Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Những năm tháng không thể nào quên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Họ là những người con của núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ, một lòng quyết tâm đánh đuổi giặc thù bảo vệ từng tấc đất quê hương. Cũng có những người dù không sinh ra hay lớn lên ở Gia Lai nhưng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lại nguyện gắn bó cả tuổi xuân với nơi này. Để rồi giờ đây nhìn lại, tất thảy đều cảm thấy những năm tháng kháng chiến là quãng thời gian không thể nào quên.
 

1. Nằm cách cổng chào tổ dân phố Plei Ktõh (thị trấn Kông Chro) không xa, ngôi nhà nhỏ của ông Đinh Chối ẩn hiện dưới tán cây xanh tỏa bóng trước hiên. Trong bộ quân phục giản dị, ông Chối cười tươi pha bình trà nóng mời khách. Ông trò chuyện với tôi bằng chất giọng phổ thông khá rành rọt; phong thái thì lúc nào cũng nhanh nhẹn, và hoạt bát. Bởi vậy, khi nghe ông bảo mình đã trải qua hơn 90 mùa rẫy, tôi không khỏi bất ngờ.

Ông Đinh Chối (bìa trái) kể về cuộc vượt ngục năm xưa ở nhà lao Pleiku. Ảnh: Hồng Thi


Khi nhắc nhớ về những tháng ngày trai trẻ “sống chết” cùng cách mạng, ông Chối dường như không bỏ sót một chi tiết nào. Sinh ra rồi lớn lên trong cảnh “làng mất nhà tan”, cậu thanh niên Đinh Jim (tên thật của ông Chối-P.V) lúc nào cũng sục sôi ngọn lửa căm thù lũ giặc cướp nước. 19 tuổi, ông tham gia lực lượng du kích của xã Ya Ma, tích cực hoạt động cách mạng. Năm 1952, do phản quân chỉ điểm, Jim cùng 4 đồng đội bị địch bất ngờ vây bắt. Chúng giam giữ ông ở An Khê, sau đó chuyển lên Pleiku rồi đưa sang Đak Lak.

“Ngày nào tôi cũng bị giặc tra tấn dã man hòng tìm kiếm lời khai. Nhưng tôi nhất quyết không hé miệng nửa lời, có chết cũng không bao giờ phản lại Đảng và Bác Hồ, bán đứng anh em. Năm 1953, trong cuộc trao trả tù binh giữa ta và địch, tôi trở về và lại tiếp tục hoạt động du kích ở địa phương; sau đó được tin tưởng bầu làm trưởng thôn. Vừa âm thầm hoạt động cách mạng, tôi vừa vận động dân làng tăng gia sản xuất, nuôi giấu cán bộ nằm vùng”-ông Chối nhớ lại.

Từ cuối năm 1954, trên địa bàn huyện 7 (nay là huyện Kông Chro) liên tiếp diễn ra các cuộc đấu tranh chính trị tự phát của quần chúng chống địch lập tề, bắt lính, cướp bóc, đốt phá làng mạc... Năm 1955, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, ông dẫn đầu đoàn biểu tình gần 30 người kéo ra thị trấn An Khê cùng với các đoàn ở nơi khác đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử để thống nhất đất nước, đòi các quyền lợi dân sinh, dân chủ.

Nhấp thêm ngụm trà, ông Chối tiếp tục câu chuyện: “Cả đoàn bàn bạc, lên kế hoạch và thống nhất gặp nhau ở suối Kenh (thuộc địa phận làng Chai, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ ngày nay) rồi cùng đi. Lội bộ từ 9 giờ sáng đến 2 giờ chiều mới tới nơi thì bị địch đưa lính ra ngăn chặn không cho tiến vào nội thị. Trước sức ép của dòng người khắp nơi đổ về cơ quan hành chính ngày một đông, địch xáp vào bắt bớ những người đại diện, trong đó có tôi. Lần này, chúng đưa tôi lên tận nhà lao Pleiku giam giữ”.

Điều đáng nói, khi nhận ra Đinh Chối là người từng bị bắt trước đó, địch nổi giận đem nhốt ông xuống hầm tối, tra tấn rồi bỏ đói suốt 7 ngày 7 đêm. Để duy trì sự sống, ông Chối buộc phải uống nước tiểu của mình. Khi thấy ông kiệt sức, chúng lôi ông lên phòng giam, cho ăn chút cơm thừa. Dù ngày ngày địch đều tra khảo bằng đủ thủ đoạn tàn độc nhưng chẳng thể lay chuyển được ý chí kiên trung của người chiến sĩ cách mạng ấy.

Thế rồi trong một lần, ông Chối vô tình nhìn thấy chùm chìa khóa tên cai ngục đánh rơi nơi khe cửa. Ông vội khèo lấy, vòng tay tra thử vào ổ khóa phòng giam. “Cạch”-âm thanh mở khóa vang lên. Ông mừng rỡ nhưng vẫn cẩn thận khóa lại ổ rồi quay vào trong, lên kế hoạch và chờ thời cơ để vượt ngục cùng 2 người bạn tù. “7 giờ tối, lợi dụng địch sơ hở, chúng tôi đã bỏ trốn thành công. Len lỏi đường rừng không ngơi nghỉ, mất 2 ngày 2 đêm thì tôi về tới làng. Để “che mắt” quân địch, dân làng bảo tôi đổi tên thành Đinh Chối. Cái tên này chính thức theo tôi từ đó, đến bây giờ không ai còn nhớ tên Jim của tôi nữa”-ông mỉm cười nói.

Sau lần vượt ngục ấy, ông Chối luôn hoạt động cẩn trọng để tránh bị lọt vào lưới giặc lần nữa. Từ năm 1957 đến năm 1968, ông được cấp trên tín nhiệm giao trọng trách xã đội trưởng, trợ lý dân quân rồi đến các chức vụ cao trong Huyện đội huyện 7, chỉ huy lực lượng bộ đội địa phương phối hợp với bộ đội chủ lực giành nhiều thắng lợi vẻ vang trong cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 cũng như góp phần giải phóng tỉnh nhà năm 1975.

2. Ông Nguyễn Văn Trinh (76 tuổi, trú tại 726 Quang Trung, phường An Bình, thị xã An Khê) cũng là một trong những người lính quả cảm nơi chiến trường Gia Lai cách đây hơn nửa thế kỷ. Sinh ra tại miền biển Hoài Nhơn (Bình Định), năm 20 tuổi, theo tiếng gọi của quê hương, ông Trinh lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Đại đội Thông tin thuộc Tỉnh đội Gia Lai. Dù không trực tiếp cầm súng chiến đấu, song những người lính thông tin như ông Trinh giữ một vai trò rất quan trọng trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc lúc bấy giờ.

Ông Trinh cho hay: “Lúc mới vào đơn vị, tôi có nhiệm vụ quay máy phát điện để phục vụ công tác truyền tin. Sau khi được cử đi đào tạo nghiệp vụ 1 năm ở Quảng Nam-Đà Nẵng, tôi trở về đảm nhận trọng trách chiến sĩ báo vụ, thực hiện việc nhận và truyền lệnh giữa lãnh đạo Quân khu 5, Mặt trận B3, tỉnh Gia Lai và đơn vị của mình. Tôi cũng thường xuyên có mặt ở chiến trường để đảm bảo công tác thông tin liên lạc luôn kịp thời, chính xác”.

Ông Nguyễn Văn Trinh (thị xã An Khê) bên phần thưởng cao quý do Nhà nước trao tặng. Ảnh: H.T


Nói đoạn, ông đưa mắt hướng về phía tấm Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng treo trang trọng trên tường. Ông tâm sự: “Đến bây giờ, tôi vẫn không thể nào quên cái ngày đặc biệt ý nghĩa với đời mình: 21-1-1968, nhằm ngày 22 tháng Chạp. Tại Biển Hồ (TP. Pleiku), tôi vinh dự được đơn vị kết nạp vào Đảng, sau đó tức tốc nhận nhiệm vụ xuống chiến trường phía Đông tỉnh để tác chiến. Ngoài tôi còn có 2 đồng đội cùng đi. Ôm chặt “đồ nghề” là chiếc máy thông tin PRC 9 nặng 12 kg trong tay, vai mang khẩu súng AK và ba lô ngụy trang, tôi lên đường với quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó.

Sau 7 ngày đêm vượt rừng, lội suối, phá vòng vây phục kích của địch, cuối cùng chúng tôi cũng đến được làng Đê Chơ Gang (nay thuộc xã Phú An, huyện Đak Pơ). Không chút nghỉ ngơi, cả 3 nhanh chóng đào hầm trú ẩn rồi tiến hành thử máy. Phát hiện “sóng lạ”, địch liền bắn pháo điên cuồng vào khu vực nghi ngờ nhưng rất may không trúng vị trí chúng tôi đang ở. Suốt chuỗi ngày phục vụ thông tin cho cuộc tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, chúng tôi luôn làm việc trong cảnh pháo bắn, bom thả trên đầu. Thế nhưng, anh em lúc nào cũng tự nhủ phải thật bình tĩnh để tiếp nhận và truyền tin một cách thông suốt, chính xác nhất, đảm bảo sự chỉ đạo của cấp trên đến kịp thời với các cơ quan, đơn vị liên quan. Kết thúc chiến dịch, đơn vị và cá nhân tôi được Nhà nước tuyên dương và trao tặng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng ba vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.

3. Sau ngày giải phóng, ông Trinh chuyển sang làm ở Ban Hậu cần thuộc Tỉnh đội Gia Lai cho đến tháng 9-1983 thì nghỉ chế độ mất sức. Ông quyết định chọn mảnh đất An Khê làm quê hương thứ hai và gắn bó cho đến tận bây giờ. Từ năm 1985 đến 2019, ông kinh qua nhiều chức vụ trong bộ máy chính quyền, các hội, đoàn thể cơ sở, có nhiều đóng góp thiết thực cho địa phương. Với những đóng góp của mình, ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Kháng chiến hạng nhì và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Ông Đinh Chối cũng vậy. Không chỉ tích cực góp sức trong công cuộc xây dựng và bảo vệ sự ổn định, bình yên cho buôn làng, ông còn là tấm gương người cao tuổi sản xuất giỏi của huyện Kông Chro; đồng thời sẵn sàng giúp đỡ bà con cùng phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Hiện ông có gần 12 ha đất trồng mía, mì, bắp và lúa nước; đào ao nuôi cá và chăn nuôi khoảng 30 con trâu, bò, dê... cho thu nhập trung bình mỗi năm gần 300 triệu đồng.

“Là người con của mảnh đất này, tôi vô cùng phấn khởi và tự hào trước sự khởi sắc từng ngày của quê hương Kông Chro nói riêng và Gia Lai nói chung”-ông Chối chia sẻ.

HỒNG THI

Có thể bạn quan tâm