Văn hóa

Quà tặng tâm hồn

Nhớ làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Đã lâu không về làng, tôi cảm thấy nhớ. Không nhớ sao được khi mỗi lần về làng, tôi không chỉ có thêm niềm vui, bạn bè, mà còn thêm cơ hội làm phong phú sự hiểu biết về truyền thống văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Một buổi sáng cuối tuần, tôi dạo bước đến Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku) để chiêm ngưỡng không gian trưng bày “Thiên đường Tây Nguyên-Gia Lai” của nhà sưu tầm Đặng Minh Tâm. Nhìn lại những cổ vật, hiện vật trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, tôi bỗng nhớ về không gian của những buôn làng truyền thống ngày xưa.

Tôi gắn bó với Tây Nguyên đến nay cũng gần nửa thế kỷ. Tôi đã từng ghi dấu chân ở khắp buôn làng của đồng bào Jrai, Bahnar, Giẻ Triêng, Xê Đăng, Ê Đê, Brâu, Rơ Mâm… Từ cảm giác ban đầu ngạc nhiên, lạ lẫm, rồi tìm hiểu, làm quen, dần dần yêu thích và thán phục khi tiếp cận với đời sống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng các dân tộc nơi đây. Tuy nhiên, sự biến đổi nhanh chóng của kinh tế-xã hội nước ta từ sau ngày giải phóng (1975), nhất là tốc độ đô thị hóa trong thời kỳ đổi mới đã từng bước làm thay đổi vùng đất Tây Nguyên, khiến các buôn làng truyền thống của dân tộc đổi thay.

Đêm hội làng Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku). Ảnh: Phan Nguyên

Đêm hội làng Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku). Ảnh: Phan Nguyên

Gần đây, bên cạnh việc triển khai chính sách về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc Tây Nguyên nói chung, các địa phương trong khu vực bắt đầu chú trọng thiết lập các dự án bảo tồn buôn làng truyền thống gắn với phát triển du lịch.

Cuối năm 2022, tỉnh Lâm Đồng đã chi hàng chục tỷ đồng để thực hiện dự án bảo tồn 2 làng dân tộc Cơ Ho ở huyện Di Linh và huyện Lạc Dương. Họ cho rằng, chính buôn làng truyền thống là cái nôi lưu giữ các giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc và trực tiếp truyền lại cho thế hệ con cháu nối tiếp và phát huy. Thực hiện dự án chính là một bước tác động, hỗ trợ để tăng “sức đề kháng” cho cộng đồng nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trước sự phân rã, hòa tan, mai một các giá trị văn hóa truyền thống trong nhịp sống hiện đại. Trong đó, chú ý đến cấu trúc cảnh quan môi trường, kiến trúc nhà ở, khôi phục các loại hình văn hóa dân gian, các lễ hội truyền thống, nghề thủ công, phong tục tập quán…

Ở Đak Lak, chính quyền địa phương tập trung xây dựng buôn truyền thống dân tộc Ê Đê-Akô Dhông ở TP. Buôn Ma Thuột thành hình mẫu vừa cổ xưa vừa hiện đại, còn lưu giữ những nét văn hóa điển hình của người Ê Đê như: nhà dài, bến nước, ẩm thực, thổ cẩm…

Đối với tỉnh Gia Lai, làng Ốp (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) được xem là làng văn hóa du lịch khá điển hình của địa phương. Đây là làng Jrai đã có lịch sử gần 100 năm, còn lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc Jrai với một không gian rộng, thoáng, giao thông thuận lợi.

Giữa quý III-2023, tỉnh Kon Tum đã tổ chức hội thảo nhằm tìm ra phương án để bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Brâu, 1 trong 5 dân tộc ít người nhất Việt Nam. Hiện nay, làng truyền thống Brâu ở Đak Mế (Ngọc Hồi, Kon Tum) dường như không còn nữa và một số phong tục tập quán đã bị mai một. Việc khôi phục ngôi làng truyền thống Brâu để bảo tồn và phát huy văn hóa bản địa của dân tộc này đang là bài toán khó đối với các nhà văn hóa và chính quyền địa phương.

Trong vài mươi năm trở lại đây, sự mai một của các buôn làng truyền thống, kể cả những làng buôn ở cách xa đô thị, là do các yếu tố khách quan và chủ quan tác động làm mất đi không gian và môi trường sống, nhất là không gian sản xuất của cộng đồng, như nương rẫy, rừng núi, sông suối bị suy kiệt và thu hẹp. Thứ đến là không gian tín ngưỡng không còn “thiêng” trong niềm tin của cộng đồng, vì các Yàng hộ mệnh như: thần núi, thần sông… dường như vắng bóng trên thực tế; bên cạnh đó, không gian sống và sinh hoạt của cộng đồng bị bó hẹp trong giới hạn cho phép nên thiếu các điều kiện để thực hiện các nghi lễ truyền thống, giữ gìn các nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.

Do vậy, trong các dự án bảo tồn buôn làng truyền thống, các ngành chuyên môn, nhất là các nhà văn hóa địa phương nên tích cực tham mưu chính quyền địa phương cần tôn trọng và bảo tồn các không gian cần thiết, những cấu trúc không thể thiếu đối với buôn làng truyền thống. Vì thiếu những cấu trúc đó sẽ làm mất đi “phần hồn” của buôn làng. Ví dụ, làng truyền thống người Bahnar đều phải có nhà rông và khu sinh hoạt, khu nhà mồ, bến nước; làng thường đặt bên khu đất bằng phẳng cạnh con sông, con suối. Không gian sản xuất người Bahnar chủ yếu là nương rẫy, ruộng khô và ruộng nước. Cộng đồng Bahnar còn lưu giữ các lễ hội truyền thống và các nghề thủ công truyền thống. Cồng chiêng là nhạc cụ không thể thiếu trong các lễ hội hàng năm của người Bahnar.

Nhớ làng! Nhưng để tìm được một buôn làng truyền thống của các dân tộc thiểu số Tây Nguyên không phải dễ. Có người bạn từng nói với tôi rằng, sau nhiều năm trở lại, anh thấy nhiều buôn làng các dân tộc Jrai, Bahnar, Ê Đê, Xê Đăng… sao “đổi mới” nhiều quá! Các tập tục, sinh hoạt văn hóa truyền thống của cộng đồng cũng dần phai nhạt.

Nhắc lại điều này để nói lên rằng, việc bảo tồn buôn làng truyền thống các dân tộc Tây Nguyên là vấn đề then chốt và cấp thiết trong bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số hiện nay. Việc bảo tồn buôn làng truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng là xu thế tất yếu đem lại lợi ích, kích thích nội lực của cộng đồng nhằm phát huy tối đa bản sắc văn hóa và sự sáng tạo của các thành viên cộng đồng buôn làng.

Có thể bạn quan tâm