Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Người lính 2 lần được gặp Bác Hồ tại K9-Đá Chông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khu di tích K9-Đá Chông (huyện Ba Vì, Hà Nội) là nơi gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là nơi gìn giữ thi hài Bác trong khoảng thời gian từ năm 1969 đến năm 1975. Ông Trần Đình Long (số 10 Quang Trung, phường An Tân, thị xã An Khê; hiện đã qua đời) từng tham gia xây dựng khu căn cứ này và vinh dự được gặp Bác 2 lần.

Cách đây chừng 6 năm, trong chuyến đi tìm hiểu thông tin về những người ở Gia Lai từng được gặp Bác Hồ, chúng tôi biết ông Trần Đình Long. Ông kể: Tháng 10-1958, tôi là chiến sĩ thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 207, Tổng cục Hậu cần đang ở huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) thì đơn vị được lệnh đi nhận nhiệm vụ khác. Sau 2 ngày vừa đi tàu vừa đi bộ, chúng tôi đến một địa điểm có nhiều mũi đá nhọn đâm lên trời, người dân nơi đây gọi là khu Đá Chông. Đơn vị dừng chân, chọn một khu đất bằng phẳng để dựng lán trại. Mọi người lo sắp xếp chỗ ăn ở, khoảng 1 giờ sau thì nghe còi báo động tập hợp. Đại đội tập hợp thành 2 hàng ngang. Khoảng 10 phút sau, chỉ huy hô đứng nghiêm, chúng tôi thấy Bác Hồ và đoàn cán bộ Trung ương đi tới. Bác mặc bộ quần áo lụa màu nâu, giơ tay chào chúng tôi.

Bác Hồ nghỉ ngơi trong một lần đi khảo sát tại Khu căn cứ K9-Đá Chông (ảnh tư liệu).


Sau khi ổn định tổ chức, Bác vẫy tay ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống để Người nói chuyện. Người nói: Hôm nay, Chính phủ cử Bác lên đây. Đi cùng với Bác có ông anh cả của Bác là Nguyễn Lương Bằng, phụ trách kinh tế và các đồng chí trong Chính phủ. Trước mặt các cháu trước đây là một khu nhà của tên toàn quyền Đông Dương người Pháp. Đến khi ta mở Chiến dịch Hòa Bình, Biên giới và giành thắng lợi, nó bỏ về Pháp, Nhân dân ta ở xung quanh không biết đã đập phá. Nay Trung ương, Chính phủ chọn chỗ này làm khu căn cứ Trung ương phòng khi chiến tranh lan rộng (Bác đã có ý chọn nơi đây từ năm 1957, khi Người đến thăm Sư đoàn 308 diễn tập bên sông Đà). Bác đưa ra mẫu nhà 2 tầng, kiểu kiến trúc pha trộn phong cách châu Âu và châu Á rồi giao cho đơn vị tiến hành thi công. Bác nói, tôi thay mặt Chính phủ là bên A, còn đơn vị các chú là bên B, làm trong thời gian 8 tháng phải hoàn thành và bàn giao công trình có được không? Tất cả đại đội đều giơ tay hô “Được ạ” 3 lần. Đồng chí Đặng Văn Huy-Chính trị viên đại đội thay mặt anh em trong đơn vị hứa với Bác là làm tiết kiệm và hoàn thành đúng thời hạn. Bác xua tay nói, việc này làm cho Trung ương, cho Chính phủ chứ không phải làm cho Bác. Giao nhiệm vụ cho đơn vị xong, Bác cùng đoàn cán bộ Trung ương vẫy chào chúng tôi, ra xe về Hà Nội.

Vinh dự được Bác trực tiếp giao nhiệm vụ, đơn vị chúng tôi hăng hái triển khai công việc ngay ngày hôm sau với sự hỗ trợ của đoàn viên, thanh niên địa phương. Trung đội 3 của tôi được phân công xây dựng khu nhà A, là nơi Bác ở và làm việc. Vì vậy, đơn vị đã chọn những người thợ có tay nghề cao để làm.

Sau một thời gian tích cực thi công, thời hạn bàn giao công trình mà đơn vị đã hứa với Bác và Chính phủ cũng đã đến. Khoảng 9 giờ sáng một ngày đầu tháng 7-1959, Bác cùng đoàn công tác của Chính phủ đến để nghiệm thu công trình. Cán bộ, chiến sĩ được lệnh ai tham gia xây dựng dãy nhà nào thì đứng ở hai bên hành lang dãy nhà đó để đón Bác. Hôm đó, Bác mặc bộ quần áo ka ki. Đi lên được nửa cầu thang, Bác dừng lại khen cầu thang làm thế này tốt và đẹp đấy, Bác cháu ta đi thì vừa nhưng khách châu Âu họ đi hàng ba, hàng bốn thì chật. Người hỏi: “Các chú có sửa rộng ra được không?”. Đồng chí Lê Sơn thưa: “Được ạ”. Bác tiếp tục đi tới khu nhà vệ sinh và nhà tắm, rồi Người mới xem phòng làm việc và phòng ngủ. Bác khen phòng làm việc đẹp nhưng thiếu kệ để sách báo vì chỉ có bàn làm việc và giường ngủ. Bác hỏi các chú nghiên cứu đục sâu vào tường làm thành cái hộc để sách báo được không? Chúng tôi đồng thanh nói: “Được ạ”. Sau đó, Bác cùng đoàn công tác của Chính phủ chào đơn vị ra về. Đây là lần thứ hai và cũng là lần sau cùng tôi được gặp Bác.

Những điều Bác dặn dò về công trình trước khi ra về, đơn vị chúng tôi đều sửa chữa một cách chu đáo. Xong công trình, mỗi cán bộ, chiến sĩ được giao nhiệm vụ trồng một cây phượng (do Chính phủ Trung Quốc tặng Bác) ở xung quanh hai khu nhà A và B. Khu vực sân bay dã chiến mới san lấp xong mặt bằng, chưa kịp rải nhựa thì đơn vị lại được cấp trên giao nhiệm vụ khác.

Mặc dù thời gian được gặp Bác, nghe Bác nói chuyện không lâu, nhưng với ông Trần Đình Long, đó là niềm vinh dự không gì sánh nổi. Điều ông không bao giờ nghĩ tới là nơi đơn vị ông xây dựng nhà để Bác ở và làm việc cũng chính là nơi Đảng, Nhà nước chọn để gìn giữ thi hài Người hơn 10 năm sau.

 

NGUYỄN ANH MINH
 

Có thể bạn quan tâm