Phóng sự - Ký sự

Những nẻo đường... cần sa - Kỳ 4: Áp lực từ bên kia biên giới tây nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thời gian vừa qua, nhiều vụ buôn bán cần sa đã được cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ. Với tình hình thực tế tại một số quốc gia trong khu vực, công tác phòng, chống ma túy, đặc biệt là với việc chống mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép cây cần sa sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều. Theo nhận định từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), khi công tác phòng, chống ma túy được triển khai quyết liệt ở các tỉnh trọng điểm phía bắc, áp lực này sẽ bị dồn xuống các tỉnh phía Tây Nam…

Một lần đến ấp Tho Mo…

Thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, hầu hết các đối tượng trong các đường dây buôn bán ma túy đều có tiền án, tiền sự nguy hiểm, nhiều đối tượng mang lệnh truy nã trong nước và quốc tế. Nhiều đối tượng có dấu hiệu tập trung ở vùng biên giới, trong đó có khu vực biên giới giữa hai nước Việt Nam - Campuchia. Khu vực bên kia biên giới giáp với cửa khẩu Mỹ Quý Tây (ấp Tho Mo, Đức Huệ, Long An) là một trong các “bãi đáp” của các đối tượng diện này.

Các nguồn tin đáng tin cậy cho biết, các đối tượng dạng này thường tập trung ở một số khu vực chính, một là quanh các sòng bạc ở phía bên kia cửa khẩu Mỹ Quý Tây. Hai là ở các khu casino tập trung bên kia biên giới, gần cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh. Hoặc là các sòng bài giáp ranh giữa khu vực tỉnh Đắk Nông với vùng biên nước bạn. Nhiều đối tượng cộm cán trốn tránh ở Thủ đô Phnompenh hoặc xuống khu vực Sihanouk ville (Campuchia).

Một nghi phạm vận chuyển 57 kg cần sa khô bị Bộ đội Biên phòng An Giang phối hợp bắt giữ ngày 15/2/2023. Ảnh: BIÊN PHÒNG AN GIANG

Một nghi phạm vận chuyển 57 kg cần sa khô bị Bộ đội Biên phòng An Giang phối hợp bắt giữ ngày 15/2/2023. Ảnh: BIÊN PHÒNG AN GIANG

Đi vào ấp Tho Mo, xã Mỹ Quý Tây giáp biên giới với Campuchia thì dễ, nhưng một người lạ có thể đi qua biên giới mà không vấp phải bất kỳ sự tra hỏi nào từ phía dân “xã hội” thì thật là khó.

Chiếc xe ô-tô chở chúng tôi đi vào Tho Mo chỉ cần chạm địa bàn biên giới đã thấy rất nhiều ánh mắt thăm dò. Xe mới dừng lại ở một bến xe gần cửa khẩu, đã thấy hai người đàn ông bặm trợn hất hàm “Các anh đi đâu? Hỏi ai” - rồi lập tức tri hô khi thấy sau xe vô tình lòi ra một số phụ kiện tác nghiệp. “Có người quay phim, đi ngay ra chỗ khác”. Gần như lập tức, quanh xe của chúng tôi đã có khoảng gần chục người đàn ông xua đuổi. Xe đi tới đâu là xuất hiện những người mặc áo choàng kín người, đầu đội mũ bảo hiểm kín mít, tay cầm điện thoại quay phim theo dõi. Cứ mỗi khoảng vài trăm mét, đã có một người lạ đứng chờ ở ven đường. Họ chỉ quay đi khi chiếc xe chở chúng tôi đi khuất xa khỏi khu vực biên giới.

Quyết tâm sang biên giới để tìm hiểu thực tế của chúng tôi “tắt” hẳn khi xe dừng lại ở ven đường cách barie cửa khẩu chừng vài cây số. Người đổi tiền biến sắc mặt khi thấy xe dừng lại, cùng lúc, ba chiếc xe máy cũng dừng ở cửa của gian hàng có chức năng chuyển tiền. Không ai trả lời bất kỳ câu hỏi hay yêu cầu nào của chúng tôi, tất cả chỉ lắc đầu và lạnh lùng nhìn trân trân vào người lạ. Đương nhiên, thái độ không chào đón ấy đi kèm với những ánh nhìn lóe lên sự đe dọa. Chắc cũng chẳng tình cờ, bỗng dưng số điện thoại mà chúng tôi vẫn liên lạc trước khi xuống để nhờ đưa qua cửa khẩu cũng đột ngột… lâm vào tình trạng “thuê bao không liên lạc được”.

“Các anh đi vào đó không có người dẫn đường thì cũng chẳng biết đường nào mà đi. Phải có hoa tiêu mới được. Bên kia toàn đối tượng xã hội phức tạp. Ở đây chẳng ai hoan nghênh người lạ, nhất là ăn mặc, đi đứng không giống… bình thường”. Ý người bạn chỉ đường cho tôi thì người “bình thường” nghĩa là những người đi sang bên kia… đánh bạc, hoặc dân bản địa ăn mặc trông dễ nhận ra. “Các ông ăn mặc như… tây thế kia mà sang biên giới, khéo không về được đâu”, bạn tôi kết luận.

Với sự đề phòng từ xa kỹ càng như thế, bảo sao phía bên kia biên giới giáp với ấp Tho Mo vẫn giữ được tiếng là khu vực “an toàn” của các đối tượng trốn truy nã. Và vì nó quá gần với trung tâm kinh tế của miền nam là Thành phố Hồ Chí Minh, các đối tượng xã hội phức tạp khi được hỏi về vùng trốn chạy thì hai chữ “Tho Mo” gần như bật ra khỏi miệng.

Phía Tây Nam nóng bỏng…

Câu chuyện trao đổi với Phó Cục trưởng Hải quan Long An, ông Nguyễn Văn Khánh bắt đầu bằng yếu tố con người. Long An là tỉnh giáp biên giới, lại rất gần với Thành phố Hồ Chí Minh. Tỉnh có 133 km đường biên giới giáp với nước bạn Campuchia nhưng lại chỉ có hơn 20 cán bộ. Toàn tỉnh có hai cửa khẩu là cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp (12 người) và cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây (9 người). Về cơ bản thì các cán bộ hải quan ở đây chỉ tiến hành kiểm tra kỹ đối với hàng nhập khẩu hoặc có dấu hiệu gian lận thương mại. “Ở địa bàn, chúng tôi cũng cùng với các lực lượng khác như biên phòng, công an tiến hành giám sát qua camera hoặc thường xuyên tiến hành kiểm tra giám sát ở hai cửa khẩu quốc tế và quốc gia. Tuy nhiên, thời điểm này mỗi ngày trung bình khối lượng container qua trạm chỉ khoảng 30 chiếc. Các đối tượng phạm tội chủ yếu đi theo hàng chục đường mòn, lối mở dọc theo biên giới nên rất khó kiểm soát”. Đối với loại tội phạm buôn bán cần sa, hiện tại Cục Hải quan chỉ có máy soi được sử dụng ở Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, cũng chỉ soi chiếu hàng hóa thông thường, bằng biện pháp thủ công chứ không có thiết bị chuyên dụng.

Như vậy, cách mà đám tội phạm thường sử dụng là nhồi hàng vào vách ngăn giả ở trong container là gần như đã có thể qua mặt cơ quan chức năng nơi này.

Tối 15/2/2023, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang đã bắt giữ một vụ vận chuyển trái phép 57 kg cần sa qua biên giới, bắt giữ đối tượng Lê Văn Thanh (sinh năm 1980, trú ấp Phú Nhứt, xã An Phú, huyện Tịnh Biên). Đối tượng đã lợi dụng đêm tối để vác các bao tải chứa cần sa qua biên giới đoạn giữa chốt 23-24 (xã An Nông, Tịnh Biên, An Giang). Tang vật thu giữ gồm hoa, lá, quả, cành cần sa.

Qua giám định, cơ quan chức năng kết luận hai bao tải (một bao có trọng lượng 34,4 kg, bao còn lại nặng 22,6 kg) mà Thanh và đồng bọn vác thuê là ma túy dạng cần sa. Số tiền vác thuê được Thanh khai với cơ quan chức năng là 700 nghìn đồng.

Nói về những khó khăn trong công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và công tác phòng chống tội phạm ma túy, Cục trưởng Hải quan An Giang Trần Quốc Hoàn cho biết, thời gian qua, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có chiều hướng diễn biến phức tạp so với thời gian trước, nhất là tại địa bàn huyện An Phú. Từ khi các chốt của lực lượng liên ngành kiểm soát chống buôn lậu theo kế hoạch 77/KHLN rút khỏi địa bàn, các đối tượng buôn lậu đã tổ chức hoạt động trở lại thành các đường dây vận chuyển hàng lậu qua biên giới, tập trung chủ yếu ở hai xã Khánh An và Khánh Bình (nơi đã từng xảy ra vụ việc hàng chục người bỏ chạy từ Campuchia qua sông Bình Di về Việt Nam hồi năm ngoái - ngoài địa bàn hoạt động của Hải quan). Báo cáo từ cơ quan Hải quan An Giang cũng cho biết, các đối tượng thường lợi dụng thời điểm đêm tối, địa hình phức tạp do có dòng sông chung giữa Việt Nam - Campuchia để vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gây khó khăn cho lực lượng kiểm soát chống buôn lậu.

Trong tháng 3/2023, Công an tỉnh An Giang đã phát hiện bắt giữ hai đối tượng vận chuyển 18,6 kg ma túy tổng hợp từ Campuchia về Việt Nam qua địa bàn xã Khánh An, huyện An Phú, An Giang. Nhận định từ cơ quan chức năng ở đây cho biết, phần lớn người dân ở khu vực biên giới không có nghề nghiệp ổn định, nhận thức về pháp luật của người dân tại đây vẫn chưa cao dẫn tới dễ bị các đối tượng đầu nậu lợi dụng để tham gia đai vác mướn, tiếp tay vận chuyển hàng lậu, sẵn sàng chống trả người thi hành công vụ. Hoạt động của các đường dây buôn lậu có sự cấu kết, thỏa thuận, tổ chức chặt chẽ, từ đối tượng là đầu nậu, hộ kinh doanh cá thể, công ty TNHH, người canh đường, người theo dõi, người tham gia vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tạo thành đường dây xuyên suốt để đối phó lực lượng chức năng.

Nói về công tác phòng chống tội phạm vận chuyển cần sa từ phía biên giới vào nội địa, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho biết, thời gian qua cơ quan này đã tiến hành bắt giữ, khởi tố điều tra 14 vụ (12 đối tượng) phạm tội liên quan tới ma túy. Tang vật thu giữ gồm 2.910 gram ma túy đá, 128,121 kg cần sa; 1 khẩu súng K54 và 5 viên đạn… Trao đổi ý kiến về tình hình một số quốc gia đang hợp thức hóa việc trồng cây cần sa, đại diện đơn vị này cho biết, các đối tượng buôn bán ma túy phía Campuchia thường có sự cấu kết, móc nối với các đối tượng người nước ngoài và các đối tượng người Việt Nam hoạt động với thủ đoạn rất tinh vi, liều lĩnh. Ma túy thường được vận chuyển từ Phnompenh xuống khu vực biên giới đối diện nước ta, lợi dụng các tụ điểm nhạy cảm như casino, trường gà, nhà hàng, quán karaoke… làm nơi giao dịch buôn bán ma túy sau đó thẩm lậu vào Việt Nam. Đặc biệt, hoạt động trồng cây cần sa trái phép tại một số xã thuộc huyện Kirivong, tỉnh Tà Keo, Vương quốc Campuchia vẫn còn xảy ra. Các đối tượng lợi dụng khu vực đồi núi, xa sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng Campuchia để trồng cần sa và dùng mọi thủ đoạn lén lút vận chuyển đến sát biên giới Việt Nam để giao nhận. Thủ đoạn tinh vi, hoạt động liều lĩnh gây nhiều khó khăn cho công tác đấu tranh của lực lượng chức năng.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm