Có lẽ ai sinh ra nơi thôn quê cũng đã từng lớn lên cùng những con ngõ nhỏ. Đó không chỉ là nẻo đi về thân thuộc, mà còn là nơi lưu giữ những bước chân chập chững đầu đời. Đó là nơi đám bạn thập thò bờ giậu rồi bí mật phát những tín hiệu để người trong nhà trốn cha mẹ mà gia nhập vào đám “phá làng phá xóm” biết bao buổi trưa nắng như nung. Đó là nơi ánh mắt ai ngại ngùng trao gửi lời yêu thương thuở đầu đời…
Còn bao nhiêu những điều đẹp đẽ mà con ngõ nhỏ đã chứng kiến và lưu giữ. Nguyễn Bính chẳng đã từng thủ thỉ câu chuyện về cô hàng xóm “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn” đó sao. Cũng cùng cảm hứng về con ngõ như vậy, Nguyễn Đại Nghĩa lại kể “Ngày xuân bên giậu cúc tần/Chiều mưa em đứng bần thần đợi tôi”…
Những con ngõ nơi miền quê thường gắn với màu xanh cây lá. Đó là màu xanh thân thuộc của tre trúc, của râm bụt, cúc tần, của chè lam, duối dại… Đó là sắc xanh của làng quê, thứ màu sắc làm nên sự thanh tĩnh và yên bình. Những con ngõ đúng như miêu tả trong thơ của Nguyễn Khuyến: “Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe” còn gợi ra bao nhiêu vẻ kỳ bí và trí tò mò.
Chúng tôi chẳng đã có những đêm nhìn ra con ngõ lập lòe đom đóm mà chìm vào những câu chuyện đầy liêu trai, rồi sợ sệt xin ngủ lại nhà đứa bạn vì không đứa nào dám về. Hoặc giữa đêm tối ấy, cả đám ù té chạy khi một đứa nào đó bỗng dưng hét toáng lên để hù dọa những đứa nhát gan.
Niềm vui ngỏ nhỏ. Minh họa: HUYỀN TRANG |
Bốn mùa đi qua, khi hoa bưởi thơm vào lòng đêm đưa mùa xuân về, con ngõ như ướp đượm trong ngào ngạt hương hoa. Rồi những đêm mùa hè có trăng, bờ tre, bụi duối thành nơi trốn tìm của đám trẻ hiếu động nơi ngõ nhỏ. Mùa thu vẽ lên tán cây xoan sắc vàng mơ lác đác buông xuống những chiếc lá nhuốm màu thời gian, bâng khuâng xao xuyến. Rồi cây lá khẳng khiu dần khi những cơn gió mùa tràn về đem theo hơi lạnh. Con ngõ cũng náo nhiệt hay vắng vẻ theo mùa.
Xuân qua đông tới, chỉ bàn chân trẻ nhỏ loanh quanh đầu ngõ ngóng mẹ về là mùa nào cũng vậy. Mẹ đi chợ hay làm đồng, đám trẻ cũng dõi ra đầu ngõ mà ngóng mà trông. Những con ngõ dìu đôi bàn chân nhỏ dần trở nên cứng cáp, rồi rời xa. Người trông ra nơi đầu ngõ ngóng đôi bàn chân trẻ nhỏ ngày nào trở về lại là những người mẹ. Bãi bể nương dâu, vật đổi sao dời, gói gọn lại thành điều đơn giản đến nhường ấy.
Tôi đã đặt bàn chân mình qua bao nhiêu con ngõ nhỏ. Có phải từ ký ức xa xưa mà tôi luôn dành những cảm xúc đặc biệt cho những con ngõ quanh co phủ bóng cây xanh mà mình từng chạm tới.
Từ những con ngõ dốc ngược dựng đứng dẫn lối trên những rẻo cao đến những con ngõ rợp bóng hàng dừa nơi miền Tây sông nước. Từ những con ngõ nhỏ nơi phố phường chật chội ngược chiều còn có thể chạm vai nhau đến những lối ngõ được cắt tỉa đẹp chỉn chu nơi nhà vườn xứ Huế… Nơi nào cũng như chạm khắc vào tôi những mến thương không gì có thể mờ phai được.
Bao nhiêu năm nơi phố thị, nhà tôi cũng nép mình trong ngõ nhỏ. Mỗi lần nghe lời hát “ngõ nhỏ phố nhỏ, nhà tôi ở đó”, lòng tôi lại như cựa quậy bởi hàng trăm con ngõ dẫn lối về những ngôi nhà tràn đầy sự ấm áp nép mình sau những rặng biếc xanh.
Con ngõ không chỉ là một lối đi về. Có khi, nó còn là một phần cấu thành văn hóa, một phần làm nên đời sống, như một phần hơi thở không thể thiếu trong đời sống của người Việt. Dù sinh trưởng ở thành thị hay nông thôn, ngõ phố hay ngõ quê, với những người có tình, có lẽ trong tâm thức, cái nẻo đi về nhỏ bé ấy sẽ mãi níu giữ đôi bàn chân ta.