Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Nhà có hoa đỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi học lên cấp ba, Quang ở trọ gần trường; chiều thứ Bảy lại hăm hở cuốc bộ hai mươi cây số về nhà, với đôi chân rã rời. Cơn đói giục bước, lại khiến đoạn đường dài ra.

Khi học lên cấp ba, Quang ở trọ gần trường; chiều thứ Bảy lại hăm hở cuốc bộ hai mươi cây số về nhà, với đôi chân rã rời. Cơn đói giục bước, lại khiến đoạn đường dài ra.

Cậu quay lại trường chiều hôm sau, cũng mệt như nhau, với ba lô trĩu nặng và túi xách nén chặt nhiều thứ dự trữ cho cả tuần. Mẹ ép con mang theo gạo khoai, muối mè, mắm cái; cậu từng dại dột để bớt lại rồi trả giá bằng những ngày đói hoa mắt. Mùa lạnh đồng lõa với cơn đói khiến cậu càng quay quắt, đói cả trong mơ. Một chiều mưa, cậu nhìn ra cửa sổ lớp học, cồn cào bởi mùi hành phi từ hàng xóm bay sang. Cô Lê - chủ nhiệm lớp gõ thước xuống bàn, nhắc khẽ: “Quang, tập trung!”.

Minh họa: HIỂN TRÍ

Cô Lê từ cố đô về với ngôi trường mới xây này, để lại quê nhà bên kia Hải Vân. Cô ở phòng đầu hồi dãy nhà tập thể dành cho thầy cô trong khuôn viên trường. Phía sau dãy nhà là khoảng đất trồng rau của thầy cô sau giờ lên lớp. Nhìn cô Lê cầm cuốc lơi khơi như giỡn chơi và đưa hai tay đỡ đòn gánh khi gánh nước tưới rau là biết không quen việc tỉa trồng. Nhưng mùa đông cô vẫn có rau cải, tần ô; mùa hè là mồng tơi, rau muống xanh mướt, lại thêm giàn mướp cho trái quanh năm.

Cô đến thăm phòng trọ của Quang và người bạn ở cùng tên Đức vào một chiều đầu năm lớp 11. Quang ngạc nhiên khi cô mới nhận chủ nhiệm nhưng vẫn biết cậu mồ côi cha; Đức mất mẹ, ở với bà ngoại; biết cả cảnh nghèo khiến hai đứa suýt bỏ học đi bán kem. “Dù gì, các em cũng phải gắng học”. Cô dứt khoát như không thể khác rồi nắm tay hai đứa để tái khẳng định. Ánh mắt ái ngại, cô nhìn quanh gian nhà tranh nền đất, với những tấm phên trét phân trâu bị thủng, nhìn thấu bên ngoài. Tần ngần một lúc rồi cô bước tới chái bếp, đưa tay mở nắp vung đậy cái soong đặt trên ba hòn gạch. Cô tròn mắt nhìn mấy củ khoai lang luộc và chén muối mè để cạnh: “Đây là bữa tối của hai em sao?”. Trò lúng túng, khẽ dạ. Cô đứng lặng, quay đi.

Trước khi ra về, cô đột nhiên xởi lởi: “Lát nữa hai đứa qua chỗ cô ăn cơm”. Thấy vẻ ngần ngại trong mắt trẻ, cô khích lệ nhỏ nhẹ: “Tiện thể các em thăm phòng cô”. Ra đến cổng, cô lặp lại nhã ý, cứ như sợ bị quên.

Bữa ngon bày trên mặt bàn con được ghép từ mấy miếng gỗ vụn, đặt cạnh cửa sổ. Hai trò ăn dè, ra vẻ từ tốn. Cô luôn miệng nhắc rồi gắp thức ăn cho cả hai. Tô canh rau tập tàng nấu với tôm, đĩa trứng rán và những bát cơm không độn khiến hai cậu xuýt xoa thỏa thích suốt chặng về. Đó là những tháng năm mới hòa bình, bữa cơm không độn khoai sắn và cá thịt là ước ao của bao nhà. Dù vậy, khi cô Lê lại bảo sang ăn cơm, hai cậu ngượng ngùng từ chối, với lý do “đá bóng về trễ”. Cô lặp lại thiện ý như năn nỉ nhưng vẫn không được nghe theo.

Lặng đi mấy ngày, cô gặp Quang, bảo: “Sau đá bóng chiều nay, hai em qua giúp cô làm giàn mướp”. Hai cậu không từ chối, tất nhiên. Đức mượn chủ nhà trọ con rựa và cầm theo nắm lạt. Cô xin được ít tre để ở góc vườn, mượn cả cuốc xuổng. Việc còn lại là đào lỗ, trồng trụ rồi gác mấy ngọn tre lên, quấn thêm vài nuột lạt, chưa tới ba mươi phút đã xong. Quang nắm cây trụ lay thử, tự tin: “Chắc chắn rồi”. Cô Lê tươi cười, ngước nhìn cái giàn, trầm trồ: “Đẹp lắm!”. Hai cậu dọn đồ, rửa tay, định quay lưng nhưng cô giữ lại: “Ở ăn cơm với cô cho vui, dọn sẵn rồi”. Cô tự nhiên khiến trò đỡ ngượng, hai cậu ngó nhau, không từ chối. Cô giả như mời tiện thể nhưng nhìn soong cơm đội cả vung cùng tô canh to và đĩa mít trộn đầy có ngọn là biết ngay sự chuẩn bị từ trước.

Cô Lê bỗng dưng hay nhờ những việc không đáng. Đơn giản như đứng trên ghế, với tay buộc mấy que tre, cơi nới cái giàn cho ngọn mướp có chỗ bò, cô cũng gọi học trò; lại nhắc Quang bảo Đức đi cùng cho vui. Lâu nay, cô vẫn cuốc đất trồng rau, tranh thủ cả ngày nghỉ nhưng giờ bảo đau lưng nên nhờ hai cậu bón phân, tưới nước. Cô thức cả buổi trưa chặt nhánh tre nhưng không đem cắm choái cho đậu cô ve, lại chờ học trò làm hộ.

Quang lấy dây thép đan thành cái giàn bên ngoài cửa sổ phòng cô và bắc cho cây bông giấy bò lên. Chẳng bao lâu, những chùm hoa ngời sắc đỏ phủ trên cửa sổ căn phòng nhỏ. Cậu kết các nhánh lại, uốn thành hình ngôi sao. Cô ngước lên cao, mỉm cười, khen học trò khéo tay, rồi kéo dài sắc đỏ bằng cách trồng hai chậu hồng để trên khoảng sân tí tẹo. Thế là, gian nhà đầu hồi nổi bật với những khóm hoa màu của trái tim rực rỡ quanh năm.

Việc chỉ đáng cho người ta làm ráng nhưng thay vì gộp lại, cô Lê cứ nhờ từng việc. Có hôm hai cậu chỉ làm một lúc là xong, chuyện trò hồi lâu rồi cô đem mè xửng ra ăn. Có khi việc cũng chẳng rõ ràng ngay lúc bắt đầu: “Khi nào rảnh, hai em sang, cô nhờ”. Cô còn nhắc trò cứ học bài, chơi bóng xong rồi mới ghé cô, tầm ấy ăn cơm tối là vừa. Sau khi giúp cô, trò lại có bữa no, không ăn cơm thì ăn chè hay bánh khô, bắp luộc. Có lần bị từ chối, cô dỗi: “Các em không nghe, lần sau cô không nhờ nữa”.

Quang kể với mẹ những việc hay được nhờ và những bữa chiều ở nhà cô giáo. Mẹ hỏi lại rồi buột miệng, thốt lên: “Cô ấy tinh tế quá!”. Quang ngạc nhiên: “Sao mẹ?”. Mẹ dí ngón tay vào trán con: “Ấy là cô tạo cớ để bảo chúng mày ăn cơm, nhờ đỡ gì mấy việc đó!?”. Quang “à” lên, ngộ ra… Những chiều Chủ nhật sau đó, cậu trở lại trường với đôi vai nặng hơn bởi quà mẹ gửi cho cô, khi thì chục trứng gà, mấy trái cà, lúc lại vài trái thơm, trái vả.

Quang không hiểu sao nhiều ngày liền cô Lê không nhờ vả gì, nét mặt lại buồn. Cậu băn khoăn nhưng không dám hỏi. Điều lạ được giải tỏa khi nữ lớp trưởng lên phòng giám hiệu lấy sổ đầu bài sáng thứ Hai, hóng hớt được chuyện người lớn. Về lớp, nhỏ bạn thò tay qua cửa sổ ngoắc Quang ra hành lang, ghé tai thầm thì: “Thầy hiệu trưởng đang nói chuyện với cô Lê, vẻ nghiêm trọng lắm, nhắc đến cả Quang và Đức đấy…”. Quang đứng sững, ngơ ngác: “Nhắc chuyện gì?”. “Ai biết!”.

Chuyện cuốn hút bỗng đi vào ngõ cụt, cứ như trò trốn tìm, khiến Quang nôn nao. Cậu liếc đồng hồ trên trường, vẫn chưa tới giờ vô lớp. Tò mò, Quang lò dò đi về phòng giám hiệu, hồi hộp nép vào cánh cửa, nhìn qua khe thấy thầy hiệu trưởng ngồi đối diện cô Lê qua chiếc bàn xếp đầy sổ sách. Giọng thầy nghiêm trang nhưng nhẹ nhàng: “Đang có dư luận cô lợi dụng công sức học sinh, cụ thể là em Quang và em Đức, việc này nhiều người thấy. Cô có thể cho biết đầu đuôi?”. Dáng cô buông xuôi, lúc lâu mới cất giọng buồn buồn: “Có việc đó nhưng bản chất không phải vậy. Hoàn cảnh hai em ấy đáng thương lắm, thầy ạ…”. Giọng nghẹn lại, cô xoay người lảng đi, giấu đôi mắt ứa lệ. Thầy hiệu trưởng bất ngờ lúng túng.

Quang đẩy cửa bước vô, với lời chào lí nhí; thầy và cô ngó sững kẻ xuất hiện đường đột. Cứ như sợ họ chen vô, cậu vội nói lớn: “Không có chuyện lợi dụng đâu, thầy”. Quang gồng mình, sẵn sàng chịu mắng bởi sự tự tiện vô lễ nhưng nhìn vẻ ngơ ngác của thầy hiệu trưởng, cậu trấn tĩnh. Quang kể lại sự việc, nhắc cả lời mẹ hôm nào. Chắc người nghe phải chắp nối những lời đứt đoạn, rưng rưng sắp khóc để thấu hiểu yêu thương.

Thầy hiệu trưởng nhìn cô Lê, nhoẻn cười nhưng không vui: “Hóa ra người ta chỉ thấy bên ngoài nhưng không biết bên trong gian nhà có hoa đỏ…”. Thầy bối rối đứng lên nắm tay nữ đồng nghiệp.

Có thể bạn quan tâm