Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Nhớ mãi lời Bác dặn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)_ Đã 50 năm kể từ ngày Bác Hồ đi xa, những lời căn dặn của Người lúc sinh thời, đặc biệt là trong bản Di chúc vẫn được các thế hệ người Việt Nam ghi nhớ và làm theo.
Bà Rơ Lan Hsứ-nguyên Đại đội trưởng Đại đội 17, Đoàn Vận tải Quân khu 5 (hiện sống ở làng Ốp, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) là một trong những người con của núi rừng Tây Nguyên tham dự lễ truy điệu Bác tại Quảng trường Ba Đình cách đây 50 năm. Nhớ lại thời khắc lịch sử ấy, bà kể: “Khi đó, tôi đang học tại Hòa Bình. Toàn trường có 60 học viên nữ, còn nam thì rất đông. Khi nghe tin Bác mất, cả trường trầm lắng, buồn bã. Không ai nói với nhau lời nào nhưng nước mắt cứ tự nhiên rơi. Sau đó, nhà trường lên danh sách những người được về thủ đô dự lễ truy điệu Bác và tôi là một trong những người được chọn. Từ Hòa Bình về đến Hà Nội mất đúng 1 ngày. Suốt dọc đường đi, tôi chứng kiến cảnh tượng buồn chưa từng thấy. Đồng bào đổ ra hai bên đường, vừa đứng vẫy xe về thủ đô vừa khóc. Ai cũng muốn được về Hà Nội dự lễ truy điệu Bác. Xe phải không ít lần dừng lại vì quá đông người xin đi. Chúng tôi ngồi trên xe khóc suốt quãng đường, không thiết ăn uống gì. Tôi nói với mấy chị em trong đoàn rằng, tôi là người dân tộc thiểu số Tây Nguyên, ước mơ được một lần gặp Bác chưa thành thì hôm nay đã phải tiễn biệt Người. Khi nghe tôi nói vậy, cả đoàn òa lên khóc, vì đó cũng chính là ước mơ của mọi người, chỉ có điều không ai nói ra”.
 Một trang trong bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (nguồn: Internet)
Một trang trong bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (nguồn: Internet)
Về tới Hà Nội, bà Hsứ cùng các bạn nhanh chóng có mặt tại Quảng trường Ba Đình, hòa cùng đông đảo người dân dự lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Đó là giây phút tôi không thể nào quên. Hàng vạn người có mặt nhưng không ồn ào, chỉ nghe sụt sùi tiếng khóc. Sự mất mát bao trùm lên tất cả”-bà Hsứ kể. Kỷ niệm đó theo bà suốt nhiều năm sau. Thương nhớ Bác, bà Hsứ càng nhớ những lời Người dặn dò trong Di chúc. “Khi chúng tôi trở lại trường học tập, ai cũng tâm niệm rằng, cuộc chiến tranh hãy còn dài, học xong bằng mọi giá phải trở về quê hương tiếp tục chiến đấu, giành độc lập, tự do cho dân tộc như lời Bác dặn trước lúc đi xa”-bà Hsứ tâm sự.
Ngày nghe tin Bác Hồ mất, bà Cao Thị Bảy-nguyên cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh (hiện sống ở đường 17-3, phường Thống Nhất, TP. Pleiku) còn ở trong lao tù của địch. Bà nhớ lại: “Anh chị em tù chính trị bị giam ở Nhà lao Pleiku rất bất ngờ và xúc động khi nghe tin Bác mất. Sau đó, chúng tôi đồng loạt lấy chỉ đỏ thêu lên ngực trái để tang Bác. Nỗi buồn đau lan khắp các buồng giam. Chúng tôi hiểu rằng, Bác mất giữa lúc cuộc chiến tranh đang trở nên khốc liệt, nhất là ở chiến trường Tây Nguyên. Vì vậy, hơn lúc nào hết, mọi người không được nao núng, dao động mà càng phải kề vai sát cánh với nhau”.
Bác ra đi nhưng những lời dặn dò của Người đã trở thành nguồn sức mạnh của những người tù cộng sản như bà Bảy. Bà tâm sự: “Bác mất đi nhưng đã để lại một di sản vô giá, đó chính là bản Di chúc. Đó là kim chỉ nam hành động của người cộng sản. Nội dung Di chúc được phổ biến đến tất cả anh em tù chính trị ngay sau khi Bác ra đi, nó có giá trị thực tiễn đối với lịch sử đất nước không chỉ trong giai đoạn chiến tranh ác liệt. Trong nhiều nội dung Bác dặn dò, tôi đặc biệt ghi nhớ lời dặn về vai trò tiên phong của người đảng viên”. Trải qua nhiều nhà giam từ Gia Lai đến Biên Hòa, sau đó bị đày ra Côn Đảo, bà Bảy đã nhiều lần chết đi sống lại dưới đòn roi tra tấn của kẻ thù nhưng vẫn kiên trung với niềm tin tất thắng. Bà kể: “Sau giải phóng, toàn dân chung tay tái thiết đất nước. Nghèo đói, lạc hậu bủa vây, từ những phong trào nhỏ nhất đều phải gây dựng lại từ đầu. Tôi về làm công tác Hội Phụ nữ và luôn ghi lòng tạc dạ lời Bác dạy đảng viên phải tiên phong, gương mẫu, trong sáng, vô tư nên hoạt động với tinh thần lăn xả”. Nữ cựu tù chính trị yêu nước này kể thêm, những lần bị tra tấn khi ở trong tù đã để lại nhiều thương tích vĩnh viễn trên thân thể bà khiến sức khỏe sau này sa sút trầm trọng. Mặc dù vậy, sức mạnh tinh thần, ý chí của người đảng viên đã giúp bà vượt lên, ngày đêm bám sát cơ sở, từng chút gây dựng lại phong trào phụ nữ dần lớn mạnh, vững vàng.
Nếu bà Hsứ, bà Bảy chưa một lần được gặp Bác thì ông Đinh Klum-nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh (hiện sống ở phường Tây Sơn, TP. Pleiku) lại may mắn được gặp Người đến 4 lần. Vì vậy, lời Bác dặn trước lúc đi xa càng có ý nghĩa đặc biệt với ông. Ông kể: “Tôi là lứa học sinh đầu tiên của Trường Dân tộc Trung ương, học ở Gia Lâm (Hà Nội). Bác đến thăm trường 4 lần vào các năm 1957, 1958, 1959 và 1960. Cả 4 lần Bác đến thăm, tôi đều may mắn được gặp. Bác dành rất nhiều tình cảm và sự quan tâm đối với học sinh dân tộc miền núi. Điều Bác dặn dò nhiều hơn cả với học sinh các dân tộc thiểu số đó là tinh thần đoàn kết, đoàn kết sẽ làm nên sức mạnh dân tộc, chiến thắng mọi kẻ thù. Lần nào tới thăm trường, Bác cũng bắt nhịp bài ca “Kết đoàn” khiến chúng tôi rất xúc động. Hình ảnh và lời dặn dò của Người luôn ở trong tim tôi”.
 MINH CHÂU

Có thể bạn quan tâm