Thời sự - Bình luận

Nhà ở xã hội mà bị hành thế này sao!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sau ca đêm dài đẵng đẵng, Phạm Hữu Tá - một công nhân 27 tuổi, ở Quế Võ, Bắc Ninh - bắt đầu ngày mới bằng cách “đi đòi” căn hộ của mình được bàn giao đúng tiến độ.

Mua một căn nhà ở xã hội nhưng có những công nhân phải trả hàng chục đến hàng trăm triệu đồng "tiền chênh". Ảnh: Trần Tuấn
Tá, phải đóng chênh 22 triệu đồng để được ký hợp đồng mua căn hộ 421 tại Dự án nhà ở xã hội Sao Hồng- Bắc Ninh.
Theo hợp đồng, thời điểm bàn giao căn hộ là quý I.2021. Tới quý I, cái hẹn bị lùi xuống “tháng 6.2021”. Đến tháng 6, lại lùi xuống tháng 10, rồi lùi sang tháng 1.2022. Và gần nhất, chủ đầu tư hứa sẽ bàn giao nhà vào 30.6.2022.
“Tại sao nhà ở xã hội lại phải trả tiền chênh”? “Bao giờ mới được nhận nhà”- nhưng câu thăm hỏi giờ đây nghe muốn khùng.
Tá, hàng ngày vẫn “cày đêm”, vẫn ở nhà thuê, vẫn bóp mồm bóp miệng để trả lãi ngân hàng…
Nhưng những công nhân như Tá vẫn còn là may chán.
Nguy cơ đổ vỡ mục tiêu 35.000 căn nhà ở xã hội tại TPHCM vừa được cảnh báo.
Báo chí dẫn lời ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhìn nhận: Nhà ở xã hội hướng đến sản phẩm bình dân, trong khi đất ở nội đô hoặc vùng gần trung tâm thành phố thường lại là “đất vàng”, “đất kim cương”.
Theo quy định, doanh nghiệp được trích 20% quỹ đất làm nhà thương mại. Nhưng lợi nhuận từ nhà thương mại lại phải tính gộp vào lợi nhuận chung của dự án (bị khống chế 10%). Còn nguồn vốn, lý thuyết doanh nghiệp được vay 70-85% với lãi ưu đãi 5%. Nhưng từ 2016, nguồn vốn tái cấp bù cho các ngân hàng không có nên doanh nghiệp vẫn phải vay mức 11%.
Vậy là có 3 yếu tố tạo nên nhà ở xã hội là quỹ đất, nguồn vốn và cả chính sách đầu tư thì khó, đến bất khả thi cả 3.
Dự lễ khởi công 20.000 căn nhà ở xã hội tại Bình Dương, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói rằng: Muốn phát triển bền vững, muốn “không để ai ở lại phía sau” thì phải phát triển nhà ở xã hội gắn với trường học, y tế, môi trường...
Thủ tướng cũng khẳng định nhà ở xã hội được định hướng: “Giá cả phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp”.
Trong khủng hoảng dịch bệnh năm ngoái, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi từng kể về những gia đình “5-6 người sống trong căn phòng chỉ 7m2”. Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM mô tả cảnh: Nhiều phòng trọ chỉ 10m2, mà có tới 10 người chen nhau chung sống. Những con số và thực tế cho thấy tình trạng nhà ở xã hội đang “khoán trắng cho tư nhân”.
Chắc chắn là họ đang rất chờ đợi những ngôi nhà của riêng mình! Nhưng đó là chờ những căn hộ đúng nghĩa, không phải trả chênh lệch, không phải đau khổ nhục nhã vì sự khất lần, vì bị chèn ép.
Theo Anh Đào (LĐO)
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/nha-o-xa-hoi-ma-bi-hanh-the-nay-sao-1025646.ldo

Có thể bạn quan tâm