Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Nghệ sĩ của buôn làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cùng có điểm chung là đam mê âm nhạc, nhiều thanh niên xã Ia Ma Rơn (huyện Ia Pa) đã tự tìm tòi, học hỏi để mang tiếng đàn, tiếng trống phục vụ khán giả. Dù không chuyên nhưng năng khiếu, phong cách biểu diễn của các anh trên sân khấu không hề thua kém những nhạc công chuyên nghiệp.
Anh Siu Brel (SN 1979, thôn Ma Rin 3) mê đàn guitar từ nhỏ. Nhiệt tình trong các hoạt động của Đoàn xã, đặc biệt là phong trào văn nghệ, anh luôn được đoàn viên, thanh niên tín nhiệm. Năm 2006, anh được bầu làm Bí thư chi đoàn thôn Ma Rin 3. Năm 2009, anh là Phó Bí thư Đoàn xã và năm 2016 đảm nhiệm vai trò Bí thư. Từ năm 2019 đến nay, anh được bầu làm Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã. Anh chia sẻ: Từ nhỏ, anh đã có thể ngồi nghe người khác chơi đàn hàng giờ mà không biết chán. Nhưng ngày ấy, hoàn cảnh gia đình khó khăn, ăn còn không đủ thì tiền đâu mà mua đàn, học đàn. Anh bèn xin những cây đàn cũ, đứt dây về sửa lại, lấy dây thắng xe đạp làm thành dây đàn rồi tự mày mò tập đánh cho thỏa đam mê. Chỉ quen cầm cày, cầm cuốc nên những ngày đầu tập đàn, tay anh sưng tấy lên, đau nhức. Nhưng chỉ sau hơn 1 tháng kiên trì, anh đã có thể chơi được nhạc cụ này.  
Anh Siu Brel (thôn Ma Rin 3) say sưa bên cây đàn guitar. Ảnh: V.C
Năm 2008, nhờ một người bạn giới thiệu, anh bắt đầu chơi nhạc phục vụ đám cưới. Dành dụm tiền thù lao, năm 2010, anh Brel tự mua cho mình cây đàn mới với giá 6 triệu đồng. Vào mùa cưới, trung bình mỗi tháng anh tham gia khoảng 20 sô, thù lao 400.000 đồng/sô. “Cái khó của những nhạc công như mình là phải nhạy bén và linh hoạt bởi đa phần ca sĩ trên sân khấu đám cưới đều không chuyên. Nhạc công đánh nhạc theo người hát chứ không chờ người hát theo nhạc. Vì vậy, phải luôn “theo sát” người hát để tránh lạc nhịp, phách, tông”-anh tâm sự.
Cũng đam mê âm nhạc từ nhỏ nhưng anh Siu Thương (SN 1993, thôn Ma Rin 3) chọn cho mình nhạc cụ là trống. Trước đây, điều kiện gia đình khó khăn, mạng xã hội cũng chưa phát triển nên anh chủ yếu học hỏi từ bạn bè rồi tự mình mày mò thêm. Năm 2015, anh dành dụm mua được bộ trống trị giá hơn 20 triệu đồng và bắt đầu nhận sô đám cưới để biểu diễn. Không quản đường sá xa xôi, anh nhận biểu diễn khắp nơi, từ  Ia Pa, Phú Thiện, Ayun Pa, Krông Pa đến Kông Chro, Chư Sê. Ngoài trống, anh Thương còn biết chơi nhiều nhạc cụ khác như guitar, violon, sáo.
Nhóm nhạc công không chuyên tại xã Ia Ma Rơn chuẩn bị lên sân khấu. Ảnh: V.C
Mặc dù gia đình không ai đam mê âm nhạc nhưng anh Siu Tứ (thôn Ma Rin 3) có năng khiếu từ nhỏ. Không qua trường lớp đào tạo nào nhưng anh biết chơi cả đàn organ lẫn guitar. Theo anh Tứ, điều quan trọng nhất của một nhạc công là phải tập luyện thường xuyên. Với những người lao động như anh, do phải làm việc nặng thường xuyên nên cổ tay dễ bị cứng, bàn tay chai sần, khi chơi nhạc nếu không thuần thục, khéo léo thì âm thanh sẽ không được mềm mại, uyển chuyển. Gần 1 tháng qua, các dịch vụ đám cưới tạm dừng do thực hiện giãn cách xã hội, nhiều khi nhớ nghề anh em trong nhóm lại tập trung để vừa biểu diễn cho nhau nghe, vừa nâng cao tay nghề. Với anh Tứ, cây đàn guitar mua hơn 20 triệu đồng năm 2017 là tài sản vô giá, luôn được anh nâng niu, cất giữ cẩn thận. Anh chia sẻ: “Mình đã phải tiết kiệm chi tiêu trong một thời gian dài để có tiền mua cây đàn. Ngày mình cầm cây đàn trong tay, hạnh phúc như vỡ òa. Ba mẹ, vợ con tuy không ai rành âm nhạc nhưng thấy mình đam mê thì đều khuyến khích, động viên, sẵn sàng làm khán giả trong những ngày đầu mình biểu diễn”.
Để hoạt động hiệu quả, những nhạc công không chuyên của buôn làng rủ nhau lập thành nhóm nhỏ, thường xuyên trao đổi và thông tin cho nhau lịch biểu diễn khi các “ông bầu” liên hệ. Anh Rcom Phương-giáo viên Âm nhạc Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (xã Ia Ma Rơn), một thành viên chơi piano trong nhóm-nhận xét: “Mặc dù được đào tạo bài bản tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật tỉnh nhưng mình vẫn thấy để chơi nhạc thành thục là việc không đơn giản. Mình thực sự khâm phục những nhạc công không chuyên như các anh: Brel, Thương và Tứ. Để đứng được trên sân khấu đòi hỏi cả một quá trình rèn luyện, nỗ lực không ngừng. Và chính năng khiếu, niềm đam mê âm nhạc cháy bỏng đã kết nối họ với nhau để cống hiến, phục vụ khán giả, đồng thời làm kế mưu sinh để có thêm thu nhập chính đáng”.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm