Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Những cựu tù chính trị yêu nước kiên trung, nghĩa tình ở Ia Kly

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Xã Ia Kly có số lượng hội viên cựu tù chính trị yêu nước nhiều nhất huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) với 110 người. Gặp gỡ và nghe người trong cuộc kể lại khoảng thời gian bị địch bắt tù đày, chúng tôi thêm cảm phục tinh thần kiên trung, bất khuất của những cựu tù chính trị yêu nước.

Ký ức không quên

Ở tuổi 82, lưng của nữ Dũng sĩ diệt Mỹ Kpuih Ích (làng Nú) đã còng, bước đi cũng chậm, trí nhớ đã giảm sút nhiều. Tuy nhiên, khi nhắc về năm tháng bị địch bắt tù đày, bà lại nhớ đến từng chi tiết. Bà lẳng lặng đi vào nhà lấy ra 1 chiếc túi vải nhỏ, màu đen, bên trong là chiếc Huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ đưa cho chúng tôi xem. Bà Ích hồi nhớ: “Năm 1967, mình đã dùng B40 bắn cháy 2 xe tăng của địch ở khu vực đồi làng Thung. Đến khi hết đạn, mình bị địch bắt ở ngay vị trí hầm chiến đấu. Chúng lôi mình ở dưới hầm lên, dùng báng súng đánh vào đầu, vào mặt khiến mình bị gãy mấy chiếc răng”. Cứ vài ngày, bà lại bị địch gọi lên tra hỏi nơi cất giấu vũ khí, lương thực cũng như nơi bộ đội, du kích tập trung. Lần nào trở về nhà giam, trên người bà cũng đầy những vết đòn roi. Các ngón chân, ngón tay cũng bị chúng dùng giày đinh giẫm đến rách da, gãy xương. Đến năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết, bà Ích mới được thả tự do. 

Những cựu tù chính trị yêu nước luôn tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Phương Dung


Bà Ích cho hay, sau khi bị quân ta đánh cho tan tác trong Chiến dịch Plei Me, Mỹ-ngụy quay trở lại điên cuồng đánh phá. Chúng dồn dân lập ấp, bắt giam tất cả người dân mà chúng nghi ngờ đi theo cách mạng, nuôi giấu bộ đội. “Chỉ cần gặp người dân mang theo gạo, rượu hoặc chuối đi trên đường, chúng đều bắt giam. Em trai mình mang theo gà và ghè rượu đi đám cưới ở làng bên cũng bị chúng bắt giam 5 tháng. Thậm chí, chúng còn bắt người dân vô tội, rồi treo trên cây cho đến chết để thị uy dân chúng”-bà Ích kể.

3 năm bị địch bắt tù đày là khoảng thời gian mà ông Kpă Ơng (SN 1946, làng Pó) không thể nào quên. Ông Ơng cho biết: “Mình bị bắt khi đang vận động thanh niên đứng lên chống giặc, bảo vệ dân làng. Chúng đẩy mình lên xe, rồi chở thẳng về Nhà lao Pleiku. Cứ vài ngày, chúng lại gọi lên tra hỏi. Chúng dùng roi da đánh vào chân, vào bụng; dùng roi điện dí vào người. Mình cũng đau, cũng sợ nhưng quyết không khai”. Không có bằng chứng kết tội, tháng 6-1972, ông Ơng được trả tự do. Với lòng căm thù giặc sâu sắc, trở về làng, ông xin theo bộ đội, trực tiếp cầm súng chiến đấu. Sau này, ông tiếp tục tham gia chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và xin phục viên cuối năm 1979.

Cũng bị bắt năm 1969 và giam cùng nhà lao với ông Ơng, ông Rah Lan Kéh (SN 1947, làng Pó) chia sẻ: “Người làng, người xã mình bị giam cùng một chỗ nhiều lắm. Chúng không cho nói chuyện nên mọi người phải tìm cách ra hiệu cho nhau và thống nhất về cách khai, lời khai. Ơng khai làm quản lý thanh niên còn mình thì làm công tác quản lý tổ. Mỗi tổ gồm 7-10 gia đình. Lần nào tra hỏi cũng chỉ khai như thế, chúng không làm được gì nên phải thả người”.

Gương sáng vì cộng đồng

Ông Rơ Mah Hêng-Chủ tịch UBND xã Ia Kly-khẳng định: “Những hội viên cựu tù chính trị yêu nước ở xã luôn gương mẫu chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nỗ lực vươn lên trong lao động sản xuất. Đặc biệt, nhiều hội viên là tấm gương sáng hết lòng vì cộng đồng và đi đầu trong các phong trào, cuộc vận động tại địa phương”.

Ông Kpă Ơng (bên phải), ông Rah Lan Kéh (ngồi giữa) cùng Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị huyện Nguyễn Hữu Ninh ôn lại những năm tháng bị địch bắt tù đày. Ảnh: Phương Dung

Ông Nguyễn Hữu Ninh-Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị yêu nước huyện Chư Prông: Hội viên Hội Cựu tù chính trị yêu nước toàn huyện nói chung và xã Ia Kly nói riêng luôn sống mẫu mực, nghĩa tình và tích cực đóng góp xây dựng quê hương. Họ yêu thương, đoàn kết, động viên giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Chuyện nữ Dũng sĩ diệt Mỹ Kpuih Ích chia 14 ha đất sản xuất cho các hộ dân trong làng để cùng nhau phát triển kinh tế khiến ai cũng cảm phục. Anh em, người trong dòng họ được chia nhiều hơn; còn hộ nghèo trong làng tùy vào số khẩu, có hộ nhận 3 sào, có hộ nhận 5 sào. “Mình là người trong dòng họ nên được chia 1 ha. Mình cũng học hỏi những người xung quanh trồng cà phê, bón phân, tỉa cành, tưới nước đầy đủ nên mỗi năm thu gần 100 triệu đồng. Nhờ có bà Ích nên cuộc sống gia đình mình bây giờ khác xưa nhiều rồi”-ông Kpuih Bum bộc bạch. Việc hiến đất của bà Ích là hoàn toàn tự nguyện, song về phía chính quyền địa phương đã kịp thời ghi nhận và hỗ trợ gia đình theo quy định với số tiền 40 triệu đồng.

2 cựu tù chính trị yêu nước Kpă Ơng và Rơ Lan Kéh cũng gương mẫu trong phát triển kinh tế gia đình. Ông Ơng cho biết: “Mình có 1 ha cà phê. Sau khi trừ chi phí, gia đình thu về 90-100 triệu đồng/năm. Còn 1 ha đất xa nguồn nước, mình vẫn đang trồng cây điều”. Tương tự, ông Kéh đã chuyển đổi 1 ha mì sang trồng 3 sào điều, 7 sào cà phê và nuôi 3 con bò. Năm 2019, khi xã có chủ trương mở rộng đường giao thông nông thôn, 2 ông đều đi đầu trong việc hiến đất và vận động người dân cùng tham gia. “Chiều ngang mình hiến 2 m, còn chiều dài thì không tính, vì đất chạy dọc theo vườn điều. Mình hiến đất, nhiều hộ cũng dời hàng rào, chặt cây điều nên giờ bà con có đường rộng rãi để đi”-ông Kéh vui vẻ cho hay. Riêng ông Ơng đã hiến tổng cộng gần 300 m2 đất.

 

 PHƯƠNG DUNG

 

Có thể bạn quan tâm