Chính trị

Tin tức

Học tập và làm theo gương Bác

Những người lính quên mình vì cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cùng cả nước dốc toàn lực để phòng-chống dịch Covid-19, trên tuyến biên giới của tỉnh, những người lính Biên phòng đã gác niềm riêng, kiên cường bám trụ tại các trạm, chốt. Bởi hơn ai hết, các anh đều hiểu rất rõ vai trò, trách nhiệm của người lính nơi tuyến đầu chống dịch.
Nén nỗi đau, kiên cường bám chốt
Đó là câu chuyện của Thượng úy Nguyễn Văn Dũng-nhân viên Trạm Kiểm soát phà 8 thuộc Đồn Biên phòng Ia Chía (huyện Ia Grai). Đêm 13-4, anh nhận được tin bố vợ bị ngã trong nhà tắm, phải đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Chưa hết bàng hoàng thì hôm sau anh lại nhận hung tin bố bị xuất huyết não không qua khỏi. Đơn vị cách nhà (xã Trà Đa, TP. Pleiku) gần 100 km, đi lại rất khó khăn. Hơn thế, đang trong thời gian cao điểm cả nước thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng-chống dịch Covid-19, bản thân anh lại là người lính nơi tuyến đầu nên đành nén đau thương, không thể trở về nhà chịu tang. Thượng úy Dũng bộc bạch: “Hơn 10 năm làm rể, với tôi, ông như là bố ruột. Nhận được tin bố mất, tôi rất muốn về nhìn mặt ông lần cuối nhưng tất cả vì nhiệm vụ chung nên tôi tin mọi người đều sẽ cảm thông”. Nén đau thương vào trong, Thượng úy Dũng vẫn đêm ngày cùng đồng đội vững tay súng bám trụ tại các trạm, chốt để ngăn ngừa dịch bệnh, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm. Trước hoàn cảnh của Thượng úy Dũng, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Ia Chía đã gặp gỡ, động viên, chia sẻ để anh sớm vượt qua nỗi đau buồn; đồng thời tạo điều kiện để anh lập bàn thờ vọng ngay tại nơi anh đang thực hiện nhiệm vụ. Bàn thờ nhỏ được lập vội ngay bên cạnh Trạm Kiểm soát với bát hương, trái cây và bình hoa để anh cùng các đồng đội có thể thắp nén nhang tiễn biệt người đã khuất.
Thượng úy Nguyễn Văn Dũng lập bàn thờ vọng cha vợ ngay bên cạnh chốt. Ảnh: P.D
Cũng nhận được tin cha bị đột quỵ phải nhập viện ngoài quê Thái Bình, 2 anh em Thiếu tá Vũ Ngọc Hưng-Đội trưởng Đội Đặc nhiệm (Phòng Phòng-chống Ma túy và Tội phạm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) và Thượng úy Vũ Quang Thiều-nhân viên Kiểm soát hành chính (Đồn Biên phòng Ia Nan) dù rất nóng lòng nhưng cũng đành tự trấn an nhau rằng, hết dịch sẽ về thăm cha. Thượng úy Thiều chia sẻ, gia đình anh có 3 anh em trai, duy có cậu em út sống gần bố mẹ. Còn anh và Thiếu tá Hưng đều công tác và lập gia đình tại Gia Lai nên thỉnh thoảng mới có dịp về thăm nhà. “Bố mẹ tôi đều đã lớn tuổi, ông năm nay đã 70 tuổi, sức khỏe không được tốt. Năm ngoái, ông phải đặt máy trợ tim, còn giờ vẫn đang phải nằm trong phòng cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa huyện Tiền Hải”-Thượng úy Thiều trải lòng. Vì thực hiện nhiệm vụ trên tuyến biên giới xa xôi, không thể về ngay để cận kề chăm sóc nên họ chỉ có thể chờ tin tức về bệnh tình của bố từ cậu em trai. Thượng úy Thiều thông tin: “Em trai mới gọi điện thoại thông báo bố vẫn đang nằm ở khoa cấp cứu nhưng sức khỏe đã tiến triển tốt hơn, vài ngày tới có thể chuyển xuống phòng hồi sức”.
Mong về gặp mặt con
Chiều muộn, tranh thủ phút nghỉ ngơi hiếm hoi sau ca trực, Trung úy Hà Lương Vũ-nhân viên Vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Ia Lốp lại cầm chiếc điện thoại có hình cô con gái mới sinh ra để nhìn ngắm. Anh Vũ trải lòng: “Mình dự tính để dành một phần ngày phép của năm 2019 và đăng ký xin đơn vị nghỉ phép năm 2020 vào đúng thời điểm vợ sinh. Vợ mình sinh mổ, lại là con đầu lòng nên mình cũng muốn ở bên cạnh động viên, chăm sóc, nhưng rồi mọi dự tính đều tiêu tan bởi dịch bệnh”. Trung úy Vũ phụ trách địa bàn làng Ring (xã Ia Mơr), nhưng vì thực hiện nhiệm vụ phòng-chống dịch Covid-19 nên được đơn vị tăng cường lên chốt kiểm soát phòng-chống dịch ở gần chốt Suối Đen. Chốt đóng ở khu vực xa dân cư, sóng điện thoại lại chập chờn. Vì vậy, những lúc không thể liên lạc được với người thân để nghe ngóng tình hình của vợ con, lòng anh lại bồn chồn, lo lắng. “Mình chỉ thật sự thở phào nhẹ nhõm khi người nhà nhắn tin, thông báo cô ấy đã “mẹ tròn con vuông”. Vì nhiệm vụ nên mình chỉ có thể gọi điện thoại nhờ cậy ông bà nội ngoại hai bên giúp đỡ và nhắn tin động viên, an ủi vợ”-anh Vũ bày tỏ.
Để ngăn chặn dịch bệnh, nhiều ngày qua, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở các chốt trên biên giới phải ăn, ngủ trong rừng. Ảnh: P.D
Điều khiến anh Vũ luôn cảm thấy được tiếp thêm sức mạnh, ấy là vợ anh-chị Phạm Thị Hồng Nhung-luôn thấu hiểu, chia sẻ với anh trước những khó khăn, vất vả. Để rồi thay vì giận hờn, trách móc chồng không ở cạnh lúc mình vượt cạn, chị lại quay sang động viên anh yên tâm công tác. “Con gái chờ anh về đặt tên”-chị nhắn. Chị còn nhờ người thân chụp hình con gửi qua điện thoại để anh yên tâm. Và cứ sau mỗi ca gác, đồng đội lại thấy anh cầm chiếc điện thoại ngắm hình con gái rồi mỉm cười thật hạnh phúc.
Nói về hoàn cảnh của Trung úy Vũ, Trung tá Lê Mạnh Lực-Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Lốp-cho biết: “Ngay khi biết tin về trường hợp của đồng chí Vũ, Ban Chỉ huy Đồn đã gặp gỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và động viên tinh thần. Chúng tôi cũng gọi điện thoại về thăm hỏi, động viên và giải thích với gia đình để vợ con đồng chí yên tâm. Bản thân đồng chí Vũ cũng xác định rõ trách nhiệm của người lính, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đặt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới lên hàng đầu và xác định “chống dịch như chống giặc”.
“Đợi anh về em nhé”
Ấy là lời hẹn ước của Thượng úy Nguyễn Trọng Thiên-Trạm trưởng Trạm Kiểm soát K3 (Đồn Biên phòng Ia Nan) với cô giáo Hồ Thị Hồng Hạnh (Trường Mầm non Họa Mi, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ). Chị Hạnh kể, 2 người quen nhau cách đây 5 năm, khi đó anh Thiên đang công tác tại Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động, đóng quân ở huyện Đức Cơ. Vì cảm mến chàng sĩ quan hiền lành, chất phác nên chị thường xuyên gọi điện chuyện trò, thăm hỏi, rồi 2 người yêu nhau lúc nào không hay. Khoảng cách từ đơn vị về thị trấn Chư Ty lúc đó không xa, nhưng do tính chất công việc nên họ  rất ít có cơ hội gần nhau. Hiểu và cảm thông cho công việc của Thượng úy Thiên nên trong suốt thời gian yêu nhau, chị Hạnh chẳng mấy khi trách móc. Thay vào đó, mỗi khi có thời gian, chị lại tranh thủ ghé đơn vị thăm anh. “Sau mỗi đợt thăm anh trở về, mình lại thấy thương và yêu anh nhiều hơn khi chứng kiến điều kiện sinh hoạt của các anh còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, công việc lại vất vả. Ngay cả bữa ăn, giấc ngủ nhiều khi cũng không được trọn vẹn”-chị Hạnh bày tỏ.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Châu Ngọc Tuấn thăm, động viên cán bộ, chiến sĩ trên chốt kiểm soát chống dịch ở Đồn Biên phòng Ia Lốp. Ảnh: P.D
Mỗi lần gặp nhau đều vội vàng nên suốt 5 năm qua, cả 2 chưa có lấy 1 tấm hình chụp chung. Chị Hạnh bẽn lẽn giải thích: “Phần vì anh Thiên không thích chụp hình, phần do thời gian tụi mình gặp nhau rất ít, rồi điện thoại, mạng xã hội phổ biến nên cũng không nhớ đến việc chụp chung với nhau tấm hình”. Chuyện tình của chàng sĩ quan và cô giáo mầm non nhận được sự ủng hộ của gia đình 2 bên, do đó cả 2 quyết định sẽ về chung một nhà vào ngày 4-5 này. Ngày, giờ đều đã chọn, cả 2 cũng đã tranh thủ mua nhẫn và hẹn thời gian chụp ảnh cưới. Nhưng rồi tất cả đều phải tạm gác lại vì đại dịch chưa biết khi nào sẽ bị đẩy lùi. Dù vậy họ đều vui vẻ vì hiểu rằng đây là việc nên làm trong tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay. “Tụi mình đã chủ động trao đổi với gia đình về việc tạm hoãn đám cưới và may mắn là gia đình 2 bên đều hiểu, thống nhất khi nào hết dịch sẽ tổ chức”-Thượng úy Thiên cho hay.
Thượng tá Nguyễn Văn Nghị-Phó Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh-cho biết: Mặc dù thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện khó khăn, vất vả, thậm chí có đồng chí bố vợ mất, bố nhập viện, vợ sinh... nhưng ai cũng tự nguyện gác niềm riêng để tập trung bám chốt, trạm chống dịch, bảo vệ biên giới. Riêng với Thượng úy Nguyễn Văn Dũng và Trung úy Hà Lương Vũ, sau khi thực hiện xong Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chỉ huy đã giải quyết cho nghỉ tranh thủ để về thắp nhang cho bố vợ và động viên vợ con.  
PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm