Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Nghĩa tình với quê hương cách mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhắc đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta, nhiều người thường nghĩ ngay tới những gì khốc liệt, đau thương nhất. Song chiến tranh không chỉ có sự hy sinh, mất mát mà còn là nơi gắn kết nghĩa tình sâu nặng, bền chặt giữa những cán bộ cách mạng với bà con vùng hậu cứ. Ngay cả khi người còn, người mất thì tình cảm cao đẹp ấy vẫn tiếp tục được nối dài. Câu chuyện về ông Phạm Hồng-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy và những người con nuôi ở xã Kông Yang (huyện Kông Chro, Gia Lai) là minh chứng cho điều này.

Bà Đinh Thị Gép-con dâu nuôi của ông Phạm Hồng-chỉ dạy con cháu cách dệt thổ cẩm. Ảnh: H.T



Kông Chro một ngày cuối đông. Cơn mưa lúc sáng sớm dường như đã gột rửa sạch lớp bụi mờ bám đọng trên từng cành cây, ngọn cỏ. Mọi vật bỗng trở nên xanh tươi, căng tràn sức sống. Từ trung tâm huyện, tôi cùng anh Trần Thanh Thảo-Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy Kông Chro-xuôi theo tỉnh lộ 667 về hướng Đông Bắc để tìm đến làng Hra (xã Kông Yang). Đây là vùng đất mà ông Phạm Hồng (Phạm Xong)-nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai từng gắn bó lâu nhất trong những năm kháng chiến. Để rồi trước khi trút hơi thở cuối cùng, di nguyện của ông chỉ đơn giản là được hòa mình vào núi sông Kông Yang, được mãi mãi gắn bó với đồng bào thương quý nơi này. Song có một điều đặc biệt, cũng chính là lý do chúng tôi tìm về làng Hra, đó là câu chuyện về những người mà ông Phạm Hồng từng nhận làm con nuôi trong những năm 1955-1956 và luôn duy trì mối quan hệ mật thiết với họ suốt cả cuộc đời.

Tôi chợt nhớ tới những dòng đầy xúc động trong lá thư mà ông Phạm Hồng để lại trước lúc đi xa: “Gia Lai là quê hương thứ hai của tôi. Kông Chro là cái nôi cách mạng của đời tôi. Tôi muốn sống ở Gia Lai và tôi cũng muốn chết ở Gia Lai. Sống ở Gia Lai tôi được sống trong vòng tay của bạn bè, của con cháu thân thương như ruột thịt mà không phải nơi nào cũng có được. Và chết ở Gia Lai là chết trên mảnh đất yêu thương của mình. Nhiều người nói chết là hết nhưng tôi muốn chết mà không hết. Tôi muốn biến mình thành tro bụi, hòa vào đất và nước của Gia Lai để gắn mình mãi mãi với Gia Lai…”. Những dòng chữ ấy một lần nữa khẳng định tình cảm ông dành cho mảnh đất, con người Gia Lai nói chung và Kông Chro nói riêng vô cùng sâu nặng.

Anh Thảo dừng xe trước ngôi nhà sàn hai gian thông nhau đã cũ kỹ. Một người đàn ông dáng mảnh khảnh ra đón chúng tôi, tự giới thiệu tên là Đinh Văn Drép, người làng Hra, hiện giữ chức Phó Chủ tịch HĐND xã Kông Yang. “Tất cả các thành viên trong gia đình bà Đinh Thị Pyak và ông Đinh Pyeh-hai chị em được ông Phạm Hồng nhận làm con nuôi-đều đã tề tựu đông đủ. Cả những người từng tiếp xúc, chở che cho bok Krong cũng có mặt ở đây từ sớm”-ông Drép nói.

Một góc thị trấn Kông Chro. Ảnh: ĐÌNH CHIẾN



Thật bất ngờ, bởi chỉ mới nghe tôi hỏi đến bok Krong (mật danh của ông Phạm Hồng khi hoạt động cách mạng), những gương mặt nhăn nheo vì tuổi già bỗng bừng lên rạng rỡ. Họ cứ thế nói, cứ thế kể rành mạch từng câu chuyện, từng kỷ niệm với ông bằng thái độ đầy tôn kính và yêu mến. Bà Đinh Thị Gép (72 tuổi) bảo rằng, chồng bà là Đinh Pyeh và người chị chồng là Đinh Thị Pyak được bok Krong nhận làm con nuôi khi còn rất nhỏ. Trước đó, bok Krong hoạt động bí mật trong rừng và vô tình gặp 2 chị em Pyak-Pyeh lên rừng lấy củi. Sau khi làm quen, 2 chị em ngày ngày lén mang lương thực, thực phẩm lên tiếp tế cho bok Krong và các cán bộ cách mạng ở đây. Được một thời gian, họ đem việc này kể lại với gia đình và được người cha hết lòng ủng hộ. Cha sai Pyak và Pyeh đem áo, khố thổ cẩm cho bok Krong cải trang rồi mời ông về nhà, âm thầm tổ chức lễ kết nhận con nuôi giữa bok và Pyak, Pyeh theo tập tục truyền thống của người Bahnar.

Ngồi cạnh, già Đinh Chố (88 tuổi) chia sẻ: “Hồi bok Krong nhận Pyak và Pyeh làm con nuôi, tôi đang phụ trách việc liên lạc, đưa thông tin từ ngoài Yang Bắc về núi Kông Yang cho bok và bí mật đưa bok cùng cán bộ qua sông đi công tác. Ngoài dạy chữ cho chúng tôi, mỗi lần đi xa về, bok lại mang theo muối, bột ngọt chia cho dân làng. Sau khi quê hương được giải phóng, bok cũng thường về thăm làng, tặng quần áo, thực phẩm cho bà con qua cơn đói kém. Dân làng Krông Hra (nay là làng Hra) ai cũng quý bok Krong. Lúc còn chiến tranh thì một lòng theo Đảng, Bác Hồ, khi hòa bình rồi thì bà con quyết không nghe lời kẻ xấu xúi giục, chỉ chăm lo làm ăn, chung tay xây dựng nông thôn mới”.

Trong số những người ngồi trò chuyện cùng chúng tôi hôm ấy có chị Đinh Thị Luy-con gái đầu của bà Đinh Thị Pyak. Chị chính là cô bé cách đây 41 năm đã may mắn sống sót nhờ sự có mặt kịp thời của ông ngoại nuôi Phạm Hồng. “Mình nghe gia đình kể lại rằng, khi mẹ sinh mình gặp khó thì đúng lúc bok Krong ghé về thăm gia đình. Thấy tình hình nguy kịch, bok liền đưa 2 mẹ con lên xe ô tô tức tốc chở thẳng lên bệnh viện tỉnh nên cả hai mới được khỏe mạnh. Chính bok là người đã đem lại mạng sống cho mình nhưng mình lại chưa lần nào nói được lời cảm ơn bok. 2 năm trước nghe tin bok mất, mình và cả nhà rất đau buồn. Không ai có cơ hội nhìn mặt bok lần cuối, chỉ biết tổ chức đám tang tượng trưng tại làng và đi thắp hương cho bok tại nơi rải tro cốt ở bên làng Huynh Dơn”-chị Luy nghẹn ngào.

Chị Đinh Thị Luy (bìa trái) cùng con gái ôn lại kỷ niệm với ông Phạm Hồng. Ảnh: H.T



Về phía gia đình ông Phạm Hồng, thực hiện mong muốn của ông lúc sinh thời, ngoài việc dùng toàn bộ số tiền phúng viếng từ đám tang để bổ sung vào “Quỹ Học bổng gia đình Phạm Hồng” cho huyện Kông Chro, tháng 8-2019, vợ chồng người con cả Phạm Ngọc Dũng đã lặn lội từ TP. Hồ Chí Minh về lại vùng đất Kông Yang để tìm kiếm bà Đinh Thị Pyak và ông Đinh Pyeh sau một thời gian gián đoạn liên lạc. Được sự giúp sức, hỗ trợ thông tin từ phía cấp ủy, chính quyền huyện Kông Chro, ông Dũng đã may mắn gặp được gia đình. “Khoảng năm 1968, khi còn đang theo học đại học ở Hà Nội, ba Hồng đã biên thư cho tôi kể về việc nhận Pyak, Pyeh làm con nuôi. Anh em tôi cũng rất vui mừng đón nhận điều này. Sau giải phóng, ba má tôi thường xuyên về thăm dân làng và gia đình Pyak, Pyeh; mang cho 2 đứa nhiều quần áo, gạo và nhu yếu phẩm. 3 ngày trước lúc đi xa, ông đã bổ sung vào di chúc về việc chia một phần tài sản của mình cho Pyak, Pyeh cùng 2 người con nuôi khác. Sau lần tìm gặp này, sắp tới, chúng tôi sẽ sớm làm theo đúng ý nguyện của ba; đồng thời sẽ cố gắng hỗ trợ, giúp đỡ họ như chính người thân trong gia đình”-ông Dũng cho hay.

Nhắc nhớ với tôi về bữa cơm giản dị trong lần trùng phùng ấy, ông Dũng vẫn còn vô cùng xúc động. Ở cái tuổi 75, có lẽ việc thực hiện trọn vẹn mong muốn của cha mình lúc sinh thời là điều khiến ông cảm thấy vui và mãn nguyện nhất. Bởi, cha ông từng nhắn nhủ rằng: “Con cháu trong gia đình mỗi khi đặt chân đến Gia Lai là như được trở về với quê hương cách mạng. Mỗi bước chân đều cảm thấy nóng bỏng, đó là tình cảm của ba từ lòng đất trở về, dõi theo từng nhịp bước của các con…”.

 

 HỒNG THI

 

Có thể bạn quan tâm