(GLO)- Trong số 100 người có uy tín được Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai tặng bằng khen giai đoạn 2018-2020 thì xã Bar Măih (huyện Chư Sê) có 2 người: ông Siu Hnơh-Trưởng thôn Phăm Kleo-Ngol và ông Siu Sum-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Phăm Ó. Cả 2 đều đã có những thành tích xuất sắc trong việc tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết ở khu dân cư.
Ông Siu Hnơh (bìa trái) trao đổi công việc với thành viên Ban Nhân dân làng Phăm Kleo-Ngol, xã Bar Măih. Ảnh: Anh Huy |
1. Trước khi làm Trưởng thôn, ông Siu Hnơh đã có nhiều năm làm cán bộ Địa chính xã, rồi Phó Bí thư Đoàn xã. Mặt khác, làng Phăm Kleo-Ngol cũng là nơi chôn nhau cắt rốn nên ông biết rõ từng người, hiểu hoàn cảnh từng gia đình. Đó cũng chính là lợi thế giúp ông hoàn thành tốt nhiệm vụ của trưởng thôn suốt 5 năm qua.
Biết người dân trong làng quen với lối sản xuất cũ, ông kiên trì đến từng nhà để tuyên truyền, vận động bà con thay đổi cách nghĩ, cách làm. Thay vì duy trì trồng lúa trên khu vực đất bị hạn, ông vận động bà con chuyển sang các loại cây trồng khác để cải thiện thu nhập. Nhờ đó, đến nay, 22 hộ dân trong làng đã chuyển đổi 4 ha đất ruộng bị hạn sang trồng bắp sinh khối.
Bà Siu Loăng bộc bạch: “Nhờ có Hnơh mà làng mình thay đổi rất nhiều. Hnơh tuyên truyền, giải thích để bà con hiểu lợi ích của việc làm đường bê tông, thu gom rác thải, chuyển đổi cây trồng để nâng cao thu nhập…”.
Cùng với vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Trưởng thôn Siu Hnơh còn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các gia đình thu gom rác thải, đào hố rác sau vườn; vận động thanh niên, phụ nữ mỗi tháng tập trung 1 ngày để cùng dọn dẹp đường làng, phát quang bụi rậm.
“Trước đây, một số tuyến đường chưa có nhà ở, cỏ mọc um tùm, vương vãi bao ni lông, vỏ chai các loại. Bây giờ, 100% hộ đã đào hố rác và làm hàng rào. Hầu hết các hộ đã di dời chuồng trại ra xa nhà, một số hộ còn trồng hoa”-Trưởng thôn Siu Hnơh chia sẻ.
Nhắc đến Trưởng thôn Siu Hnơh phải kể đến vai trò của ông trong việc vận động người dân góp tiền, góp sức để hoàn thành tuyến đường bê tông dài 2.300 m. Đây là tuyến đường chính của làng nhưng thường bị ngập nước, lầy lội vào mùa mưa khiến cho việc đi lại, nhất là các cháu học sinh đi học rất khó khăn.
Ngay khi có chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, ông tổ chức họp dân để thống nhất ý kiến. Kết quả 100% hộ dân trong làng đều hưởng ứng. Ngoài ra, bà con còn tham gia hơn 1.000 ngày công lao động. Sau 1 tháng thi công, tuyến đường đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Nói thêm về cuộc sống của người dân trong làng, Trưởng thôn Hnơh thông tin: “Năm 2019, làng còn 11 hộ nghèo nhưng đến cuối năm 2020 chỉ còn 6 hộ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng đưa tỷ lệ này giảm xuống”.
Ông Siu Sum (bìa trái) uyên truyền, vận động người dân trong làng. Ảnh: Anh Huy |
2. Gần 10 năm trong vai trò Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Phăm Ó, ông Siu Sum không nhớ chính xác mình đã hòa giải bao nhiêu vụ mâu thuẫn, tranh chấp. Duy có điều hầu hết các vụ việc, ông đều tham gia hòa giải thành công.
Năm 2020, xã Bar Măih xảy ra hơn 20 vụ mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng (các vụ việc đều hòa giải thành công ngay tại cơ sở), trong đó, tại làng Phăm Ó có 9 vụ, chủ yếu liên quan đến mâu thuẫn vợ chồng, tranh chấp đất đai, thanh niên đánh nhau.
Nhắc lại vụ hòa giải gần đây, ông Siu Sum kể: Vườn cà phê của ông Preng với gia đình ông Yuk sát nhau. Đây đều là đất cha mẹ để lại và trước nay giữa 2 khu vườn có 1 khoảng đất trống được xem như ranh giới. Cuối năm 2020, cả 2 gia đình đều giành khoảng đất trống về mình để trồng thêm 1 hàng cà phê. Không ai nhường ai dẫn đến lời qua tiếng lại, thậm chí 2 bên còn kéo thêm người thân, họ hàng để gây áp lực cho nhau.
Sau khi nắm bắt tình hình, ông mời 2 gia đình cùng ngồi lại để nói chuyện và phân tích phải trái. Cuối cùng, cả 2 đều thống nhất theo phương án chia đôi và vui vẻ bắt tay làm hòa.
Tuyến đường 2.300 m hoàn thành góp phần thay đổi diện mạo làng Phăm Kleo-Ngol. Ảnh: Anh Huy |
Trước khi làm Trưởng ban Công tác Mặt trận làng, ông Sum đã có thâm niên gần 20 năm làm trưởng thôn, rồi 5 năm làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã. Do đó, ông hiểu rõ người dân trong làng cần gì, mong muốn điều gì và ông cũng biết với người dân địa phương, khi giải quyết các vấn đề cần khéo léo, linh hoạt.
Đề cập đến cách hòa giải các vụ mâu thuẫn gia đình, ông chia sẻ: Thường khi nóng giận, vợ chồng sẽ nói những câu không hay, dễ gây tổn thương cho nhau. Lúc ấy, mình có đến hòa giải cũng khó mà thành. Vì vậy phải chọn lúc cả 2 đã bình tĩnh, mình gặp từng người, lắng nghe ý kiến, sau đó mới phân tích, khuyên răn.
Làm “người vác tù và hàng tổng”, ông luôn có mặt mỗi khi dân cần, dù là đêm tối hay ngoài trời mưa bão. Ông bảo, trước đây có trường hợp thanh niên trong làng đi xe máy gây tai nạn rồi gọi ông đến can thiệp lúc 2 giờ sáng. Đến nơi, ông còn phải đưa người đi bệnh viện, ứng tiền đóng viện phí… Chính vì tận tâm, trách nhiệm với người dân nên ông luôn nhận được từ họ sự yêu mến, tin tưởng.
ANH HUY