Hơn 60 mùa lúa rẫy qua, ông Siu Lơl (làng Hlang Ngol, xã Ia Vê, huyện Chư Prông) vẫn vẹn nguyên niềm đam mê với nghề đan lát truyền thống. Ngày nối ngày, ông cần mẫn tạo ra những chiếc gùi có nắp độc đáo, tinh xảo. Không chỉ đơn thuần là vật dụng phục vụ sinh hoạt, sản xuất, các sản phẩm còn neo giữ nét văn hóa độc đáo của dân tộc Jrai. Gian chính giữa căn nhà được ông Lơl chọn để trưng bày những chiếc gùi có nắp đậy với hoa văn phong phú, tinh tế. Ông Siu Khec-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hlang Ngol-đánh giá: “Ông Siu Lơl là người có bàn tay đan lát điêu luyện. Trong làng, chỉ ông Siu Lơl mới có thể làm ra loại gùi có hoa văn đẹp, có nắp đậy trông rất có hồn như vậy thôi”.
Chỉ cho chúng tôi xem từng họa tiết, hoa văn trên chiếc gùi, ông Lơl cười hiền: “Cha tôi là nghệ nhân đan gùi nổi tiếng. Từ nhỏ, tôi đã thích những hình ảnh hoa văn giàu ý nghĩa. Đến năm 18 tuổi, tôi nghĩ mình phải làm ra những chiếc gùi thật đặc biệt. Vậy nên, tôi mày mò học cách đan nắp cho những chiếc gùi. Khi có nắp đậy, việc gùi đồ đạc sẽ không bị đổ và còn đẹp hơn rất nhiều”.
Để đan gùi, ông Lơl phải băng rừng, lội suối chọn những cây lồ ô thẳng, đẹp, đem về chẻ lạt phơi khô. Sau đó, ông tỉ mẩn dùng sơn quét lên từng sợi với nhiều màu sắc, rồi lại đem phơi nắng chừng 2-3 ngày. Đối với sợi lạt to dùng để làm vành gùi, vành nắp gùi, ông dùng nước cốt từ cây nung quét lên để tạo ra màu đen tự nhiên. “Việc đan gùi có nắp rất khó, nhất là việc tạo khối hình trụ tròn và nắp khum hình chóp nón. Phải thật khéo léo, kiên nhẫn và hiểu rõ ý nghĩa từng loại hoa văn thể hiện trên thân gùi, nắp gùi. Ngoài ra, nan phải vót thật trơn nhẵn, đều đặn để khi đan nắp vừa khít với miệng gùi mới toát lên được vẻ độc đáo. Phần chóp nắp gùi cũng đòi hỏi sự khéo léo để bảo đảm vừa đẹp, vừa kín đáo và tiện cho việc cầm đóng, mở nắp. Để hoàn thành một chiếc gùi nắp lớn có khi mất hàng tháng”-ông Lơl chia sẻ.
Với sự nỗ lực sáng tạo của mình, nhiều năm qua, ông Lơl đã tạo ra hàng trăm chiếc gùi có nắp đủ loại và trở thành nghệ nhân tài hoa của làng. Theo thời gian, chiếc gùi có nắp như một sản phẩm độc quyền của làng Hlang Ngol, gắn bó với bà con như máu thịt, truyền đời và cũng là một nét văn hóa độc đáo cần lưu giữ.
Ở làng C (xã Gào, TP. Pleiku), già làng Mlang cũng được biết đến như một nghệ nhân đan gùi tài hoa. Gùi của ông không có màu sắc sặc sỡ mà chân chất, mộc mạc như chính con người ông vậy. Nhiều người biết đến loại gùi này nhờ kiểu dáng và hoa văn trang trí đơn giản nhưng lại rất tinh xảo. Có lẽ nhờ sự khác biệt ấy mà khá đông du khách khi đến Gia Lai đã chọn mua những chiếc gùi do chính tay ông Mlang đan để mang về làm kỷ niệm. Còn với bà con dân làng, mọi người trân trọng dùng gùi của già làng Mlang để đựng rượu, thuốc, trà… đi biếu anh em, họ hàng; các “sơn nữ” của làng thì mang gùi trong điệu xoang mừng lúa mới.
Ông Mlang chia sẻ: “Những chiếc gùi này tuy nhìn bên ngoài rất đơn giản nhưng phải là người có tay nghề cao mới làm được. Muốn có được chiếc gùi đẹp và bền phải vót nan thật đều và chuẩn. Nan phải có độ cong vừa và phơi trong 10 ngày, sau đó vót lại cho đẹp để khi đan, gùi để càng lâu thì càng lên màu bóng bẩy, đẹp mắt. Một chiếc gùi đan công phu có thể sử dụng khoảng nửa đời người. Vì không nhuộm màu nên khi bà con treo trên giàn bếp, gùi sẽ có màu cánh kiến, rất bền và không bị mối mọt hay ẩm mốc”.
Không chỉ là nghệ nhân đánh cồng chiêng lão luyện, chỉnh chiêng giỏi nhất vùng mà anh Đinh Hlich (làng Tờ Nùng Măng, xã Ya Ma, huyện Kông Chro) còn chế tác nhiều loại nhạc cụ độc đáo, trong đó có đàn đá. Dưới bàn tay tài tình của nghệ nhân, từng hòn đá vô tri, vô giác được “thổi hồn” để trở thành nhạc cụ đặc sắc với những giai điệu trầm bổng, réo rắt. Anh Hlich là người duy nhất ở Ya Ma biết cách “bắt” đá phát ra những âm thanh “nhảy múa” đầy mê hoặc.
Đôi mắt của già làng Đinh Têl luôn ánh lên niềm tự hào khi nhắc tới cái tên Đinh Hlich: “Trong các loại nhạc cụ của người Bahnar thì đàn đá khó làm và khó chơi nhất. Ngày trước, một vài người trong làng biết làm và chơi loại đàn này. Nhưng sau khi lớp người này mất đi thì đàn đá cũng bị quên lãng. Nay nhờ đôi tay giỏi giang của Hlich mà âm thanh của đàn đá đã trở lại ở vùng đất này”.
Sau khi được “mục sở thị” bộ đàn đá và nghe anh Hlich đánh đàn, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi thanh âm trong trẻo phát ra từ những hòn đá sần sùi. Hlich kể, anh đến với đàn đá cũng là sự tình cờ. Trong một lần cùng gia đình đi ngăn suối để đưa nước vào ruộng, anh nghe tiếng nước chảy va vào đá phát ra âm thanh. Anh liền lấy những hòn đá gõ vào nhau thì thấy chúng phát ra những âm thanh kỳ diệu.
Cũng theo anh Hlich, đàn đá có thang âm quá nhỏ, quá hẹp, không đủ một quãng dài, rất khó đánh những bài dân ca. Chính vì thế, việc chế tác nhạc cụ không chỉ cần niềm đam mê mà còn đòi hỏi sự khéo tay cùng khả năng thẩm âm tinh tế. Sau 1 tháng nghiên cứu và thử nghiệm, bộ đàn đá đầu tiên của anh đã ra đời. Tiếng đàn đá của anh Hlich phát ra lúc thì thánh thót, vang vọng, khi lại du dương như dòng thác, cơn gió đại ngàn. Người nghe có cảm giác đang đứng giữa núi rừng, nơi có con suối hiền hòa, có tiếng chim hót thánh thót. “Bộ đàn đá ấy đã cùng bà con dân làng vui vẻ trong những ngày lễ hội hay theo các bạn trẻ đi biểu diễn ở các cuộc thi. Đàn đá giờ đây đã trở thành “đặc sản” của vùng đất Ya Ma”-anh Hlich tự hào.
Bên khung dệt sẫm màu thời gian, chị H'Yưt (làng Chuét Ngol, xã Chư Á, TP. Pleiku) tỉ mẩn kiểm tra những đường nét hoa văn trên tấm vải. Hơn 40 tuổi, chị được xem là nghệ nhân có đôi bàn tay khéo léo nhất làng. Với chị, dệt thổ cẩm truyền thống không chỉ là nghề mà còn là niềm đam mê. Chị luôn mong nghề dệt thổ cẩm được bảo tồn và phát triển ngay trên quê hương mình. Bởi vậy, chị không ngừng sáng tạo để dệt nên những tấm thổ cẩm đẹp nhất.
Đưa đôi tay kéo những sợ chỉ màu, chị H'Yưt tâm sự: Chị cũng không nhớ rõ mình đến với khung cửi năm bao nhiêu tuổi. Chỉ nhớ rằng, từ lúc còn rất nhỏ, chị đã tò mò, thích thú với hình ảnh các bà, các mẹ trong làng ngày ngày ngồi bên khung dệt, miệt mài với từng đường tơ, sợi chỉ để làm nên những bộ váy áo đẹp. Rồi chị được học dệt từ mẹ. Chị bảo, việc sáng tạo hoa văn là bí quyết cơ bản để có được tấm thổ cẩm đẹp, chỉ cần nhìn hoa văn trên thổ cẩm là biết được tay nghề của người thợ. Và ở làng Chuét Ngol, hoa văn thổ cẩm của chị là một điều khác biệt bởi sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. “Trước đây, sản phẩm thổ cẩm làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình, trong các hoạt động văn hóa, đời sống. Tuy nhiên, hiện nay, những tấm thổ cẩm dệt công phu được nhiều người yêu thích đặt mua. Điều này đã phần nào tạo động lực, khơi gợi sự sáng tạo không ngừng cho tôi”-chị H'Yưt hào hứng bày tỏ.
Nói về những đôi tay tài hoa khéo léo như chị H'Yưt, ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-cho rằng: “Để làm nên những tấm thổ cẩm đặc trưng, người phụ nữ đã “thổi hồn” vào các chi tiết hoa văn. Chủ đề hoa văn cũng được khéo léo lựa chọn là hình ảnh gần gũi với đời sống hàng ngày cùng mong ước cuộc sống hài hòa với thiên nhiên, núi rừng của cộng đồng bản địa. Tại nhiều ngôi làng ở Pleiku, nghề dệt thổ cẩm luôn được chị em phụ nữ lưu truyền và phát triển”.