Sau nhiều ngày mưa lớn, trời khá khô ráo vào chiều 23-7-2018 tại huyện Sanamxay (tỉnh Attapeu), cách thủ đô Vientiane, Lào khoảng 560km. Nhưng đến 8 giờ tối, con đập phụ hỗn hợp đất đá (đập yên ngựa D) của thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy vỡ toang.
Người dân sơ tán đến nơi an toàn sau vụ vỡ đập Xe Pian- Xe Namnoy - Ảnh: Reuters |
Bây giờ em rất sợ lũ lụt. Em không còn nhìn dòng sông như cách nhìn trước đây nữa. Cậu bé CHANG SRICHANON |
500 triệu mét khối nước ập xuống hạ lưu gây trận lũ quét kinh hoàng làm thiệt hại nhiều làng mạc.
Lũ quét cao hàng chục mét
Biến cố vỡ đập đã cuốn theo dòng nước không chỉ người thân trong gia đình mà còn có tuổi thơ trong trắng của cậu bé Chang Srichanon 13 tuổi. Khúc sông Xe Pian ở làng Ban Samong là nơi em thường bơi lội.
Buổi chiều định mệnh ấy, sau khi đi học về, Chang sang nhà người chú ở làng bên cách đó 3km để chơi với anh họ lớn hơn em vài tuổi. Nhìn thấy nước sông dâng lên rất nhanh tràn ra các cánh đồng trũng, em chẳng quan tâm bởi nước sông vẫn hay tràn bờ.
Chang hoàn toàn không biết một con đập thượng nguồn đã vỡ. Bức tường nước cao hàng chục mét đột nhiên đổ ập xuống dòng sông Xe Pian. Sóng mạnh đến mức giật căn nhà người chú rung lên bần bật.
Cây cối bị nước quật ngã lòi cả rễ. Khi ngôi nhà không còn chống lại sức nước hung hãn đổ ụp xuống, Chang nắm tay anh họ nhảy xuống nước. Dòng nước cuồn cuộn nhấn chìm họ rồi cuốn người anh họ đi và quăng quật Chang va vào một thân cây lớn. Em bám chặt cành cây cầm cự một mình nhiều giờ trong đêm cho đến khi cha mẹ tìm thấy em.
Sau này, Chang mới biết gia đình người chú và nhiều bạn bè em đã bị nước cuốn mất tích. Nhà cửa cha mẹ em và người chú bị phá hủy hoàn toàn. Bà Chan Srichanon, mẹ Chang, kể thảm họa vỡ đập đã thay đổi hoàn toàn số phận gia đình.
Tất cả tài sản và số tiền tiết kiệm ít ỏi của họ đã bị dòng nước chết chóc cuốn trôi. Họ và nhiều gia đình sống sót khác phải tạm trú trong căn lều ở trại Pindong, một trong năm khu được chính quyền xây dựng cho dân sau vụ vỡ đập.
Tại làng Ban Mai, anh thanh niên Samled Inthavong đã chứng kiến ngôi nhà của anh bị cuốn theo dòng nước chảy xiết. Cha mẹ già tử nạn do mắc kẹt trong nhà. Thuyền anh bị nước cuốn trôi. Anh bám lấy cột điện, còn vợ và ba con leo lên mái nhà trú ẩn.
Nước lũ dâng cao hơn 10m. Inthavong nhớ lại: "Lúc đó khoảng 2 giờ sáng, tôi quan sát xung quanh. Mọi người kêu khóc trong khi nước ngập khắp nơi. Nhà cửa đều biến mất". Gần sáng hôm sau mới có thuyền cứu hộ đến đưa gia đình Inthavong đi sơ tán.
Dự án Xe Pian-Xe Namnoy có công suất thiết kế 410 MW là dự án thủy điện đầu tiên được các công ty Hàn Quốc xây dựng theo hình thức xây dựng-vận hành-chuyển giao (BOT) tại Lào.
Chủ đầu tư là Công ty Điện lực Xe Pian-Xe Namnoy (PNPC). PNPC là liên doanh gồm SK Engineering & Construction Hàn Quốc (nhà thầu chính phụ trách kỹ thuật, mua sắm, xây dựng), Korea Western Power Hàn Quốc (phụ trách vận hành và bảo trì), Ratchaburi Electric Generating Holding của Thái Lan (giám sát thi công) và Lao Holding State Enterprise của Lào.
Dự án trị giá 1,02 tỉ USD gồm ba đập dọc sông Mekong (đập dâng Houay Makchan, đập Xe Pian và đập Xe Namnoy), ba đập phụ (trong đó có đập bị vỡ), hai hồ chứa Xe Pian và Xe Namnoy. Dự án bắt đầu khởi công vào tháng 2-2013. Vào thời điểm xảy ra vỡ đập, dự án đã hoàn thành 90%.
Dự án tọa lạc ở độ cao 1.000m trên cao nguyên Bolaven. Với độ dốc lớn như thế, lũ quét đến nhanh và tàn phá kinh khiếp. Vụ vỡ đập đã làm 42 người chết, 23 người mất tích, hơn 4.000 người mất nhà cửa với mức thiệt hại gần 96 triệu USD.
Hình ảnh đập yên ngựa chuẩn bị vỡ lúc 11 giờ 46 ngày 23-7-2018 - Ảnh: IEP |
Kết luận điều tra của các chuyên gia
Sau vụ vỡ đập, Chính phủ Lào đã thành lập Ủy ban Điều tra quốc gia do Phó thủ tướng Bounthong Chitmany kiêm tổng thanh tra chính phủ làm chủ tịch.
Để bảo đảm khách quan, Ủy ban Điều tra quốc gia đã trao quyền điều tra độc lập cho hội đồng chuyên gia quốc tế (IEP) gồm GS Anton J. Schleiss ở Thụy Sĩ - chủ tịch danh dự Ủy ban Quốc tế về đập lớn (ICOLD), TS Jean-Pierre Tournier ở Canada - phó chủ tịch ICOLD và ông Ahmed F. Chraibi ở Morocco - cựu phó chủ tịch ICOLD. Lào còn mời các bên nước ngoài tham gia với tư cách quan sát viên, trong đó có đại diện chính phủ Hàn Quốc và Thái Lan.
9 tháng sau vụ vỡ đập, ngày 20-3-2019, IEP đã đệ trình kết luận điều tra cho Ủy ban Điều tra quốc gia. Kết luận điều tra nhận định nguyên nhân vỡ đập liên quan đến độ thấm cao của nền đập kết hợp với tầng địa chất bị xói mòn do có nhiều rãnh nhỏ liên kết.
Khi nước dâng trong hồ chứa, các dòng thấm phát triển trong nền đập dọc các rãnh và tầng địa chất có độ thấm cao.
Hiện tượng này dẫn đến xói mòn bên trong đập làm mềm đất đá ong. Đến mức độ nhất định, đập mất ổn định khiến phần cao nhất của đập bị trượt. Cuối cùng đập và nền móng vỡ hoàn toàn. Kết luận điều tra khẳng định nền đập chắc chắn có liên quan đến vụ vỡ đập và vấn đề này lẽ ra có thể được ngăn chặn bằng các giải pháp xử lý thích hợp.
Tại cuộc họp báo vào cuối tháng 5-2019, Phó chủ tịch Ủy ban Điều tra quốc gia Singphet Bounsavatthiphanh đã chính thức công bố kết luận điều tra.
Ông nhấn mạnh vụ vỡ đập không được coi là sự kiện bất khả kháng. Ông giải thích dù mưa khá lớn những ngày trước thảm họa, mực nước hồ chứa vẫn luôn dưới mức vận hành tối đa và thấp hơn nhiều so với mực nước đỉnh tràn.
Tổ chức Sông ngòi quốc tế đánh giá kết luận điều tra của Chính phủ Lào phù hợp với các phân tích độc lập khác. GS Richard Meehan ở Đại học Stanford (Mỹ) đã phân tích nhiều dữ liệu, trong đó có dữ liệu vệ tinh và nhận thấy do điều kiện địa chất, khi hồ chứa đầy, nước ngầm chuyển dịch về phía đập phụ làm đập bị lún, nứt và cuối cùng bị sập.
Tổ chức Sông ngòi quốc tế ghi nhận nhiều chứng cứ từ Hàn Quốc cho thấy thiết kế ban đầu của dự án đã được điều chỉnh nhằm tối ưu hóa lợi nhuận. Sau vụ vỡ đập, nghị sĩ Hàn Quốc Kim Kyunghyup đã cung cấp cho báo chí một tài liệu có tiêu đề "Kế hoạch thực hiện dự án đập Lào" của Công ty SK Engineering & Construction. Tài liệu được soạn thảo vào tháng 11-2012 cho thấy thiết kế đập đã bị sửa đổi để giảm chiều cao đập phụ xuống 6,5m và thay đổi vật liệu xây dựng nhằm giảm chi phí xây dựng 19 triệu USD.
Nhà nghiên cứu Brian Eyler - giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm tư vấn Stimson (Mỹ) - khẳng định vụ vỡ đập ở Lào là thảm họa do sai sót con người. Liên doanh PNPC biết đập yên ngựa đang thi công có thể gặp rủi ro trong mùa mưa.
Dự báo thời tiết đã thông báo bão Sơn Tinh sẽ đổ bộ vài ngày trước ngày vỡ đập. Nam Lào và cao nguyên miền Trung Việt Nam thường nhận được lượng mưa nhiều nhất vào mùa mưa. Với các yếu tố đó, đúng ra phải xả lũ trước nhiều ngày để ngăn chặn vỡ đập.
Phát biểu trước Quốc hội Lào ngày 10-4-2020, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Sonexay Siphandone cho biết chính quyền tỉnh Attapeu đã ký thỏa thuận về bồi thường và hỗ trợ với các nhà đầu tư dự án thủy điện Xe Pian-Xe Namnoy. Thỏa thuận gồm hai khoản: 475 tỉ kip (52,6 triệu USD) bồi thường cho người chết, trẻ mồ côi, tài sản bị thiệt hại và 353 tỉ kip (39,1 triệu USD) khôi phục cơ sở hạ tầng công cộng. Các nhà đầu tư đã chi hơn 8 tỉ kip (0,89 triệu USD) bồi thường cho các gia đình có người chết và trẻ mồ côi. Do công tác giám định thiệt hại đối với tài sản chưa xong nên chưa bồi thường tài sản. 700 căn nhà được xây dựng bằng tiền bồi thường của PNPC và Công ty SK Engineering & Construction của Hàn Quốc. |
Con đập ngăn bùn thải quặng sắt vỡ toang. 60 triệu tấn bùn tràn xuống làng Bento Rodrigues cách thành phố Mariana (Brazil) 35km. Ngoài 19 người thiệt mạng, lũ bùn đỏ quạnh đã đổi tên sông Rio Doce (sông hiền hòa) thành sông "Rio Morto" (sông chết).
Kỳ tới: Từ người cứu nạn đến kẻ tội đồ
HOÀNG DUY LONG (TTO)