (H.Hướng Hóa, Quảng Trị), “thủ phủ” chuối cúng của miền Trung. Ảnh: Thanh Lộc

“Lâu nay, sản phẩm chuối mật mốc ở huyện này chủ yếu xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, Thái Lan và một phần nhỏ tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng, giá chuối mật mốc vì thế giảm xuống đáng kể”, ông Vân nói.

Trung Quốc vừa mở cửa biên giới, “thủ phủ chuối cúng” miền Trung như sống dậy. Những ngày cuối tháng chạp, ngã ba Tân Long trở thành “trọng địa” của chuối. Nơi đây, tập trung hàng trăm người dân ở các xã trồng chuối hoặc gồng gánh hoặc dùng xe máy vận chuyển chuối mật mốc đến ngã ba ngay bên QL9 để bày bán. Các đoàn xe tải cũng chờ sẵn, sau khi “thuận bán vừa mua” thì mọi người bốc chuối lên xe tỏa đi khắp nơi cho kịp tết.

Nơi đây còn thấy bóng dáng những người dân tộc bản địa, trong nhiều vai trò, từ vận chuyển đến bưng vác. Họ cũng sống nhờ vào cái chợ chuối chỉ họp mỗi năm đúng 1 lần này. “Chợ” chuối tết ở đây bắt đầu từ 3 - 4 giờ sáng và kết thúc khi trời tối với hàng ngàn người mua kẻ bán. Vì là chợ “đầu mối” của chuối nên không bán nải mà bán theo buồng. “Hai năm rồi mới thấy chợ chuối trở lại nhộn nhịp như năm nay. Người bán kẻ mua nhiều vô kể và giá cả cũng rất ổn”, bà Lê Thị Phương, một người đi bán chuối ở xã Tân Long, nói.

Người dân địa phương chuyển chuối ra ngã ba Tân Long để bày bán. Ảnh: Thanh Lộc

Người dân địa phương chuyển chuối ra ngã ba Tân Long để bày bán. Ảnh: Thanh Lộc

Hôm 21 tháng chạp, anh Hoàng Trọng Quang (43 tuổi, trú xã Thuận, H.Hướng Hóa) chặt 5 buồng chuối đẹp và vận chuyển ra đây từ sớm. Anh muốn “đón đầu” ngày cúng tiễn ông Táo 23 tháng chạp. “Mấy buồng này thuộc loại “cao cấp” của vườn. Mỗi buồng chỉ có chừng chục nải như thế. Trái rất tròn và đều. Nên nếu dưới 800.000 đồng mỗi buồng là tôi không bán đâu”, anh nói chắc nịch.

Ông Võ Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Tân Long, cho biết giá chuối hiện đang rất ổn, từ vài trăm ngàn đến 2 triệu đồng/buồng chuối mật mốc. “Lượng chuối đổ về ngã ba Tân Long lớn nhưng đều được bán sạch trong ngày. Và theo lẽ thường thì chuối thậm chí sẽ còn tăng giá bắt đầu từ sau ngày 24 tháng chạp, khi nhu cầu về chuối cúng tăng đột biến”, ông Cương kỳ vọng.

Còn tết, còn nghề buôn chuối cúng

Với mức giá ngất ngưởng, một nải chuối bằng tạ thóc, là điều khó chấp nhận đối với người nghèo. Nhưng với gia đình có điều kiện, họ sẵn sàng chi tiền để có những nải chuối ưng ý trên bàn thờ gia tiên.

Các bà nội trợ cũng hay truyền tai nhau về “tiêu chuẩn” của nải chuối cúng đẹp. Ấy phải là nải chuối quả to, dài, xòe trông giống như bàn tay Phật, hàm ý là che chở con cháu, phù hộ độ trì cho gia đình. Càng nên chọn nải chuối có số quả lẻ (dương) tượng trưng cho sự sinh sôi, may mắn chứ không chọn nải có số quả chẵn (âm). Nào là chuối phải xanh, không được nhỏ, 2 quả chuối trong 1 nải chuối không được dính vào nhau và mắc các “dị tật” khác… Bởi “tiêu chuẩn” ấy nên càng cận tết, nhất là ngày 29 - 30 tháng chạp, nải chuối đẹp sẽ có giá tăng vọt, ít nhất cũng 200.000 - 300.000 đồng/nải, hoặc nhích lên 500.000 đồng, thậm chí 1 triệu đồng hoặc hơn.

Đối với nhiều người quê miền Trung, nếu chưa mua được nải chuối đẹp nghĩa là chưa sắm tết. Ảnh: Nguyễn Phúc

Đối với nhiều người quê miền Trung, nếu chưa mua được nải chuối đẹp nghĩa là chưa sắm tết. Ảnh: Nguyễn Phúc

Chợ chuối cúng ngày cuối năm ở ngã ba Tân Long. Ảnh: Thanh Lộc

Chợ chuối cúng ngày cuối năm ở ngã ba Tân Long. Ảnh: Thanh Lộc

Thế nên, từ lâu, dù là vật phẩm không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên, nhưng chuối cúng cũng sinh ra không ít chuyện nghĩ ngợi…

Còn nhớ vào dịp Tết Nhâm Dần năm ngoái, đang cao điểm Covid-19, chuối Tân Long không “bán sỉ” được, nhưng có người bạn đồng nghiệp của tôi đã bất ngờ chứng kiến 2 buồng chuối đẹp được tiểu thương Tân Long hét giá 7 triệu đồng, không bớt. Mới hay, với nhiều người, nải chuối ngày tết trở thành món hàng quý giá để các bà nội trợ khoe với nhau: “Tết này, mua được buồng chuối đẹp”.

Tôi cũng nghe mẹ và sau này nghe từ vợ những câu than phiền mỗi lần đi chợ tết về: “Chuối năm nay đắt quá!”. Khổ nỗi, với họ, dù có sắm sanh đủ thứ mà thiếu buồng chuối cúng đẹp vẫn như… chưa sắm tết.

Với nhiều người miền Trung, nải chuối trên bàn thờ gia tiên quan trọng lắm. Đi chợ tết, dù miệng vẫn chê đắt nhưng họ vẫn móc hầu bao để mua những nải chuối đẹp. Từ đó, trên đời có thêm nghề buôn chuối cúng. Chỉ cần qua rằm tháng giêng, khi giá chuối cúng thôi “nhảy múa”, nghề này cũng ngưng. Vậy nên, nghề buôn chuối cúng hãy còn sống được, thậm chí sống tốt qua những mùa tết.

Có thể bạn quan tâm